Thủ tướng yêu cầu 3 Bộ tìm giải pháp bình ổn giá thịt lợn

Trước tình hình giá thịt lợn tăng cao, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã gửi lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bản Kiến nghị bình ổn giá thịt lợn. Sau khi nhận được phản ánh về giá lợn hơi ngày càng tăng bất chấp chỉ đạo, Thủ tướng đã chỉ đạo 3 Bộ gấp rút bình ổn giá thịt lợn.

Đối với người tiêu dùng, thịt lợn là thực phẩm thiết yếu sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên đã từ nhiều tháng nay giá thịt lợn luôn ở mức cao, làm cho đời sống người tiêu dùng vốn đã khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 lại càng khó khăn hơn do giá thịt lợn đắt đỏ.

Trong thời gian qua, thịt lợn luôn ở mức cao, làm cho đời sống người tiêu dùng ngày càng khó khăn.

Theo Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, hiện có nhiều ý kiến cho rằng bản chất giá thịt lợn cao là do mất cân đối cung - cầu, tuy nhiên chưa thấy công bố con số cụ thể về cân đối cung - cầu.

Nguồn cung trong nước thiếu hụt do ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi thì đã được đề cập nhưng, theo Bộ NN&PTNT, dịch đã được kiểm soát. Cả nước có 99% số xã có dịch đã qua 30 ngày, chỉ còn 1% tổng số xã có dịch chưa qua 30 ngày. Từ tháng 1/2020, đã có sản phẩm của lợn tái đàn, với tổng đàn lợn vào đầu tháng 3/2020 đạt gần 24 triệu con, tăng hơn 2 triệu con so với tháng 12/2019. Tốc độ tăng đàn bình quân ba tháng đầu năm nay là 6,2%. 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các điểm liên kết vệ tinh và các doanh nghiệp vừa chiếm tỉ lệ hạt nhân, tốc độ tái đàn khu vực này đang rất nhanh, đạt trên 17%.

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý II/2019 đạt 783.000 tấn; quý III/2019 đạt 771.000 tấn; quý IV/2019 đạt 731.000 tấn; quý I/2020 đạt 811.000 tấn. Như vậy sản lượng thịt đã tăng dần đều, so với 3 quý trước đó thì sản lượng thịt lợn quý I/2020 đã được cải thiện nhiều.

Về nguồn cung từ nhập khẩu, theo Cục Thú y, tính đến ngày 6/5 đã nhập khẩu trên 46.400 tấn thịt lợn, tăng trên 328% so với cùng kỳ 2019. Nhập khẩu từ Tập đoàn Miratorg Liên bang Nga, từ ngày 28/1/2020 đến nay, Tập đoàn này đã làm thủ tục xuất khẩu trên 3.465 tấn, trong đó trên 1.490 tấn đã nhập về Việt Nam vào ngày 18/3/2020.

Trong khi đó “cầu” giảm. Từ cuối tháng 3, các cơ sở kinh doanh dịch vụ tạm đóng cửa để chống lây lan dịch bệnh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhu cầu dịch vụ ăn uống giảm. Giá thịt lợn đắt đỏ, người tiêu dùng cắt giảm hoặc chuyển sang sử dụng thực phẩm khác. Xuất khẩu 2 tháng giảm 21,1% so cùng kỳ 2019. Xuất lậu lợn cũng đã bị ngăn chặn do phòng chống dịch, cả hai bên biên giới đều kiểm soát chặt.

Dù thịt nhập khẩu tăng mạnh nhưng giá thịt lợn vẫn ở mức cao.

Tuy nhiên, có một nghịch lý dù thịt nhập khẩu tăng tới 328%, tốc độ tái đàn cũng tăng mạnh, “cầu” giảm, song giá thịt lợn vẫn neo ở mức cao trong một thời gian dài cho đến nay. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người tiêu dùng mà còn liên quan đến chỉ số CPI.

Từ tình hình trên, để kéo giá thịt lợn xuống mức hợp lý, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cần kiểm tra làm rõ nguyên nhân giá thịt lợn vẫn cao như hiện nay. Tuy không có doanh nghiệp nào có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan, nhưng có hay không một doanh nghiệp nào đó có sức mạnh thị trường đáng kể để lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để áp đặt giá? Có hay không hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, thao túng giá, găm hàng trục lợi?

Ngoài ra, để giúp cho việc thực hiện quyền giám sát, cần minh bạch thông tin. Cụ thể, theo Luật Chăn nuôi, Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi. Bảo đảm minh bạch về giá tại các khâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước minh bạch thông tin, thường xuyên cập nhật và cung cấp giá cả thịt lợn trong và ngoài nước. Đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra chống đầu cơ, chống buôn lậu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Ngay sau khi nhận được bản kiến nghị của Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Thủ tướng yêu cầu cả 3 Bộ nghiên cứu báo cáo và kiến nghị của Hội, tùy theo chức năng và nhiệm vụ được giao để chủ động thực hiện đầy đủ các giải pháp và xử lý theo thẩm quyền để bình ổn giá thịt lợn.

Hương Lan

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanviet.news/chuyen-quan-ly/thu-tuong-yeu-cau-3-bo-tim-giai-phap-binh-on-gia-thit-lon-8205.html