Thư viện có thể bỏ thẻ đọc, làm thêm giờ được không?

Một trong những giải pháp thúc đẩy văn hóa đọc là tăng cường khả năng tiếp cận sách với người dân.

Hôm trước một bạn trẻ hỏi tôi hình như giờ người ta quan tâm tới tủ rượu hơn là tủ sách? Tôi nói tôi quan tâm cả hai. Rượu khiến người ta thăng hoa về cảm xúc, sách giúp thăng hoa về trí tuệ và tâm hồn.

Phòng đọc Michell thư viện bang NSW tại Sydney, Australia. Vào đây thoải mái đọc, không cần thẻ.

Phòng đọc Michell thư viện bang NSW tại Sydney, Australia. Vào đây thoải mái đọc, không cần thẻ.

Thời buổi công nghệ không nên quá câu nệ phải có một cái tủ sách vật lý hoành tráng, bày biện các trước tác kinh điển mới được coi là yêu sách. Giờ người ta có thể đọc bằng nhiều cách (sách in, sách nói, sách điện tử) cho dù mỗi cách đều có nhưng hạn chế và ưu thế riêng.

Cho nên một trong những giải pháp thúc đẩy văn hóa đọc là tăng cường khả năng tiếp cận sách (các loại) với người dân.

Bốt điện thoại thành tủ sách ở Đức (Ảnh: Lê Quang)

Phê bình lớp trẻ hôm nay ít đọc nhưng trước hết hãy đặt câu hỏi họ và người dân nói chung đã được tiếp cận sách một cách dễ dàng và thuận tiện nhất hay chưa?

Khu vực thành phố sách báo ê hề, nhưng cách này vài năm, vào các bản làng heo hút nhìn quanh chỉ thấy tạp chí Dân tộc và Miền núi cũ kỹ, số ra từ trước đó nhiều tháng.

Bây giờ thông tin liên lạc thuận lợi, hầu như ai cũng có điện thoại thông minh, kể cả vùng sâu vùng xa. Thế nhưng khi một bạn trẻ người Mông mở bài hát thì cầm chắc đấy là youtube được sản xuất ở ngoài biên giới Việt Nam.

Lấy ví dụ bài hát Mông có thể đặc thù, nhưng với các sản phẩm sách báo cũng thế thôi, dù nơi này nơi kia có đôi chút được cải thiện.

Muốn cộng đồng chăm đọc sách thì hà cớ gì cứ phải có thẻ mới được đọc trong thư viện, tại sao thư viện chỉ làm giờ hành chính?

Một anh xe ôm đợi khách lúc giữa trưa muốn vào đọc có được không? Một ông chồng tranh thủ đọc khi chờ vợ shopping lúc chiều tối có được không?

Nên đơn giản thủ tục bằng cách chỉ cần để lại căn cước công dân, bằng lái xe…là có thể ngồi đọc; hãy phục vụ người dân không chỉ 8 tiếng vàng ngọc của công chức.

Trẻ con cũng lấy được sách ở Thư viện Amerika-Gedenkbibliothek (Đức)

“Sách luôn trong tầm tay của bạn”, tôi thích một khẩu hiệu (slogan) như thế. Ở Đức người ta trưng dụng bốt điện thoại cũ làm nơi đọc sách. Sẽ có người nói ngay rằng ở Đức làm vậy được chứ ở Việt Nam… làm sao quản lý được! Điều đó không sai! Nhưng thông điệp ở đây không phải “sợ mất” mà là cách tư duy về sách - tư duy tìm đến người đọc chứ không phải bắt người đọc tìm đến sách.

Ở Việt Nam đã xuất hiện mô hình thư viện gia đình mà chủ nhân là những người mong muốn mọi người đều có quyền được đọc. Thế nhưng sau vài năm tôi quay lại thì thấy không còn nhiều người đọc như lúc ban đầu. Lý do: Nguồn sách có hạn, lại không được bổ sung.

“Hoành tráng” hơn mô hình thư viện gia đình là “Bưu điện văn hóa xã”, nơi vừa thực hiện chức năng bưu chính vừa là thư viện. Tuy nhiên cho tới nay có bao nhiêu % bưu điện văn hóa xã còn hoạt động hoặc thoi thóp vẫn chưa được thống kê.

Lại nhìn ra thế giới, nơi mà thông tin trên mạng đầy đủ và dễ dàng hơn ta rất nhiều thì thư viện của họ vẫn luôn là nơi tấp nập cho mọi đối tượng, mọi lứa tuổi.

Tại Thư viện Amerika-Gedenkbibliothek (American Memorial Library) ở Đức, khánh thành năm 1954, tôi thấy giá sách rất thấp, trẻ con cũng có thể với tới và rất an toàn. Cái bàn của chị thủ thư có thể nâng lên hạ xuống tùy chiều cao của người đọc, người mượn. Nếu là em nhỏ thì chị thủ thư bấm để hạ xuống sao cho vừa vặn với chiều cao. Người lớn không phải cúi mà trẻ con cũng chẳng phải kiễng chân hay nghển cổ. Bàn còn thiết kế thêm “cái bậc” nhô ra để độc giả để túi và sách, không phải bê vác khệ nệ.

Bàn thủ thư ở Thư viện Amerika-Gedenkbibliothek

Các nhà hảo tâm thì ngoài quyên góp gạo, chăn…cho bà con vùng khó thì cũng hướng tới việc xây dựng các tủ sách. Sẽ xuất hiện những sự thật phũ phàng khi người dân nơi đó không mặn mà với sách, thậm chí khi quay lại tủ sách nát bươm, nhiều quyển không cánh mà bay. Thế nhưng hãy chấp nhận và kiên nhẫn bởi thói quen đọc sách không thể xuất hiện ngay một sớm một chiều.

Các nhà công nghệ giúp nghiên cứu màn hình điện thoại thông minh chuyển độ sáng về chế độ như sách điện tử ebook để mọi người có thể đọc lâu trên đó.

Các nhà xuất bản sẽ số hóa các tác phẩm. Bên cạnh sản phẩm in còn có sách nói và sách điện tử để đưa lên môi trường mạng…

Vâng, tất cả những thứ đó, từ cách làm thẻ, từ cái giá sách, từ cái bàn của cô thủ thư, dĩ nhiên cả nụ cười thân thiện của cô nữa, thì niềm vui đọc sách tự khắc sẽ đến./.

Ngọc Mai/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/goc-nhin/blog/thu-vien-co-the-bo-the-doc-lam-them-gio-duoc-khong-post1015188.vov