Thủ tướng Sri Lanka tuyên thệ nhậm chức quyền Tổng thống

Ông Ranil Wickremesinghe. Ảnh: AFP/TTXVN

* IMF hy vọng Sri Lanka sẽ sớm ổn định tình hình trong nước

Ngày 15/7, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức quyền Tổng thống thay ông Gotabaya Rajapaksa sau khi ông này từ chức.

Trước đó ngày 14/7, ông Rajapaksa đã gửi đơn từ chức qua thư điện tử sau khi đến Singapore. Ngày 15/7, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka, ông Mahinda Yapa Abeywardana, thông báo đơn từ chức của Tổng thống Rajapaksa đã được chấp thuận và có hiệu lực từ ngày 14/7 đồng thời cho biết Quốc hội Sri Lanka sẽ nhóm họp ngày 16/7.

Theo hiến pháp Sri Lanka, Thủ tướng Wickremesinghe sẽ là quyền Tổng thống cho đến khi Quốc hội bầu được một nghị sĩ kế nhiệm ông Rajapaksa trong phần còn lại của nhiệm kỳ hiện nay.

Ông Wickremesinghe cũng đã đảm nhận vai trò quyền Tổng thống từ ngày 13/7 do ông Rajapaksa ra nước ngoài lánh nạn sau khi người biểu tình xông vào Dinh Tổng thống. Tuy nhiên, người biểu tình hiện cũng đang đòi ông Wickremesinghe từ chức.

Chủ tịch Quốc hội Abeywardana cho biết Quốc hội sẽ tiến hành bầu tổng thống mới vào ngày 20/7 tới sau khi tiếp nhận các đề cử trong ngày 19/7.

Trong diễn biến khác, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hy vọng tình trạng bất ổn ở Sri Lanka sẽ sớm được giải quyết để các cuộc đàm phán viện trợ có thể được nối lại. Các cuộc thảo luận chính thức về một chương trình cho vay mới dành cho Sri Lanka bắt đầu vào tháng trước nhưng đã bị đình trệ do biến động chính trị dẫn đến việc Tổng thống nước này Gotabaya Rajapaksa từ chức.

Ngày 14/7, người phát ngôn của IMF Gerry Rice cho biết IMF quan ngại sâu sắc về tác động của cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Sri Lanka đối với người dân nước này, đặc biệt là đối với những người nghèo và nhóm dễ bị tổn thương.

IMF đang theo dõi sát sao diễn biến tại Sri Lanka đồng thời hy vọng sẽ có một giải pháp giải quyết tình hình hiện tại để cho phép nối lại đàm phán về chương trình viện trợ do IMF bảo trợ. Theo ông Rice, IMF vẫn giữ liên lạc với các quan chức ở Colombo, Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, tuy nhiên như với bất kỳ thỏa thuận viện trợ nào, một chương trình cho vay dành cho Sri Lanka cũng cần được đảm bảo đầy đủ về tính bền vững của nợ công.

Các cuộc biểu tình ở Sri Lanka đã kéo dài nhiều tháng và lên đỉnh điểm những ngày gần đây. Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã phải rời Sri Lanka và từ chức. Nhà chức trách Sri Lanka đã phải triển khai nhiều biện pháp an ninh để đảm bảo trật tự trong nước.

Ngày 14/7, Bộ Quốc phòng Sri Lanka cho biết tất cả các chỉ thị và mệnh lệnh đã được ban hành tới các lực lượng vũ trang và cảnh sát yêu cầu thực hiện nghiêm an ninh trật tự nhằm ngăn chặn mọi hoạt động trái phép và thiết lập cuộc sống bình thường trên cả nước.

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Á, lãnh đạo bộ trên nhấn mạnh hành động tấn công các thành viên cảnh sát hay lực lượng an ninh và kích động thanh niên có những hành động phạm pháp, phá hoại tài sản công và quấy rối trật tự trị an là mối đe dọa đối với đời sống bình thường của người dân. Mọi chỉ dẫn và mệnh lệnh đã được giao cho Tham mưu trưởng quân đội, Tư lệnh 3 lực lượng Hải quân, Lục quân, Không quân và Tổng Thanh tra cảnh sát.

Theo Đạo luật pháp lệnh về an ninh công cộng của Sri Lanka, cảnh sát và các lực lượng vũ trang sẽ phối hợp để đảm bảo an ninh quốc gia và duy trì trật tự trong nước dưới sự giám sát của Bộ Quốc phòng.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/280843/thu-tuong-sri-lanka-tuyen-the-nham-chuc-quyen-tong-thong.html