Thư về tòa soạn: Kỹ sư của nhà nông

Ở tuổi 58, ông Hoàng Thanh Liêm (Ba Liêm), ngụ tại ấp Thới Khánh, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ) vẫn miệt mài theo đuổi ước mơ góp sức xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam hiện đại mà ông đã ấp ủ từ hàng chục năm trước.

Hơn 30 năm qua, ông dồn nhiều tâm sức, trí tuệ nghiên cứu và cho ra đời 20 sáng chế, máy móc nông nghiệp giúp người nông dân vơi bớt vất vả, cải thiện năng suất lao động.

Kỹ sư Hoàng Thanh Liêm (bên phải) trao đổi với người dân địa phương về tính năng của máy cắt gốc rạ.

Kỹ sư Hoàng Thanh Liêm (bên phải) trao đổi với người dân địa phương về tính năng của máy cắt gốc rạ.

Năm 1989, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh với tấm bằng kỹ sư cơ khí chế tạo máy loại giỏi, Hoàng Thanh Liêm được tuyển dụng làm giảng viên Trường Công nhân Kỹ thuật tỉnh Hậu Giang (nay là Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ). Nhận thấy nông dân phơi lúa rất vất vả, các công đoạn đều thực hiện thủ công, phụ thuộc vào thời tiết, kỹ sư trẻ Hoàng Thanh Liêm bắt tay nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm “Lò sấy lúa lưới rằn”. “Tôi mất gần một năm tìm hiểu thực tiễn, sưu tầm tài liệu để hoàn thiện đề tài. Mặc dù chưa đủ điều kiện hoàn chỉnh sản phẩm phục vụ thị trường thời điểm đó nhưng về mặt lý thuyết, tôi đã chỉ ra được nguyên lý, công thức bão hòa lưu lượng gió, bảo đảm nhiệt độ sấy trung bình 800C trong 4-6 giờ, khi đưa vào sấy hoàn toàn không làm ảnh hưởng tới chất lượng hạt lúa. Đề tài này đoạt giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang khi đó”, ông Ba Liêm nhớ lại. Thành công từ sản phẩm đầu tay đã tạo động lực để ông Ba Liêm tiếp tục nghiên cứu nhiều sáng chế phục vụ nhà nông, như: Dụng cụ tra hạt; máy xúc lúa vào bao; máy phun xịt bảo vệ thực vật tự chạy và điều khiển bằng tay lái; máy tỉa bắp, đậu; máy diệt bướm, diệt sâu rầy... được bà con đón nhận rất nhiệt tình vì tính hiệu quả, thiết thực. Anh Trần Văn Tranh, 35 tuổi, nông dân xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) cho biết: “Tôi làm 20 công ruộng, trước đây cứ tới mùa thu hoạch lúa là rất vất vả. Tuy nhiên, từ khi có máy xúc lúa vào bao của chú Ba Liêm giúp rút ngắn thời gian gom lúa, tránh mưa. Trong một tiếng đồng hồ, máy có thể xúc 8-10 tấn lúa, bằng sức của hai người làm trong một buổi”. Cũng từ thực tế sau thu hoạch lúa, bà con thường đốt gốc rạ chuẩn bị vụ sau gây ô nhiễm môi trường, tiêu diệt các loài thiên địch có lợi, ngoài ra, gốc rạ còn sót lại phân hủy tạo axit hữu cơ gây bệnh, làm giảm tốc độ sinh trưởng của cây lúa, ông Ba Liêm đã nghiên cứu, chế tạo thành công máy cắt gốc rạ, có thể cắt 100m2 gốc rạ chỉ trong 30 phút... Với những sáng chế thiết thực phục vụ người nông dân, ông Ba Liêm được bà con gọi thân mật là "kỹ sư của nhà nông".

Bài và ảnh: CÔNG KHANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/thu-ve-toa-soan-ky-su-cua-nha-nong-730753