Thủ tướng Slovakia, hai Tổng thống Myanmar và Peru từ chức

Ngày 22/3, Slovakia chưa có tân chính phủ trong cuộc khủng hoảng chính trị lớn sau khi Thủ tướng phải từ chức sau vụ nhà báo 27 tuổi bị giết. Cùng ngày, hai Tổng thống Myanmar Htin Kyaw và Peru Pedro Pablo Kuczynski cũng tuyên bố từ chức.

Thủ tướng mới được đề cử Peter Pellegrini không lập nổi nội các vì phản đối của chính Tổng thống Andrej Kiska sau khi Thủ tướng tiền nhiệm Robert Fico đã từ chức vì vụ nhà báo Jan Kucial bị giết. Sinh năm 1964, ông Robert Fico là lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (SMER-SD) ở Slovakia và từng giữ chức trong Hội đồng châu Âu. Hôm 21/3, Tổng thống Kiska nói ông không tin rằng tân chính phủ có đủ tính công bằng để điều tra vụ giết người gây chấn động Slovakia.

Thủ tướng Fico thưởng 1 triệu euro tiền mặt (trên bàn) cho bất kỳ ai giúp tìm ra kẻ giết nhà báo Jan Kuciak cùng vợ chưa cưới nhưng đến ngày 15/3, ông đã từ chức (Ảnh: AFP/GETTY)

Pellegrini chính là người phó cho ông Fico trong nội các bị giải tán. Các cuộc xuống đường đều đặn mỗi cuối tuần đã hạ bệ cả ông Fico lẫn Bộ trưởng Nội vụ Slovakia, Robert Kalinak. Ông Kalinak đã từ chức tuần trước.

Nhìn vào danh sách các tân bộ trưởng được đề nghị vào nội các mới, Tổng thống Slovakia nói họ "không đảm bảo được tính độc lập cho cuộc điều tra về vụ giết ông Jan Kuciak và vợ chưa cưới, Martina Kusnirova". Ông cho Thủ tướng đề cử đến thứ Sáu 23/3 để trình lên một danh sách mới.

Tổng thống Slovakia cũng nhắc đến các nghi vấn về "tội phạm băng đảng" mà ông Kuciak điều tra trong phóng sự của mình. Nhà báo Jan Kuciak bị giết cùng vợ chưa cưới hôm 25/2 trong vụ có nghi vấn một nhóm mafia gốc Italy "có liên quan đến những người thân cận của cựu thủ tướng Fico".

Cảnh sát cho hay cái chết của Jan Kuciak có dấu vết của một vụ giết thuê. Bài báo cuối cùng của Jan Kuciak - xuất bản ngay sau khi ông bị ám sát - cáo buộc những mối liên hệ giữa mafia Italy và những nhân vật thân cận với ông Robert Fico.

Người dân Slovakia thắp nến tưởng niệm nhà báo Jan Kuciak và vợ chưa cưới (Ảnh: Reuters)

Nhà báo Jan Kuciak cáo buộc một số doanh nhân Italy có quan hệ khăng khít với tổ chức tội phạm vùng Calabrian, 'Ndrangheta của Italy sang hoạt động ở phía đông Slovakia. Vẫn theo nhà báo này, băng đảng từ Italy đã có nhiều năm lập ra các dự án ma để biển thủ tiền trợ cấp của quỹ Liên minh châu Âu (EU) dành cho người tương đối nghèo giáp biên giới của Slovakia giáp Ukraine.

Kuciak cáo buộc băng đảng Italy có liên kết kinh doanh với quan chức cấp cao, bao gồm cựu người mẫu nổi tiếng Maria Troskova, cho đến 28/2 vẫn là "cố vấn của Thủ tướng". Một người khác là cấp trên của bà Troskova, ông Viliam Jasan, từng là thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Slovakia. Cả hai đều đã từ chức.

Ông Fico bác bỏ mọi cáo buộc liên quan và đưa ra giải thưởng 1 triệu euro tiền mặt cho ai bắt được thủ phạm vụ giết người. Dù vậy, làn sóng biểu tình ở Brastislava mang theo biểu ngữ "Fico phải vào tù" liên tục trong nhiều dịp cuối tuần đã khiến ông phải từ chức giữa tháng 3.

Trong một diễn biến khác, cùng ngày, Tổng thống Myanmar Htin Kyaw đã từ chức. Hiện không rõ lý do, nhưng đã có những quan ngại về sức khỏe của vị Tổng thống 71 tuổi, vì thần sắc ông không tốt khi xuất hiện trongcác sự kiện gần đây. Phó Tổng thống Myint Swe sẽ đảm nhiệm chức vị Tổng thống cho đến khi một vị Tổng thống mới được chọn trong vòng bảy ngày.

Tổng thống Htin Kyaw là một người bạn thân thiết của bà Aung San Suu Kyi – người có quyền lực Tổng thống thực sư (Ảnh: EPA)

Và Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski cũng đã đệ đơn xin từ chức lên Quốc hội, chỉ một ngày trước khi cơ quan lập pháp này nhóm họp về việc bỏ phiếu phế truất ông Kuczynski do những cáo buộc nhà lãnh đạo này dính líu tới hoạt động tham nhũng của tập đoàn xây dựng Odebrecht (Brazil).

Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski đệ đơn xin từ chức (Ảnh: CNN)

Kim Thoa

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/thu-tuong-slovakia-hai-tong-thong-myanmar-va-peru-tu-chuc-d66237.html