Thủ tướng: Tôi vẫn tự hỏi chúng ta đã thực sự sẵn sàng cho 4.0 chưa?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 là chìa khóa giúp phát triển kinh tế, từ đó giúp nâng cao các trụ cột khác như y tế, giáo dục, môi trường.

Chiều 5/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự và phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phát triển bền vững năm 2018. Ông nhấn mạnh phát triển bền vững là mục tiêu bao trùm, không chỉ là vấn đề kinh tế, chất lượng tăng trưởng mà bao gồm cả vấn đề xã hội, môi trường, văn hóa, con người…

Thủ tướng nhấn mạnh đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt của phát triển bền vững.

Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đứng thứ 5 thế giới

Thủ tướng cho rằng sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia nghèo, kém phát triển đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình, đã sớm hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs), được cộng đồng quốc tế coi là điểm sáng về xóa đói giảm nghèo.

“Có thể nói, xuyên suốt hơn 30 năm qua, chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam luôn được xây dựng dựa trên 3 trụ cột gồm bền vững về kinh tế, bền vững về xã hội, và bền vững về môi trường”, ông nói.

Về kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh sau 30 năm, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1986-2917 đạt 6,63%/năm, riêng 6 tháng đầu năm 2018 đạt 7,08% so với cùng kỳ, là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011.

Thủ tướng cho biết nhờ tăng trưởng kinh tế cao và chính sách phân phối hiệu quả, công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã giành được nhiều thành quả ý nghĩa. Ảnh: Quỳnh Trang.

Thủ tướng cho biết nhờ tăng trưởng kinh tế cao và chính sách phân phối hiệu quả, công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã giành được nhiều thành quả ý nghĩa. Ảnh: Quỳnh Trang.

Thu nhập của người dân đã tăng từ mức 94 USD vào năm 1990 lên gần 2.400 USD năm 2017, tương đương khoảng 6.700 USD tính theo ngang giá sức mua (PPP).

Về xã hội, Thủ tướng cho biết nhờ tăng trưởng kinh tế cao và chính sách phân phối hiệu quả, công cuộc xóa đói giảm nghèo của Việt Nam đã giành được nhiều thành quả ý nghĩa. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều hiện đã giảm còn 7% vào cuối năm 2017.

Tuổi thọ trung bình tăng lên đạt khoảng 73,5 tuổi, thuộc nhóm cao của thế giới. Việt Nam còn được đánh giá là quốc gia có chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Về môi trường, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ đã đặt sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề bảo vệ môi trường, từ việc sớm ban hành các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Đến nay Việt Nam vẫn luôn nhất quán với chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng tới yêu cầu cao trong phát triển bền vững.

Mục tiêu về kinh tế song hành mục tiêu về xã hội

Thủ tướng đánh giá cao và nhất trí với các báo cáo và kiến nghị tại hội nghị năm nay, cũng như các đề xuất về phát triển bền vững. Ông nhấn mạnh một số điểm lưu ý tới hội nghị.

Một là, phát triển bền vững là mục tiêu bao trùm không chỉ là nhiệm vụ của một bộ, ngành, một lĩnh vực, không chỉ là vấn đề kinh tế, chất lượng tăng trưởng mà bao gồm cả vấn đề xã hội, môi trường, văn hóa, con người, cần thống nhất cả trong nhận thức và hành động của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Thủ tướng cho rằng phát triển bền vững là mục tiêu bao trùm không chỉ là nhiệm vụ của một bộ, ngành, một lĩnh vực, không chỉ là vấn đề kinh tế, chất lượng tăng trưởng mà bao gồm cả vấn đề xã hội, môi trường, văn hóa, con người. Ảnh: DĐDN.

Hai là, cải cách thể chế kinh tế, giải phóng sức sản xuất, tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân phát huy hết khả năng của mình chung tay xây dựng xã hội thịnh vượng, bền vững. Điểm mấu chốt của nhiệm vụ này là nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ba là, về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0. Chính phủ xác định đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt của phát triển bền vững. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, hoàn thiện thể chế chính sách để khuyến khích các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu.

Giáo dục là chìa khóa cho thế hệ trẻ

Chúng ta đều nhận thức, Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể làm thay đổi sâu sắc cấu trúc nền kinh tế, có thể mang lại cơ hội vô cùng to lớn cho phát triển. Đây không phải là nhiệm vụ của riêng ngành khoa học công nghệ mà các bộ, ngành, địa phương đều phải chủ động nhận diện, tiếp cận, khai thác hiệu quả cơ hội này.

“Mặc dù đã làm được nhiều việc nhưng chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Tôi vẫn tự hỏi chúng ta đã thực sự chủ động sẵn sàng cho 4.0 chưa? Chúng ta chuẩn bị các kỹ năng cần thiết nào cho 4.0?”, ông nói.

Thủ tướng cho rằng đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt của phát triển bền vững. Ảnh: Hiếu Công.

Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ coi giáo dục là chìa khóa để mọi người, nhất là thế hệ trẻ mở cánh cửa tri thức, tạo ra các cơ hội làm chủ tương lai tươi sáng của đất nước. Tiếp tục quan tâm hơn nữa đến phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và chất lượng cao, nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức đáp ứng yêu cầu nền kinh tế thời kỳ công nghiệp 4.0.

Thủ tướng cho rằng con đường phía trước của Việt Nam đòi hỏi thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn lực con người và tăng cường khả năng tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

“Hãy cùng nhau nỗ lực hợp tác xây dựng thể chế vững mạnh, một nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển, môi trường sống trong lành, xã hội phát triển hài hòa, thịnh vượng”, ông nhấn mạnh.

Ngay tại hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư trên cơ sở kết quả hội nghị, chủ trì soạn thảo, trình Thủ tướng ban hành chỉ thị về phát triển bền vững.

Hiếu Công

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thu-tuong-toi-van-tu-hoi-chung-ta-da-thuc-su-san-sang-cho-40-chua-post857665.html