Thú vị so sánh sắm Tết thành thị và nông thôn

Sự khác biệt thú vị trong việc chuẩn bị Tết của các vùng miền khiến cho hương vị Tết thêm phong phú.

Đã là truyền thống, cứ độ Tết đến xuân về, mỗi người từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi tới miền ngược đều luôn háo hức, tất bật sắm sửa, mong chờ ngày Tết. Tuy nhiên, ở mỗi vùng, không khí mua sắm Tết lại có nét khác biệt nhất định. Cuộc sống bận rộn, nhiều năm trở lại đây người dân thành thị chuộng đặt mua bánh chưng thay vì gói tại nhà theo cách truyền thống.

Đã là truyền thống, cứ độ Tết đến xuân về, mỗi người từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi tới miền ngược đều luôn háo hức, tất bật sắm sửa, mong chờ ngày Tết. Tuy nhiên, ở mỗi vùng, không khí mua sắm Tết lại có nét khác biệt nhất định. Cuộc sống bận rộn, nhiều năm trở lại đây người dân thành thị chuộng đặt mua bánh chưng thay vì gói tại nhà theo cách truyền thống.

Trong khi đó, ở các miền quê, Tết là dịp để cả đại gia đình quây quần gói rửa lá, đãi gạo để tự tay gói bánh chưng.

Để tiết kiệm thời gian, mâm cỗ ngày Tết ở thành phố cũng có thể đặt thuê người nấu sẵn với đủ cách dịch vụ khác đi kèm. Các món bày biện trên mâm vì thế thường cầu kỳ, tỉ mỉ, bắt mắt. Nhiều gia đình còn chọn các món lạ để thay đổi hương vị trong ngày Tết.

Nhưng ở vùng nông thôn, những mâm cỗ quê vẫn "trung thành" với nhiều món quen thuộc như thịt gà, bánh chưng, bánh tét, giò lụa, chả quế, thịt đông, dưa hành, chè kho...

Việc mua sắm thực phẩm (thịt, rau), bánh kẹo cho những ngày Tết ở thành thị cũng có nhiều lựa chọn hơn. Chỉ cần đi siêu thị, người dân có thể sắm được nhiều món hàng độc, lạ.

Còn ở các vùng quê, chợ phiên vẫn là nơi chủ yếu cung cấp các mặt hàng cho thực phẩm, gia dụng. Vào ngày Tết, chợ có thể mở phiên liên tục, có thể đông đúc hơn, nhiều hàng hóa hơn, song nét bình dị vẫn không lẫn đâu được.

Chợ hoa Tết nơi thành phố "cơ man" các loại hoa và cây cảnh lạ, đẹp mắt như đào, mai, địa lan... được chăm sóc, cắt tỉa, tạo thế công phu với giá hàng chục, hàng trăm triệu.

Nhưng ở các vùng quê, chợ hoa thường giản dị, mộc mạc với các loại cúc, hồng, huệ, cành đào nhỏ nhắn... giá cả vừa phải, hợp với túi tiền của bà con nông dân quanh năm lam lũ.

Ở chợ hoa quê, những sản phẩm truyền thống như lá trầu, miếng cau rất dễ nhận thấy, trong khi ở thành phố thì hầu như đã vắng bóng.

Những vật dụng được chọn trang trí nhà năm mới của người dân thành thị khá phong phú, không ít người cầu kỳ chọn đồ dùng hợp mệnh, đồ độc, lạ, đắt tiền như: tượng linh vật, ngọc đá phong thủy, cây phong thủy...

Khác với hình ảnh thường thấy ở đô thị, ngôi nhà nhỏ vùng thôn quê thường chọn bức hoành phi, câu đối đỏ, lộc bình cắm huệ, lay ơn để trang trí nhà ngày Tết.

Ngoài mua sắm, cách vui chơi ngày Tết của mỗi vùng miền cũng có sự khác nhau thú vị. Vài năm gần đây, Tết là dịp nhiều người dân ở thành thị đi du lịch đến vùng đất mới để thay đổi không khí.

Trong khi đó, ở vùng quê, sân đình lại là nơi diễn ra các hoạt động lễ hội, tập trung rất đông dân làng tham gia cùng nhau vui chơi, chia sẻ câu chuyện của một năm đã qua.

Ngọc Linh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/tieu-dung/thu-vi-so-sanh-sam-tet-thanh-thi-va-nong-thon-456238.html