Thu về một đầu mối để quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo

Đó là đề nghị của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra sáng 8/9 tại Nhà Quốc hội.

Hội nghị ĐBQH chuyên trách khóa XIV: Thảo luận 2...

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay còn phân tán và đề nghị quy định ngay trong Luật cơ quan có chức năng quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương để bảo đảm sự thống nhất và thuận lợi.

Hiện nay, theo phân công của Chính phủ, Bộ Nội vụ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tôn giáo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc quản lý lễ hội tín ngưỡng; chưa có cơ quan nào quản lý Nhà nước về tín ngưỡng. Việc giao chức năng quản lý Nhà nước về tôn giáo cho Bộ Nội vụ cũng chưa thật sự phù hợp vì mới chỉ dựa trên sự tiếp cận theo góc độ quản lý tổ chức mà chưa chú trọng việc bảo đảm cho hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như là hoạt động văn hóa tinh thần.

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa) và nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị chuyển hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bởi ngay trong các văn bản của dự án Luật cũng khẳng định, tín ngưỡng, tôn giáo là các hoạt động văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Chia sẻ với ý kiến của đại biểu Bùi Sỹ Lợi, đại biểu Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị thu về một đầu mối để quản lý. Ông Nguyễn Công Hồng cho rằng hoạt động tôn giáo cũng là một hoạt động văn hóa, nên giao Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch quản lý sẽ hợp lý hơn.

Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cần quy định về việc xử lý những hành vi kích động bạo lực, hành hạ súc vật vì mê tín, dị đoan; tránh trường hợp bạn bè quốc tế có cái nhìn thiếu thiện cảm về người Việt Nam.

Trước đó, trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Hội nghị sẽ thảo luận về 2 dự án Luật và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV là dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và dự án Luật về Hội.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc ban hành 2 Luật này là rất cần thiết để thể chế hóa cương lĩnh, nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, qua đó, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền lập hội của công dân và tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước.

Hai dự án Luật này đã được Quốc hội Khóa XIII thảo luận tại kỳ họp thứ 10 và được chuyển giao lại để Quốc hội Khóa XIV xem xét, thảo luận, thông qua.

Nguyễn Hoàng

Share on Tumblr

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/hoat-dong-bo-nganh/thu-ve-mot-dau-moi-de-quan-ly-hoat-dong-tin-nguong-ton-giao/286118.vgp