Thủ tướng: 'Tấm gương bất tử của người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Đức Cảnh mãi trường tồn cùng dân tộc'

'Tấm gương bất tử của người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Đức Cảnh mãi trường tồn cùng dân tộc như những vần thơ đồng chí viết trong những ngày lao tù' – Thủ tướng phát biểu trong buổi lễ khánh thành Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh.

Sáng 30/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự Lễ khánh thành công trình Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, tại xã An Đồng (An Dương, Hải Phòng) do Thành ủy, UBND TP Hải Phòng và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.

Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh là Bí thư Thành ủy Hải Phòng đầu tiên và là Chủ tịch đầu tiên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay.

 Tượng lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh được thờ trong gian hậu cung nhà tưởng niệm.

Tượng lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh được thờ trong gian hậu cung nhà tưởng niệm.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng nêu bật công lao to lớn của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc ta.

Thủ tướng nêu rõ, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tinh thần học tập, rèn luyện không mệt mỏi, trọn đời hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

“Tấm gương bất tử của người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Đức Cảnh mãi trường tồn cùng dân tộc như những vần thơ đồng chí viết trong những ngày lao tù: “Hồn còn mang nặng lời thề/Nát thân chưa dễ đền nghì trời mây” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại.

Thủ tướng cũng ghi nhận và đánh giá cao tình cảm, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền quân và dân TP Hải Phòng cùng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã cùng các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và công nhân lao động cả nước đóng góp kinh phí xây dựng công trình quy mô và tầm vóc để tưởng nhớ, tri ân người cộng sản trung kiên, Bí thư đầu tiên của Đảng bộ thành phố.

Để phát huy các giá trị công trình nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ muôn đời sau về những đóng góp to lớn của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh đối với Đảng, đất nước, nhân dân, nhất là giai cấp công nhân, Thủ tướng đề nghị TP Hải Phòng tiếp tục làm tốt công tác quản lý, bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị ý nghĩa của công trình để trở thành địa chỉ đỏ của thành phố nói riêng, giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam nói chung, đồng thời trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng, là một trong điểm du lịch tâm linh.

Quần thể Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh ở xã An Đồng (An Dương, Hải Phòng)

"Cuộc đời và sự nghiệp lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh gần như gắn bó trọn vẹn với mảnh đất Hải Phòng. Do đó, thành phố cần quan tâm, tổ chức sưu tầm các tư liệu, hiện vật về người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Đức Cảnh, góp phần làm sinh động thêm cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí.

Tự hào và nêu cao tấm gương về sự trung kiên, bất khuất, về lý tưởng cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, giai cấp công nhân Việt Nam nói chung và đội ngũ công nhân lao động TP Hải Phòng nói riêng cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tổ chức công đoàn và giai cấp công nhân cần có tư duy mới, cách làm mới thực sự hiệu quả, thiết thực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước", Thủ tướng đề nghị.

Sau bài phát biểu, Thủ tướng cùng các vị lãnh đạo Trung ương, lãnh tạo tỉnh, thành ủy cắt băng khánh thành và dâng hương tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tại Nhà tưởng niệm mới vừa được khánh thành.

Trong lưu bút tại Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc viết: “Tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, chúng tôi quyết tâm phấn đấu đi theo con đường của Đảng, của Bác Hồ và đồng chí đã lựa chọn, cùng quyết tâm phấn đấu đưa dân tộc ta tiến bước trong sự nghiệp xây dựng đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi lưu bút tại Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh.

Cũng tại buổi lễ, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch đã trao bằng công nhận Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh là Di tích lịch sử Quốc gia.

Ngày 26/7/2016, công trình Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân được UBND TP Hải Phòng xếp hạng là di tích lịch sử cấp thành phố.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc xây dựng Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, Thường trực Thành ủy và Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng làm chủ đầu tư dự án.

Sau 1 năm thực hiện dự án, với tinh thần nỗ lực, sát sao của lãnh đạo TP Hải Phòng, sự quan tâm phối hợp hiệu quả của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công trình Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh hoàn thành và đảm bảo yêu cầu, chất lượng công trình.

Nhà tưởng niệm cũ được xây dựng từ năm 2008.

Nhà tưởng niệm mới vừa khánh thành.

Dự án có tổng diện tích hơn 30 ha, gồm:

Nhà lưu niệm (đền chính) gồm tiền bái, hậu cung, đặt ban thờ và tượng thờ lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh. Công trình có tổng mức đầu tư 110 tỷ đồng từ nguồn vận động xã hội hóa từ các tập đoàn, doanh nghiệp, nhân dân và công nhân viên chức lao động.

Nhà Tả vu, Hữu vu mỗi bên rộng 134m2, dùng để trưng bày các hiện vật về thân thế, sự nghiệp của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, về giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn, đồng thời là nơi đón tiếp khách, chuẩn bị soạn lễ.

Hai nhà bia rộng 72m2, nơi đặt bia ghi công lao của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và một số công trình phụ trợ khác.

Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2/2/1908, tại làng Diêm Điền, nay là thị trấn Diêm Điền (Thái Thụy, Thái Bình) trong một gia đình nhà nho nghèo, giàu truyền thống yêu nước.

Thân phụ là cử nhân Nguyễn Đức Tiết, làm nghề dạy học. Thân mẫu là bà Trần Thị Thùy, (quê ở làng Cổ Am, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Cha mất sớm, lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh được bạn của cha ở quê ngoại nuôi ăn học.

Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh giác ngộ cách mạng từ rất sớm, là một trong những người đề ra và gương mẫu thực hiện chủ trương “Vô sản hóa”, đưa hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên vào hầm mỏ, bến cảng, nhà máy dể lao động, rèn luyện và tuyên truyền về chủ nghĩa Mác – Lênin.

Quá trình hoạt động cách mạng, lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh từng đảm nhiệm, giữ nhiều trọng trách, vai trò quan trọng: Tham dự hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam tại Hương Cảng (Trung Quốc) và được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ xây dựng tổ chức Đảng ở Bắc Kỳ; thành viên tích cực tham gia thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở trong nước; trực tiếp thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở TP Hải Phòng;

Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tham gia thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ, Ủy viên BCH Trung ương lâm thời và Bí thư Tỉnh ủy Hải Phòng; chủ trì Hội nghị đại biểu thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ và được bầu làm Hội trưởng lâm thời; đồng thời Hội nghị đã quyết định xuất bản Báo Lao động và Tạp chí Công hội Đỏ do lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh phụ trách.

Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh bị chính quyền thực dân Pháp bắt và kết án tử hình do hoạt động cách mạng tại Đề Lao Hải Phòng ngày 31/7/1932.

Sau 75 năm, lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh bị giặc Pháp xử chém cùng với liệt sỹ Hồ Ngọc Lân. Đến tháng 9/2007, di hài của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân được tìm thấy tại khuôn viên Công ty Cổ phần Giầy Thống Nhất (xã An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng).

Năm 2008 Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Thành ủy, UBND TP Hải Phòng đã giao cho Liên đoàn Lao động TP Hải Phòng làm chủ đầu tư xây dựng Nhà tưởng niệm lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh và liệt sỹ Hồ Ngọc Lân tại chính nơi tìm thấy hài cốt của 2 đồng chí.

Sau hơn 8 năm đưa vào hoạt động, Nhà tưởng niệm đã trở thành địa chỉ đỏ của Thành phố nói riêng, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam nói chung trong việc giáo dục tư tưởng, truyền thống cách mạng sâu sắc về tấm gương sáng của lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh.

Minh Khang

Nguồn VTC: https://vtc.vn/thu-tuong-tam-guong-bat-tu-cua-nguoi-chien-si-cong-san-nguyen-duc-canh-mai-truong-ton-cung-dan-toc-d455367.html