Thư viện mở phục vụ giáo dục mở

Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã đầu tư xây dựng thư viện điện tử - thư viện số với các cơ sở dữ liệu thư viện, với hàng vạn biểu ghi và cơ sở dữ liệu toàn văn phục vụ cho công tác học tập, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hữu Giới – Chủ tịch Hội thư viện Việt Nam thì thư viện truyền thống trong các trường đại học sẽ buộc phải số hóa tài liệu, tăng cường xây dựngthư viện điện tử - thư viện số để đáp ứng những đổi mới của giáo dục đại học và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chuyển đổi cấu trúc của không gian thư viện

Dọc lối đi vào thư viện Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), bàn ghế được sắp đặt hợp lý để SV có thể học nhóm hoặc thảo luận nhóm mà không ảnh hưởng nhiều đến những người xung quanh.

Thư viện trường ĐH Đông Á cũng trở thành một không gian sinh hoạt văn hóa sống động và là điểm đến yêu thích nhất của SV nhà trường. Ngoài phòng học nhóm, phòng đa phương tiện… thư viện còn có cả phòng tập gym, không gian sinh hoạt chung để các SV có thể tổ chức các hoạt động tập thể.

Theo TS Lê Phước Cường – Phó Giám đốc phụ trách trung tâm học liệu và truyền thông, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng thì cùng với sự đổi mới mạnh mẽ trong đào tạo ở khu vực đại học đòi hỏi thư viện cũng cần có sự chuyển hướng trong các dịch vụ cung cấp từ khu vực nghiên cứu im lặng truyền thống trở thành không gian sống động, linh hoạt phù hợp với học tập theo nhóm và xã hội.

Theo đó, “việc học tập tổng hợp, dựa trên cả không gian vật lý và không gian ảo với các ứng dụng công nghệ, đã buộc phải có sự chuyển đổi cấu trúc của không gian thư viện”. Ngoài các khu vực không gian được tổ chức nhằm giúp thư viện đại học thực hiện các chức năng cơ bản cần phải có, theo như gợi ý của TS Lê Phước Cường, có thể có thêm không gian sáng tạo nhằm giúp thư viện đại học cân bằng giữa tri thức và thông tin, để cung cấp những cách sáng tạo thu hút người sử dụng, vượt ra ngoài các hoạt động vốn mang tính truyền thống của thư viện trước đây.

“Thư viện không tường”

Bắt đầu ứng dụng phần mềm điện tử vào năm 2008, đến năm 2011, thư viện số Trường CĐ Lương thực – Thực phẩm (Đà Nẵng) được hình thành đã mở rộng hình thức phục vụ đa dạng với nguồn tài liệu phong phú, đồng thời liên kết với các 9 trường khác thuộc Bộ NN&PTNT giúp thư viện tận dụng, phát huy chia sẻ nguồn lực thông tin giữa các thư viện.

Theo bà ông Thị Ánh Tuyết, Giám đốc thư viện Trường CĐ Lương thực – Thực phẩm thì xu hướng phát triển của thư viện là giúp bạn đọc ít phụ thuộc vào thư viện, giảm công sức đi lại của bạn đọc bằng cách giúp họ nắm vững kỹ năng thông tin để tự tìm kiếm, các dịch vụ hầu như được cung cấp từ xa.

PGS.TS Nguyễn Thanh Liêm nhận xét rằng, trang bị sách ngoại văn sẽ rất tốn kém, chưa kể là thủ tục đấu thầu cũng là một rào cản trong khi sách chuyên ngành kinh tế bây giờ rất ít người dịch và xuất bản. “Do vậy, xu hướng đầu tư sách điện tử sẽ giúp thư viện nhà trường cập nhật được các tài liệu mới mà lại rẻ”.

Ông Nguyễn Hữu Giới cũng cho rằng, trong tương lai, các thư viện phải đổi mới phục vụ bạn đọc và những yêu cầu xã hội đặt ra như có nhiều hình thức mới như truy cập tài liệu mở đa phương tiện để độc giả tiếp cận với thông tin tri thức tiện lợi, thoải mái hơn…

TS Huỳnh Mẫn Đạt, Trường ĐH Văn hóa TPHCM, thì cho rằng, để tận dụng thế mạnh của cách mạng công nghiệp 4.0, các trường đại học phải thay đổi về chất lượng, kết hợp hai phương thức đào tạo: truyền thống và trực tuyến. Trước đây SV học ở trường, bây giờ học thông qua trực tuyến, SV đến lớp chỉ để tương tác với thầy giáo, hỏi những gì họ chưa rõ.

Trong điều kiện học như vậy, SV chỉ cần bật thiết bị là biết thầy ở các nước khác đang dạy gì. Do đó việc đào tạo lúc này không chỉ cho SV Việt Nam mà cho SV toàn cầu. Đứng trước những vấn đề đó thư viện cần đổi mới chính mình, đổi mới nội tại, không chỉ với nguồn tài liệu thư viện có và tài liệu SV cần mà cần đổi mới phương thức phục vụ.

Với vai trò quan trọng của thư viện, TS Huỳnh Mẫn Đạt cho rằng, cần có chính sách khuyến khích các cơ sở đào tạo đầu tư đổi mới công nghệ các thư viện.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thu-vien-mo-phuc-vu-giao-duc-mo-3933134-b.html