Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với cơ quan cấp bộ đầu tiên

Làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu sử dụng công cụ tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin cho người dân.

Ngân hàng Nhà nước là cơ quan đầu tiên mà Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc sau khi được Quốc hội bầu giữ chức Thủ tướng vào ngày 5/4. Buổi làm việc diễn ra vào ngày 17/4, một ngày sau khi Chính phủ họp phiên đầu tiên sau kiện toàn.

Tham dự cuộc họp có Phó thủ tướng Lê Minh Khái, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát công việc, xác định những việc trọng tâm, trọng điểm, cấp bách để xử lý, đảm bảo phải có sản phẩm trong vòng 3-6 tháng tới.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu sử dụng công cụ tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Ảnh: Thuận Thắng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu sử dụng công cụ tiền tệ để kiểm soát lạm phát. Ảnh: Thuận Thắng.

“Chọn một số việc ưu tiên làm trước”

Ông lưu ý những vấn đề vướng mắc cần có giải pháp tháo gỡ trên tinh thần vận dụng sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả các phương thức lãnh đạo của Đảng đối với ngành ngân hàng.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu lựa chọn một số việc ưu tiên làm trước, việc khó phức tạp cân nhắc kỹ lưỡng tìm giải pháp phù hợp, xử lý có hiệu quả.

Thủ tướng cho rằng những việc chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng vượt quá thực tiễn thì Ngân hàng Nhà nước cần mạnh dạn đề xuất làm thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Qua đó, cơ quan này có thể mở rộng dần thực hiện từng bước chắc chắn, không cầu toàn, không nóng vội, tinh thần có hiệu quả, có sản phẩm cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm.

Những việc chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng vượt quá thực tiễn thì mạnh dạn đề xuất làm thí điểm vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Thủ tướng Phạm Minh Chính

“Cần rà soát lại hành lang pháp lý, hoàn thiện thể chế để đảm bảo hệ thống phát triển an toàn, lành mạnh, tăng cường phân cấp và sử dụng công cụ giám sát, kiểm tra, kiểm soát đo lường hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng, tạo lập niềm tin nhân dân, niềm tin với nhà đầu tư trong nước và niềm tin quốc tế.

Ngoài ra, Thủ tướng khẳng định Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng kịch bản ứng phó dịch Covid-19 của ngành ngân hàng, cắt giảm chi phí, chia sẻ lợi nhuận, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không được hạ chuẩn cho vay, tránh gây rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.

Kiểm soát tín dụng vào bất động sản và chứng khoán

Về điều hành tín dụng, Thủ tướng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần tổng hợp, phân tích dữ liệu để có đánh giá nhằm kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như tín dụng bất động sản và chứng khoán.

Đối với tín dụng vào bất động sản, cần quản lý đảm bảo dòng vốn vào tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng bất động sản thực sự của người dân, tránh đầu cơ.

Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp căn cơ, phát triển thị trường tài chính đảm bảo ổn định, lành mạnh và cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Điều đó sẽ giảm sức ép cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như tín dụng bất động sản và chứng khoán. Ảnh: Hoàng Hà.

Với lĩnh vực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, Thủ tướng yêu cầu làm quyết liệt nhưng chắc chắn trên nguyên tắc đảm bảo an toàn hệ thống, an toàn tiền gửi của người dân. Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp các bộ ngành tạo cơ chế phù hợp thu hút nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia tái cơ cấu đảm bảo hiệu quả.

Đối với lĩnh vực cung ứng dịch vụ, Thủ tướng lưu ý cần đảm bảo ứng dụng công nghệ hiện đại thích ứng với sự bùng nổ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng mang lại tiện ích, an toàn cho người dân.

Tạo điều kiện để các ngân hàng tăng tính cạnh tranh và hội nhập quốc tế, để người dân được hưởng tiện ích và dịch vụ tương đương các nước trong khu vực

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh cần phối hợp chặt chẽ có hiệu quả với các bộ ngành hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo điều kiện, môi trường cho các sản phẩm mới, sản phẩm sáng tạo công nghệ được áp dụng để góp phần phát triển nền kinh tế số.

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước làm việc với các bộ ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ tăng vốn đối với các ngân hàng thương mại Nhà nước, tạo môi trường, điều kiện để các ngân hàng tăng tính cạnh tranh và hội nhập quốc tế để người dân được hưởng tiện ích và dịch vụ tương đương các nước trong khu vực.

Hành lang pháp lý cho những dịch vụ ngân hàng mới

Báo cáo trước Thủ tướng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh một số lĩnh vực trọng tâm trong chỉ đạo điều hành, cũng như khó khăn cần giải quyết.

Vấn đề tín dụng, bà Hồng nhấn mạnh phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, tập trung vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Đối với tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng các công cụ để kiểm soát rủi ro như giảm dần tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (hiện nay là 40%), áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro cao, giới hạn dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán so với vốn điều lệ…

Kết quả cho thấy, tốc độ tăng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng chậm lại, dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng chung.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng quý I đạt 2,93%. Ảnh: SBV.

Về những khó khăn trong hoạt động cấp tín dụng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng báo cáo thực tế tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140%, trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất theo đánh giá của quốc tế. Nếu để tỷ lệ này tiếp tục tăng cao và vốn vay trung dài hạn cũng dựa nhiều vào ngân hàng thì sẽ tạo áp lực lớn đối với việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô.

Thực tiễn hoạt động ngân hàng thời gian qua cho thấy doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 90% số lượng doanh nghiệp của Việt Nam nhưng khả năng tiếp cận vốn hạn chế. Bà nhấn mạnh Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các tổ chức tín dụng cắt giảm thủ tục để tăng khả năng tiếp cận tín dụng đối với doanh nghiệp và người dân.

Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140%, trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất theo đánh giá của quốc tế

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng

Về vấn đề tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, bà Hồng cho rằng nếu không được bổ sung thì hạn chế khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thu hẹp thị phần của khối ngân hàng thương mại Nhà nước, khó hiện thực hóa chỉ tiêu có ít nhất 1 đến 2 ngân hàng thương mại nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất.

Đối với trụ cột hệ thống ngân hàng cung ứng dịch vụ, chủ yếu là dịch vụ thanh toán cho nền kinh tế, bà Hồng nhấn mạnh vướng mắc lớn nhất hiện nay là thiếu hành lang pháp lý đồng bộ cho vấn đề mới phát sinh như vấn đề cho vay ngang hàng, quản lý tiền điện tử, tiền kỹ thuật số…

Đồng thời, việc triển khai các dịch vụ trên cơ sở đổi mới, sáng tạo có thể phát sinh rủi ro mà thời điểm hiện tại chưa nhận diện được, cần có cơ chế chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo và ứng xử với rủi ro phù hợp để giảm áp lực cho cơ quan và nhân lực thực hiện.

Hiếu Công

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-lam-viec-voi-co-quan-cap-bo-dau-tien-post1205903.html