Thủ tướng: Tất cả các cấp không ra Hà Nội, ùn ùn tới nhà lãnh đạo biếu quà Tết

Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý, các bộ, ngành, địa phương không tranh thủ dịp Tết này để biếu quà cấp trên. 'Tất cả các đồng chí đều phải nêu gương, tất cả các cấp không phải chạy ra Hà Nội để mang quà biếu, để xe ùn ùn tới các nhà lãnh đạo', Thủ tướng nêu rõ.

“Đảm bảo cho mọi nhà, mọi người đều có Tết”

Phát biểu kết luận tại hội nghị Chính phủ với địa phương sáng ngày 31/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, gần 1 tháng nữa là đến Tết nguyên đán Canh tý.

“Tôi yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, các địa phương không để thiếu hàng, kể cả thịt lợn, không được đẩy giá lên”, ông nêu rõ, “chúng ta lo đảm bảo cho mọi nhà, mọi người đều có Tết”.

Thủ tướng cũng lưu ý phải đảm bảo an ninh, trật tự an toàn cho người dân trong dịp Tết. “Những băng cướp ổ nhóm thì cương quyết dẹp bỏ. Tôi đề nghị, Bộ trưởng Công an có chỉ đạo quyết liệt để người dân an toàn hơn trong dịp Tết này”.

Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý, các bộ, ngành, địa phương thực hiện chủ trương của Ban Bí thư, của Thủ tướng là không tranh thủ dịp Tết này để cấp dưới biếu quà cấp trên.

“Tất cả các đồng chí đều phải nêu gương, tất cả các cấp không phải chạy ra Hà Nội để mang quà biếu, để xe ùn ùn tới các nhà lãnh đạo”, Thủ tướng nêu rõ.

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết 01 (về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020), Nghị quyết 02 (tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020), ông giao Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư và các cơ quan liên quan hoàn thiện để ngay trong ngày đầu tiên của năm 2020 Thủ tướng ký ban hành.

“Sau đó, các địa phương, bộ, ngành có chương trình hành động để triển khai nghị quyết ngay đầu năm, ngay quý I, không để nước đến chân mới nhảy, việc nay chớ để ngày mai”, Thủ tướng yêu cầu.

Không nói chung chung, lý thuyết mãi mà phải hành động

Theo Thủ tướng, qua báo cáo của các địa phương, các thấy có nhiều mô hình tốt, cách làm tốt, kỷ luật tốt. Còn bộ, ngành, địa phương nào, cơ sở nào chưa làm tốt thì phải làm tốt hơn, phải khắc phục những tồn tại, yếu kém để vươn lên.

“Phải nâng thành khát vọng phát triển của bộ, ngành mình, địa phương mình”, người đứng đầu Chính phủ nói và nhấn mạnh, không nói chung chung, lý thuyết mãi mà phải hành động.

Ông còn cho rằng, phải mở rộng thông điệp “không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế” thành “không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế”. Bởi “môi trường văn hóa bị ô nhiễm cũng độc hại không kém môi trường không khí. Nền tảng xã hội là bệ phóng và trụ đỡ cho phát triển kinh tế nhanh, bền vững”.

Theo Thủ tướng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải là môi trường tốt cho việc hình thành nên những doanh nhân có tinh thần dân tộc, tôn trọng cội nguồn, tuân thủ pháp luật.

“Kinh doanh phải gắn với vấn đề xã hội, chứ kinh doanh không phải chỉ lo cho gia đình, cho bản thân. Điều này rất quan trọng, như vậy cả dân tộc mới thành sức mạnh. Nếu không, người dân nghèo vẫn cứ nghèo, người giàu cứ giàu”.

Từ đó, Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương phải kế thừa, phát huy những thành tựu to lớn đã đạt được. “Nếu dừng lại thì không bao giờ thành công cả, phải phát huy, nhân lên, mạnh mẽ hơn”, ông nói.

Cùng với đó, tăng cường đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng; tranh thủ sự đồng thuận, đồng tình, cổ vũ, giúp đỡ, ủng hộ động viên, góp ý của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, báo chí… để tạo nên sức mạnh tổng hợp.

“Đừng cho rằng mình đã có nhiều thành thích”

Các bộ, ngành, địa phương phải đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trở thành lực lượng nòng cốt để nâng cao năng lực nội dung.

“Chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả, thành thích đã đạt được vì đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển. Đề nghị các địa phương, nhất là các địa phương đã bước đầu có sự phát triển, các ngành, các thành viên Chính phủ không được chủ quan, đừng cho rằng mình đã có nhiều thành thích, chưa đâu”, Thủ tướng phát biểu.

Người đứng đầu Chính phủ cũng đề cập đến 5 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật; ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế; đổi mới sáng tạo…

Phải chống tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm, tăng kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Thủ tướng yêu cầu, chủ tịch các tỉnh, TP làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế việc công dân kéo lên Hà Nội, TP Hồ Chí Minh khiếu nại tới Trung ương. “Chính quyền vì dân mà để tình trạng này thì trách nhiệm chúng ta tới đâu?”, ông nêu.

Ông cũng đề nghị, tổ chức lại bộ máy, tiết kiệm chi và cải thiện đời sống cán bộ công chức, viên chức bằng việc nâng lương vào năm 2021.

"Nói chống tham nhũng quyết liệt, đồng bộ nhưng chúng ta chưa nói cải thiện đời sống cán bộ công chức viên chức thì ta chưa hoàn thành nhiệm vụ", Thủ tướng lưu ý, các tỉnh, thành lo cải cách tiền lương.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/thu-tuong-tat-ca-cac-cap-khong-ra-ha-noi-un-un-toi-nha-lanh-dao-bieu-qua-tet_t238c67n158633