Thủ tướng yêu cầu cân nhắc chuyển đổi rừng nghèo, cao su kém hiệu quả

Tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ cho phép chuyển đổi 7.500ha rừng nghèo và khoảng 10.000ha diện tích cao su kém hiệu quả sang các dự án nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, diện tích chuyển đổi này rất lớn, cần phải được khảo sát và xem xét kỹ lưỡng.

Chiều 30.11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương đã có chuyến thăm và làm việc tại UBND tỉnh Gia Lai để chia sẻ, giải quyết, tháo gỡ nhiều vướng mắc của địa phương, đồng thời, có sự chỉ đạo kịp thời nhiều vấn đề cấp bách và định hướng cho địa phương phát triển kinh tế-xã hội, ổn định an ninh quốc phòng.

Báo cáo Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành cho biết, trong năm 2018, tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 20/20 chỉ tiêu quan trọng, tổng sản phẩm toàn tỉnh tăng 8% so với năm 2010, GRDP bình quân đầu người đạt 45,5 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo còn 10% (còn hơn 35.000 hộ).

Trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực, trong 3 năm đã tái canh gần 10.000ha cà phê, ứng dụng công nghệ tưới nước tiên tiến hơn 23.000ha và xây dựng 155 điểm mô hình cánh đồng lớn với diện tích hơn 3.000ha.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại Gia Lai.

Về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2018, tỉnh Gia Lai sẽ có 60 xã đạt chuẩn và dự kiến đến năm 2019 sẽ có 2 huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đối mặt với nhiều khó khăn do giá cả một số mặt hàng nông sản giảm sâu như hồ tiêu, cà phê, cao su… gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, tạo điều kiện cho tỉnh thực hiện nhiều dự án cấp bách như: Đầu tư kinh phí xây dựng 5 dự án giao thông có vốn hơn 700 tỷ đồng; cho phép chuyển đổi 7.500ha rừng nghèo nằm trong vùng tưới thủy lợi Ia Mơr (huyện Chư Prông) sang vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; xin chuyển đổi diện tích trồng cao su kém hiệu quả (khoảng 10.000ha) sang cây trồng khác và đầu tư xây dựng dự án điện mặt trời, điện gió. Đồng thời, tỉnh đề nghị Thủ tướng sớm bổ sung vào kế hoạch và cho triển khai tuyến đường sắt qua Tây Nguyên.

Về những kết quả mà Gia Lai đã đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều hạn chế do tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, nhất là đối với người đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh có quy mô kinh tế còn nhỏ, tổ chức sản xuất chưa thành hàng hóa lớn.

Do vậy, trong thời gian tới Gia Lai cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư, phát triển nông lâm thủy sản ứng dụng công nghệ cao, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái rừng dựa vào thế mạnh tiềm năng của tỉnh. Với ngành công nghiệp, phát triển cần có chọn lọc các sản phẩm gắn với thế mạnh của vùng, đồng thời, phát triển kinh tế hạ tầng đồng bộ để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội.

Đối với đề nghị của tỉnh Gia Lai về xây dựng tuyến đường sắt Tây Nguyên và chuyển đổi rừng nghèo sang đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành liên quan và địa phương cần có nghiên cứu kỹ lưỡng để Chính phủ xem xét. Trong đó, vấn đề chuyển đổi rừng nghèo, diện tích trồng cao su kém hiệu quả (khoảng 10.000ha cao su) trong dự án đã chuyển đổi 50.000ha rừng nghèo sang trồng cao su trước đây được Thủ tướng đặc biệt cẩn trọng lưu ý, cân nhắc vì diện tích chuyển đổi quá lớn, có tác động đến nhiều mặt, đồng thời giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng tỉnh khảo sát, xem xét lại.

Vấn đề diện tích hồ tiêu chết khoảng 4.000ha đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, Thủ tướng chỉ đạo địa phương cùng các bộ ngành cần gấp rút xem xét, giải quyết kịp thời cho người dân, giúp dân ổn định cuộc sống ở vùng dịch bệnh. Thời gian qua, người dân đã có nhiều kiến nghị Chính phủ và ngành ngân hàng xem xét tái cơ cấu nợ, giảm nợ cho dân nên cần xử lý kịp thời.

Lê Kiến

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/thu-tuong-yeu-cau-can-nhac-chuyen-doi-rung-ngheo-cao-su-kem-hieu-qua-935178.html