Thú vị mô hình giáo dục 'trị' học sinh cá biệt

Mô hình hiện đang quy tụ gần như tất cả học sinh cá biệt bị các trường công lập từ chối, hoặc vi phạm pháp luật.

Trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng là ngôi trường tiên phong áp dụng phương pháp giáo dục đặc biệt này. Mô hình giáo dục chuyên trị học sinh cá biệt được chính TS. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Tùng Lâm – Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội, Chủ tịch HĐQT trường THPT Đinh Tiên Hoàng khai sáng và đưa vào thực tế.

Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm cho biết, học sinh trong trường thường mắc nhiều lỗi như mất trật tự trong giờ học, đánh nhau, nói tục, lười biếng, thiếu văn hóa, trốn học, vô lễ... Tuy nhiên, giáo viên thường áp dụng các biện pháp giáo dục mang tính chất mệnh lệnh như viết kiểm điểm, chép phạt, phạt lao động công ích, mời phụ huynh, cảnh cáo trước trường hay hạ hạnh kiểm…. thậm chí nặng nhất là đuổi học.

Nhà giáo - TS. Nguyễn Tùng Lâm.

Để giáo dục các học sinh cá biệt, mô hình này đã tạo niềm tin và động lực cho học sinh. Thầy Nguyễn Tùng Lâm nói rằng, nhân cách không chỉ được hình thành và hoàn thiện bởi những thứ được nghe và nói, mà chủ yếu là bởi sự nỗ lực hành động của mỗi cá nhân.

Nói về những học sinh cá biệt, đối với các giáo viên có lẽ đó sẽ là những kỷ niệm đáng nhớ trong nghề. Bởi đây là đối tượng khiến giáo viên trăn trở nhiều nhất, tốn nhiều công sức và không ít người thất bại, chán nản, mất lửa yêu nghề.

Trong mô hình đặc biệt này, nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm nêu ra 5 nguyên tắc ứng xử để tạo thói quen tốt cho các học sinh cá biệt.

Một là các thầy cô giáo phải chấp nhận những mặt trái, mặt yếu kém của học sinh. Hai là thầy cô phải khách quan trong việc nhìn nhận, đánh giá thiếu sót của học sinh. Ba là thầy cô phải giúp học sinh thấy rõ những cái lợi, hại để tự lựa chọn cách ứng xử sao cho phù hợp với chuẩn mực chung xã hội.

Mô hình giáo dục đặc biệt của trường PTTH dân lập Đinh Tiên Hoàng.

Bốn là giáo viên phải giúp học sinh hòa nhập tập thể, tôn trọng lợi ích tập thể và cộng đồng. Và cuối cùng là thầy côphải biết gieo nhu cầu mới và quan trọng là phải biết tổ chức cho học sinh thực hiện theo yêu cầu đó.

Từ các quy tắc trên, giáo viên phải tìm ra phương pháp để tác động giúp học sinh phấn đấu, đạt được những điều tốt đẹp. Đó cũng chính là cách tạo ra động lực sống, học tập, rèn luyện, đồng thời đánh thức những hoài bão đã bị những đam mê, cám dỗ... làm mờ mắt các em học sinh non nớt.

Theo báo cáo điều tra của trường THPT Đinh Tiên Hoàng năm 1999 với 1000 học sinh, mức độ học sinh yếu kém bao gồm: 20% học sinh yếu kém rèn luyện đạo đức, 69% học sinh yếu kém khả năng học tập văn hóa.

Sau quãng thời gian kiên trì, bền bỉ, kiên định thực hiện mô hình giáo dục đặc biệt, trường Đinh Tiên Hoàng đã gặt hái được những thành tích đáng tự hào. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT về mặt văn hóa hàng năm đều mở mức cao (99%), nhiều học sinh vào thẳng đại học, cao đẳng (40%); 20% tự tìm việc làm; 405 còn lại học thêm để thi lại Đại học năm sau.

A.M

Nguồn Ngày Nay: http://www.ngaynay.vn/thu-vi-mo-hinh-giao-duc-tri-hoc-sinh-ca-biet-p211085.html