Thủ tướng yêu cầu trình phương án về kinh phí bảo trì đường sắt quốc gia

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo 70/TB-VPCP kết luận của Thường trực Chính phủ về kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 2/2020 để thảo luận, cho ý kiến về các phương án sau:

Phương án 1: Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích quy định tại Nghị quyết số 87/2019/QH14 ngày 14/11/2019 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 theo hướng đề nghị cho phép tiếp tục áp dụng cơ chế giao dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thông qua dự toán ngân sách nhà nước của Bộ GTVT như đã thực hiện năm 2019.

Phương án 2: Giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp triển khai thực hiện cơ chế đặt hàng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia theo quy định của pháp luật.

Trước đó, như báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, diễn ra hôm 20/2, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã nêu không ít vướng mắc, bất cập nảy sinh từ cơ chế, chính sách khiến viêc giải ngân phải “dậm chân tại chỗ”.

Theo ông Minh, định kỳ hàng năm, trước ngày 31/12, Bộ GTVT giao dự toán ngân sách về công tác bảo trì sản phẩm công ích cho tuần đường, gác chắn nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. “Nhưng đến hôm nay, Tổng công ty vẫn chưa nhận được dự toán và trên 1 vạn con người chưa có tiền lương”.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Minh dẫn quy định trong Luật Ngân sách nhà nước cho rằng, khi cơ quan nhận được dự toán ngân sách thì phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị thuộc ngân sách cấp dưới. Trong khi đó, Tổng Công ty Đường sắt không thuộc đơn vị trực thuộc của Bộ GTVT.

Ngoài ra, mặc dù Quốc hội đã có Nghị quyết về gói 7.000 tỉ đồng, giao cải tạo nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt. Trước khi Tổng Công ty Đường sắt chuyển về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT đã dự kiến giao cho Tổng công ty 2 gói, Ban quản lý dự án đường sắt 2 gói.

Nhưng sau khi có Nghị định 131/2018/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT lại trả lời là không thể giao được cho Tổng công ty, do Tổng công ty không phải là đơn vị trực thuộc Bộ.

Trước những khó khăn trên, ngay tại buổi làm việc, ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ phó Tổ công tác của Thủ tướng cho biết, nhiệm vụ quan trọng nhất và lớn nhất mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT và Tổng công ty Đường sắt là trong mọi trường hợp phải đảm bảo tuyệt đối an toàn và bảo đảm giao thông đường sắt thông suốt.

“Tất cả những khó khăn của đồng chí Minh đã được đặt trên bàn Chính phủ và hôm nay tôi đề nghị Bộ GTVT, Ủy ban Quản lý vốn tổng hợp để báo cáo thêm”- ông Lục nói.

Khánh Chi

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/trong-nuoc/thu-tuong-yeu-cau-trinh-phuong-an-ve-kinh-phi-bao-tri-duong-sat-quoc-gia-497576.html