Thú vị lời mời Nga gia nhập NATO

Nghị sĩ Đức đề nghị Thủ tướng Merkel mời Nga gia nhập NATO sau khi Nga xin gia nhập 4 lần không thành công.

Phát biểu tại Diễn đàn thanh niên Potsdam lần thứ sáu hôm 25/7, một nghị sĩ Đức và là thành viên của đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) hiện đang cầm quyền, đã đề xuất Chính phủ Đức mời Nga gia nhập NATO, vì điều này rất có lợi cho an ninh châu Âu.

Đức có thể mời Nga gia nhập NATO, điều mà ông Putin từng đề cập đến?

Đức có thể mời Nga gia nhập NATO, điều mà ông Putin từng đề cập đến?

Theo vị này, Chính quyền Thủ tướng Merkel trên cương vị Chủ tịch luân phiên EU nên mời Nga gia nhập liên minh quân sự hàng đầu thế giới.

Còn nhớ hồi cuối năm 2019, tờ báo Đức Handelsblatt cũng đề nghị, Tổng thống Mỹ Donald Trump nên mời Nga tham gia NATO. Việc Nga gia nhập NATO có thể biến liên minh thành một tổ chức an ninh xuyên Đại Tây Dương từ Vladivostok đến Lisbon. Không chỉ vậy, việc này có thể tạo ra triển vọng đàm phán mới về giải trừ hạt nhân và thiết lập một cuộc đối thoại ba bên giữa Washington, Moscow và Bắc Kinh.

Không chỉ Đức mà ngay cả Anh cũng từng cố kéo Nga gia nhập vào liên minh do Mỹ dẫn đầu.

Tờ báo Anh The Guardian cho hay, ông Malcolm Rifkind, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Anh hồi năm 1955 đã đề xuất tạo ra một dạng liên kết mới trong NATO. Những thành viên thuộc liên kết (trong đó có Nga) sẽ tham gia vào các hoạt động an ninh tập thể, song không được tham gia các cuộc họp ở trụ sở của NATO, không được phép phủ quyết các quyết định của tổ chức này.

Kế hoạch của ông Rifkind được soạn thảo rất chi tiết, cẩn trọng, song ý tưởng này không nhận được sự ủng hộ của các thành viên chủ chốt trong NATO (tiêu biểu là Mỹ).

Lời đề nghị của nhà lập pháp Đức hay vị Bộ trưởng Quốc phòng Anh đều cho thấy tầm quan trọng thực sự của Nga đối với quan điểm duy trì an ninh hòa bình trên toàn cầu. Nhưng nó trái ngược với ý đồ của Mỹ.

Thực tế trong 70 thành lập và phát triển của NATO, Nga từng 4 lần ngỏ ý tham gia NATO nhằm chấm dứt tình trạng đối đầu.

Tháng 2/1954, Liên Xô đề xuất ký hiệp định an ninh tập thể toàn châu Âu với các nước thuộc khối Đồng minh trong Thế chiến II tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ở Berlin. Hiệp định này dự kiến thống nhất các nguyên tắc cơ bản trong liên minh chống Đức Quốc xã trước đó, với sự góp mặt của Mỹ, Anh và Pháp.

Khi đề xuất này bị các cường quốc phương Tây bác bỏ, Ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov cho biết Moscow muốn gia nhập NATO.

"Câu trả lời tích cực sẽ giải tỏa căng thẳng quốc tế, trong khi việc cự tuyệt chỉ khiến Liên Xô nhận thức thái độ thực sự của liên minh này với mình", Ngoại trưởng Molotov nói.

Ngày 31/3/1954, Bộ Ngoại giao Liên Xô đề nghị được gia nhập NATO với điều kiện liên minh này đứng trung lập. Ngày 7/5/1954, Mỹ, Anh và Pháp bác bỏ đề nghị với lý do việc kết nạp Liên Xô "không phù hợp với tôn chỉ phòng thủ và dân chủ" của khối.

Đến năm 1983, trong một cuộc họp Bộ Chính trị, Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Yuri Andropov tiếp tục đề cập đến khả năng Liên Xô gia nhập NATO với lý do quan hệ giữa Moscow - Bắc Kinh đang xấu đi.

Tuy nhiên, nỗ lực này cũng không thành công do vụ máy bay chở khách Hàn Quốc xâm phạm không phận Liên Xô và bị tiêm kích Su-15 bắn hạ, khiến toàn bộ 269 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có một nghị sĩ quốc hội Mỹ. Nguyên nhân vụ bắn hạ được kết luận là phi cơ Hàn Quốc không bật đèn định vị và không phản hồi yêu cầu của phi công tiêm kích Liên Xô.

Mỹ sau đó thừa nhận máy bay bị lệch lộ trình dù mang thiết bị định vị hiện đại. Tuy nhiên, NATO vẫn quy tất cả trách nhiệm cho Liên Xô và tổ chức cuộc tập trận quy mô lớn mang tên "Able Archer 83" vào ngày 7/11/1983 để răn đe. Đợt tập trận kéo dài 5 ngày khắp Tây Âu này khiến các nước thuộc khối Hiệp ước Warsaw đưa toàn bộ lực lượng hạt nhân và không quân vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, Moscow một lần nữa đánh tiếng gia nhập NATO. Tổng thống Nga Boris Yeltsin gửi thư đến trụ sở NATO tại Bỉ, bày tỏ mong muốn gia nhập tổ chức này trong tương lai.

"Điều này sẽ góp phần tạo ra bầu không khí hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau, tăng cường ổn định và hợp tác ở châu Âu. Chúng tôi rất coi trọng quan hệ này, mong muốn phát triển đối thoại trên mọi phương diện, bao gồm cả chính trị lẫn quân sự. Chúng tôi muốn trở thành thành viên của NATO với mục tiêu chính trị lâu dài", Yeltsin viết trong thư.

Tuy nhiên, NATO khước từ đề nghị của Yeltsin, cho rằng Nga nên gia nhập chương trình Đối tác Hòa bình của khối này vào năm 1994.

Ngày 27/5/1997, lãnh đạo NATO và Nga ký thỏa thuận hợp tác An ninh NATO - Nga nhằm cùng nhau kiến tạo hòa bình lâu dài ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Tháng 7/1997, các nước từng là đồng minh của Liên Xô như Ba Lan, Hungary và Czech được mời gia nhập NATO, bắt đầu thời kỳ mở rộng của khối về phía đông và ngày càng tiến gần biên giới Nga.

Clip Putin ngỏ ý Nga gia nhập NATO năm 2000/The Putin Interviews:

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/thu-vi-loi-moi-nga-gia-nhap-nato-3415236/