Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long - Di sản sau 2 thập kỷ cầm quyền

Xuất thân từ gia đình có truyền thống chính trị, tham gia chính trường khi chỉ vừa bước qua tuổi 32 và trở thành thủ tướng 20 năm sau đó, ông Lý Hiển Long đã lèo lái con thuyền Singapore vượt qua những thời điểm khó khăn, để lại di sản lớn trong lòng người dân Đảo quốc sư tử.

Nhà lãnh đạo bẩm sinh

Là con trai đầu của cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu và bà Kha Ngọc Chi, ông Lý Hiển Long sinh ra và lớn lên trong thời kỳ hỗn loạn nhất của nền chính trị Singapore. Ông mới lên 7 khi khi cha ông, ông Lý Quang Diệu, trở thành Thủ tướng sau cuộc Tổng tuyển cử năm 1959. Bốn năm sau đó, ông Lý đã theo cha đi khắp Singapore để vận động sáp nhập với Malaysia, tiếp xúc trực tiếp với sự nghiệp chính trị mà ông sẽ theo đuổi sau này. Vào thời khắc lịch sử của Singapore, ngày 9/8/1965, ông Lý đã chứng kiến thời khắc Singapore trở thành một quốc gia độc lập.

Ông Lý Hiển Long. Ảnh: Getty.

Ông Lý Hiển Long. Ảnh: Getty.

Ông Lý Hiển Long chính thức gia nhập chính giới khi ông mới chỉ 32 tuổi vào năm 1984, nhưng ngay từ những ngày đầu tiên, ông đã chứng minh bản thân là một nhà lãnh đạo bẩm sinh. Trong lần ra mắt tranh cử năm 1984, ông Lee đã giành được 80,4% số phiếu.

Ông Lý được bổ nhiệm làm phó thủ tướng vào năm 1990. Ông đã thể hiện xuất sắc đến mức không các đồng nghiệp trong Nội các thường gọi ông là " người lãnh đạo thế hệ" của họ.

Năm 2006, đảng Nhân dân Hành động (PAP) cầm quyền ở Singapore từ năm 1959 của ông Lý Hiển Long đã giành chiến thắng với 82/84 ghế trong Quốc hội. Đây được coi là cuộc trưng cầu dân ý về uy tín của cá nhân Thủ tướng Lý Hiển Long cũng như đảng PAP.

Trong bốn năm tiếp theo, ông Lý đã giải quyết những mối quan ngại của cử tri. Ông còn phát động "Cuộc trò chuyện Singapore của chúng ta" để khuyến khích người dân bày tỏ những khó khăn cũng như mong muốn của bản thân. Bài phát biểu trong Ngày Quốc khánh năm 2013 của ông đã nêu rõ ràng rằng Chính phủ sẽ làm nhiều hơn nữa để củng cố mạng lưới an toàn chung cho toàn xã hội.

Trong bài phát biểu chia tay cương vị Thủ tướng, đứng trước đám đông đã luôn ủng hộ ông trong suốt hai thập kỷ, Thủ tướng Singapore không cầm được nước mắt: “Thật may mắn và vinh dự cho tôi khi được phục vụ đất nước. Trong 20 năm tôi làm Thủ tướng Singapore và PAP đã có những thay đổi ngoạn mục. Nhưng có một điều sẽ không bao giờ thay đổi, những người lãnh đạo như chúng tôi vẫn luôn cống hiến hết mình cho Singapore, phục vụ nhân dân và giữ yên quốc đảo này".

Singapore trở nên xuất sắc

“Singapore phải đặt mục tiêu trở nên xuất sắc. Nếu chúng ta hài lòng với việc chỉ ở trên mức trung bình trong liên minh các thành phố, chúng ta sẽ thất bại. Đó là mối nguy hiểm lớn nhất nếu chúng ta tự nhủ mình phải sống chậm lại, tận hưởng cuộc sống hôm nay và đừng lo lắng về ngày mai”, Thủ tướng Lý Hiển Long nói.

Ông Lý từng mô tả các chính sách đối nội của mình là “sự cân bằng năng động” giữa kinh tế thị trường tự do và an sinh xã hội. Một nền kinh tế sôi động là điều quan trọng để Chính phủ có thể tài trợ cho các chương trình cải thiện cuộc sống. Đổi lại, các chính sách xã hội nâng cao trình độ, chẳng hạn như nâng cấp kỹ năng và trợ cấp nhà ở, sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thủ tướng Lý Hiển Long gặp gỡ người dân vào năm 2017. Ảnh: The Straits Times

Thủ tướng Lý Hiển Long gặp gỡ người dân vào năm 2017. Ảnh: The Straits Times

Theo ông Lý, chỉ khi Singapore trở thành một thành phố toàn cầu, người dân Singapore mới có thể tận hưởng chất lượng cuộc sống tương đương với các nước tiên tiến và một đất nước nơi con cái họ có thể mong đợi một cuộc sống tốt đẹp hơn trước đây.

Ngay buổi đầu nắm quyền, ông Lý Quang Diệu đã có vai trò đưa ra những quyết định quan trọng về nền kinh tế. Năm 1985, khi được bổ nhiệm làm chủ tịch Ủy ban Kinh tế, ông đã nỗ lực giúp Singapore thoát khỏi suy thoái kinh tế, bao gồm cả việc đưa ra quyết định không được lòng dân như cắt giảm khoản đóng góp từ Quỹ tiết kiệm trung ương (CPF) của người sử dụng lao động từ 25% xuống 10% nhằm khôi phục khả năng cạnh tranh kinh doanh.

Năm 2001, ông đứng đầu Ủy ban rà soát kinh tế, có nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế. Nhận thấy đất nước cần trở thành một nền kinh tế dựa trên tri thức, ông đã biến Singapore thành môi trường khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo, đồng thời bãi bỏ nhiều quy định cứng nhắc và thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế.

Đây vẫn là kim chỉ nam ngay cả khi đất nước Singapore phải chống chọi với đại dịch Sars vào năm 2003, hay đại dịch Covid-19 vào năm 2019-2023.

Chủ nghĩa thực dụng

Chủ nghĩa thực dụng là dấu ấn trong 20 năm cầm quyền của ông Lý Hiển Long

“Chính phủ không phải là hệ tư tưởng. Chúng tôi thực dụng”, ông nói trong cuộc tranh luận về Diễn văn của Tổng thống năm 2018.

Ông tuyên bố sẽ áp dụng mọi biện pháp có hiệu quả để khiến Singapore phát triển, bao gồm cả việc thất bại và học hỏi từ thất bại. Cách tiếp cận thực tế này cho phép Singapore phản ứng nhanh chóng trước bối cảnh có nhiều biến động của thế giới.

Trong bài phát biểu đầu tiên vào năm 2004, ông Lee đã vẽ ra tầm nhìn về một Singapore tràn đầy hứa hẹn và cơ hội, đồng thời cam kết xem xét lại các chính sách để đưa người Singapore đến tương lại đó. Để bắt đầu, ông đã công bố một số thay đổi làm hài lòng đám đông.

Sòng bạc Marina Bay Sands - một trong những sòng bạc đắt giá nhất Singapore. Ảnh: Getty

Sòng bạc Marina Bay Sands - một trong những sòng bạc đắt giá nhất Singapore. Ảnh: Getty

Trong lĩnh vực giáo dục, nơi Chính phủ của ông sẽ đầu tư lớn, gần 3.000 giáo viên sẽ được bổ sung vào các trường học và việc giảng dạy tiếng mẹ đẻ sẽ được điều chỉnh để phù hợp với khả năng của từng cá nhân theo học. Thời gian nghỉ thai sản có lương sẽ được tăng từ 8 lên 12 tuần và trợ cấp y tế cho những người phụ thuộc trong ngành công vụ - khi đó chỉ áp dụng cho gia đình của công chức nam giới- sẽ được mở rộng cho công chức nữ. Người dân Singpore cũng được chăm sóc y tế trọn đời, nhờ vào chương trình bảo hiểm y tế MediShield.

Sự thay đổi nhận được nhiều sự tán thưởng nhất là chuyển nền công vụ từ chế độ làm việc 5 ngày rưỡi/ tuần sang 5 ngày/ tuần. Việc áp dụng chương trình Thu nhập bổ sung vào năm 2007 được coi là một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực an sinh xã hội, giúp tăng lương cho những người lao động có thu nhập thấp để tiết kiệm cho khoản hưu trí sau này. Về vấn đề nhà ở, chính phủ tự hào tuyên bố rằng ngay cả trong số 10% dân số có thu nhập thấp nhất, 84% đã sở hữu nhà riêng. Để đảm bảo điều này, chính phủ ban hành Trợ cấp Nhà ở Gần, trợ cấp cho người dân khoản tiền lên tới 30.000 USD để được sống cùng hoặc ở gần cha mẹ họ.

Về khả năng có một sòng bạc tại Singapore, ông Lý cho biết điều này sẽ thu hút khách du lịch và mang lại doanh thu lớn cho đảo quốc sư tử, đồng thời hứa sẽ tìm ra cách để bảo vệ người dân khỏi tệ nạn cờ bạc.

Công chúng không hề biết rằng vào buổi đầu nắm quyền, ông Lý đã hợp tác chặt chẽ với Bộ trưởng Luật pháp S. Jayakumar để thảo luật các vấn đề pháp lý quan trọng để thông qua Sách Trắng, buộc các Tổng thống lên nắm quyền phải thông qua bầu cử. Ông Jayakumar cho biết: “Mặc dù ông ấy (chỉ Lý Hiển Long) không phải là luật sư, nhưng ông ấy có thể giữ vững lập trường trong bất kỳ cuộc thảo luận nào về các vấn đề pháp lý với các quan chức của Bộ Luật hoặc Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp”.

Ông Lý cũng đã lãnh đạo Singapore vượt qua mối đe dọa khủng bố, sự xuất hiện của truyền thông xã hội, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang gia tăng. Những cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất được cho là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và đại dịch Covid-19 bắt đầu vào năm 2020.

Hòa hảo trong các mối quan hệ quốc tế

Tại cuộc mít tinh nhân Ngày Quốc khánh đầu tiên trên cương vị thủ tướng vào tháng 8/2004, ông Lý đã nói rõ rằng cách tiếp cận quan hệ đối ngoại của Singapore sẽ không thay đổi dưới thời ông.

Ông nói: “Chúng tôi tìm cách làm bạn với tất cả các nước, đặc biệt là với các nước láng giềng trực tiếp và các cường quốc”.

Singapore và Trung Quốc từng có thời kỳ căng thẳng vì vấn đề Đài Loan, nhưng trước những thời điểm nhạy cảm, chính phủ Singapore vẫn giữ "cái đầu lạnh" để giải quyết tình hình. Vào tháng 9/2017, ông Lý đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc và gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng như Chủ tịch Tập Cận Bình. Hai bên khẳng định mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước, sau thời gian dài có nhiều bất đồng.

Nhiệm kỳ thủ tướng của ông Lý cũng trùng với nhiệm kỳ của các tổng thống Mỹ George W. Bush (2001 đến 2009), Barack Obama (2009 đến 2017), Donald Trump (2017 đến 2021) và Joe Biden, người lên nắm quyền vào năm 2021.

Hai nước luôn giữ vững mối quan hệ quốc phòng bền chặt. Kể từ năm 1990, Singapore đã liên tục tiếp đón các lực lượng luân phiên của hải quân và không quân Mỹ bao gồm các máy bay và tàu sân bay, trong khi Mỹ cũng tiếp nhận hơn 1.000 quân nhân Singapore mỗi năm tham gia huấn luyện các đơn vị.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama (phía sau, giữa), trò chuyện với Thủ tướng Lý Hiển Long tại bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước được tổ chức tại Nhà Trắng vào ngày 2/8/2016. Ảnh: The Straits Times.

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama (phía sau, giữa), trò chuyện với Thủ tướng Lý Hiển Long tại bữa tiệc chiêu đãi cấp nhà nước được tổ chức tại Nhà Trắng vào ngày 2/8/2016. Ảnh: The Straits Times.

Trong chuyến thăm, Singapore cũng ký với Mỹ thỏa thuận mua 39 máy bay Boeing trị giá 13,8 tỷ USD. Theo ông Lý, thảo thuận này có lợi cho hai quốc gia vì việc tăng cường các thiết bị bay sẽ "giúp hiện đại hóa hơn nữa đội bay của Singapore, đồng thời hỗ trợ nhiều việc làm cho người Mỹ”. Ông Lý cũng đánh giá cao chính sách tái cân bằng sang châu Á của ông Obama và cách cá nhân cựu Tổng thống thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được coi là một nhóm thương mại lớn kết nối các nền kinh tế ở cả hai bên Thái Bình Dương.

Với Ấn Độ, ông Lý luôn duy trì mối quan hệ nồng ấm với các thủ tướng Manmohan Singh (2004-2014) và Narendra Modi (2014-nay). Thủ tướng Singapore đã ký Thỏa thuận hợp tác kinh tế toàn diện Ấn Độ- Singapore vào năm 2005 mà người tiền nhiệm Ngô Tác Đống (Goh Chok Tong) đã đặt nền móng. Khi đó, Ấn Độ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và Singapore được xem là cửa ngõ dẫn vào thị trường ASEAN và Đông Á.

Trong 20 năm làm ông Lý nắm quyền, lá cờ Singapore đã tung bay tại nhiều cuộc họp trên khắp thế giới, bao gồm các cuộc họp của Nhóm 20 (G-20). Dù không phải là thành viên G-20 nhưng Singapore đã được mời tham gia các hội nghị thượng đỉnh G-20 và các tiến trình liên quan từ năm 2010 đến 2011 và từ năm 2013 đến 2023.

Trong một bài phát biểu vào năm 2015, ông Lý đã mô tả chính sách đối ngoại của Singapore là sự cân bằng giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lý tưởng.

“Chúng tôi quyết tâm làm chủ vận mệnh của chính mình. Chúng tôi biết rằng chúng tôi phải nhìn nhận thế giới như nó vốn có chứ không phải như chúng tôi mong muốn. Vì vậy, chúng tôi luôn nỗ lực tự bảo vệ cũng như thúc đẩy các lợi ích quốc gia của mình”, Thủ tướng Singapore nói.

Trong giai đoạn thế giới chứng kiến nhiều biến động (2004-2024), ông Lý đã chứng minh những tuyên bố của mình không chỉ là những lời nói "suông".

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo The Straits Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/thu-tuong-singapore-ly-hien-long-di-san-sau-2-thap-ky-cam-quyen-post1095153.vov