Thư viện phải là nơi chia sẻ tri thức, truyền cảm hứng sáng tạo

Câu chuyện về nhóm thanh niên tình nguyện thành lập và vận hành một thư viện tư nhân Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã đem lại góc nhìn mới mẻ về phương thức hoạt động của thư viện cơ sở tại hội thảo 'Phát triển và đổi mới hoạt động thư viện trong thời kỳ mới' do Bộ VHTTDL tổ chức, sáng 5/12.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của thư viện đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Ảnh: VGP

Đây là hội thảo được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt hàng nhằm làm rõ nhận thức về sứ mệnh, vai trò, vị trí của thư viện trong tình hình hiện nay. Mức độ đáp ứng yêu cầu của người dân của hệ thống thư viện hiện nay cũng như những yêu cầu đổi mới được đặt ra.

Chưa đáp ứng nhu cầu bạn đọc

Tính đến cuối năm 2017, hệ thống thư viện công cộng gồm: 1 Thư viện Quốc gia Việt Nam, 63 thư viện cấp tỉnh, 663 thư viện cấp huyện và 3.257 thư viện cấp xã, 16.727 phòng đọc sách làng, thôn, bản.

Các thư viện đang lưu giữ 41 triệu bản sách, tài liệu, đồng thời đẩy mạnh xây dựng thư viện điện tử, thư viện số, bổ sung các dạng tài liệu điện tử, số hóa tài liệu và xây dựng bộ sưu tập số, bắt đầu quan tâm đến xây dựng các nguồn tài liệu, học liệu truy cập mở... Năm 2017, chỉ số sách báo phục vụ của hệ thống thư viện công cộng đạt trên 55 triệu lượt, tăng 20%.

Hệ thống các thư viện đa ngành, chuyên ngành có gần 400 thư viện thuộc các trường đại học và cao đẳng, 25.915 thư viện trường phổ thông, 100 thư viện thuộc các bộ ngành, các viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu khoa học, hơn 500 thư viện, hơn 4.500 phòng đọc sách thuộc lực lượng vũ trang.

Bên cạnh mạng lưới thư viện nhà nước, nhiều mô hình thư viện tư nhân, tủ sách dòng họ, phòng đọc dân lập, “không gian đọc”, câu lạc bộ đọc sách báo đã được hình thành đáp ứng nhu cầu đọc của người dân.

Nhiều thư viện đã chú trọng xây dựng nguồn lực thông tin điện tử, thành lập phòng đọc đa phương tiện, phòng đọc chuyên biệt như phòng đọc luận văn, luận án, phòng tra cứu, tra cứu tìm tin, tài liệu trực tuyến... Một số thư viện đã triển khai dịch vụ phổ biến thông tin có chọn lọc, dịch vụ cung cấp sách tại nhà.

Đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành thư viện hiện vào khoảng 30.000 người, tỷ lệ nhân lực trình độ đại học ở thư viện cấp tỉnh và cấp huyện lần lượt là 73% và 50%. Ngoài ra còn có khoảng hơn 2.000 cán bộ kiêm nhiệm làm việc trong các thư viện cấp xã trong cả nước.

Mặc dù các thư viện đã có rất nhiều cố gắng song nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được với nhu cầu, tạo được sức hấp dẫn, thu hút bạn đọc.

Chỉ số về phát triển vốn tài liệu trong thư viện công cộng chưa được 50%. Vốn tài liệu điện tử, tài liệu số trong các thư viện còn hạn chế. Việc liên thông trong hoạt động thư viện nói chung và việc chia sẻ nguồn lực thông tin còn chưa rộng khắp giữa các thư viện.

Hội thảo có sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, nhà quản lý, người làm công tác thư viện. Ảnh: VGP

Áp lực kết nối, liên thông, chia sẻ

Nhiều ý kiến tại hội thảo thống nhất đánh giá sự phát triển của internet vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng thư viện điện tử, thư viện số. Giám đốc Thư viện Quốc gia Việt Nam Kiều Thúy Nga và Đại tá Trần Thị Bích Huệ - Giám đốc Thư viện Quân đội đều cho rằng nhu cầu ngày càng đa dạng của bạn đọc cũng như sự phát triển của nhiều loại hình thông tin truyền thông khác buộc thư viện phải thay đổi, chủ động tìm đến người đọc thay vì ngồi chờ, bị động như trước đây.

Chia sẻ kinh nghiệm thu hút bạn đọc, Phó Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu (Đại học Bách khoa), bà Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh sự thay đổi của bản thân thư viện, từng cán bộ, nhân viên coi bạn đọc là khách hàng để có đổi mới từ phục vụ đọc tại chỗ, mượn tài liệu về nhà đến cung cấp dịch vụ thư viện trên nền tảng đa phương tiện…

Cùng với việc đổi mới phương thức quản trị, nâng cao trình độ, chuyên môn của đội ngũ cán bộ, nhiều ý kiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng được một cơ sở dữ liệu mở, tập trung để các thư viện có thể dùng chung. Ý tưởng này từng bước được hiện thực trong thời gian qua khi một số đơn vị như Thư viện Quốc gia Việt Nam, Trung tâm Thông tin - Tư liệu (ĐHQG Hà Nội) đã tiến hành số hóa tài liệu và cập nhật nội dung lên Hệ tri thức Việt số hóa.

TS. Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện (ĐHQG Hà Nội) đề xuất đẩy mạnh kết nối tất cả dữ liệu của hệ thống thư viện công cộng, thư viện các trường đại học để chia sẻ, dùng chung.

Ủng hộ việc số hóa tư liệu, Nhà sử học Dương Trung Quốc đưa ra nhận định: Trong thời đại hiện nay thì quan trọng nhất là người đọc có thể đọc ở mọi lúc, mọi nơi muốn vậy thì nhất định phải số hóa toàn bộ tài liệu lưu trữ. Thư viện không chỉ có sách mà phải trở thành không gian để trao đổi, chia sẻ tri thức, đặc biệt là những nguồn tài liệu hiếm, quý.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết bổ sung bên cạnh liên thông về dữ liệu, tài liệu cần có sự liên thông về quyền lợi của người đọc, một thẻ thư viện có thể dùng ở mọi thư viện.

Những cách làm hay

Không dừng lại ở những kiến nghị, nhiều mô hình hoạt động thư viện hiệu quả đã được trao đổi tại hội thảo.

Các đại biểu rất ấn tượng trước của thư viện tư nhân của bạn Nguyễn Bá Lương cùng hàng chục tình nguyện viên đã thành lập và vận hành tại xã Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) từ năm 2013 đến nay. Hiện thư viện này mở cửa phục vụ 9,5 tiếng/tuần phục vụ miễn phí cho các em nhỏ với 3.600 cuốn sách, 6.000 ấn phẩm báo, tạp chí. Số lượng thành viên có thẻ thư viện là 1.604 người. Hoạt động trên tinh thần tự nguyện, thư viện Dương Liễu không chỉ là một không gian văn hóa đọc bình thường mà còn có rất nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa giá trí, “chơi mà học, học mà chơi”, rèn luyện, xây dựng nhân cách cho các em nhỏ…

“Mỗi tình nguyện viên chính là một người truyền cảm hứng cho các em nhỏ tìm thấy sở thích, đam mê của của mình”, bạn Nguyễn Bá Lương chia sẻ.

Đặt học sinh là trung tâm, ngành giáo dục tỉnh Lào Cai đã phát triển các mô hình thư viện lưu động, thư viện góc lớp, không gian đọc xanh… để các em có thể đọc sách mọi lúc, mọi nơi một cách thuận tiện nhất

Cũng huy động nguồn lực xã hội hóa để thành lập các tủ sách, kinh nghiệm từ tỉnh Nam Định rất đáng được tham khảo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, ông Bạch Ngọc Chiến cho biết chính quyền đã phối hợp vận động nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đóng góp kinh phí lập các tủ sách tại từng lớp học từ mầm non đến THCS. Sau 2 năm, các trường học ở Nam Định đã có hơn 12.000 tủ sách lớp học với hơn 500.000 bản sách, trị giá 15 tỷ đồng. Hình ảnh điểm sách dưới cờ trong lễ chào cờ đầu tuần đã trở nên quen thuộc ở một số trường học tại Nam Định.

“Nếu trong 20 năm, anh Nguyễn Quang Thạch vận động xây dựng được khoảng 9.000 tủ sách nông thôn vì chỉ trong 2 năm với sự tham gia của chính quyền đã có trên 12.000 tủ sách ra đời. So sánh như vậy để thấy vai trò quan trọng của các cấp chính quyền trong vận động, huy động nguồn lực xã hội hóa đối với công tác thư viện”, ông Bạch Ngọc Chiến nói.

Những cách làm sáng tạo, đổi mới giúp nhiều thư viện trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện, nơi truyền cảm hứng cho bạn đọc và tạo điều kiện học tập suốt đời.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trò chuyện với bạn Nguyễn Bá Lương, người thành lập thư viện tư nhân xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: VGP

Thay đổi để biến thách thức thành cơ hội

Ghi nhận các ý kiến tâm huyết tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của thư viện đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Với sự phát triển của kinh tế xã hội, khoa học công nghệ, hệ thống thư viện cũng phải chuyển mình để bắt kịp với xu hướng, nhu cầu mới. Thư viện trong tương lai không phải chỉ là chỗ giữ sách, nơi mọi người đến mượn sách, đọc sách mà phải là không gian truyền cảm hứng sáng tạo, chia sẻ tri thức. Cán bộ thư viện không chỉ là giữ sách mà phải là người hướng dẫn, là chuyên gia tư vấn, hỗ trợ độc giả tìm kiếm nội dung thông tin, tài liệu…

“Công nghệ đang tạo ra những thách thức đối với hoạt động thư viện truyền thống nhưng đây cũng là thời cơ để 1 cuốn sách trong thư viện đến được với nhiều người, mọi lúc, mọi nơi thông qua số hóa tài liệu thay vì chỉ được 1 người đọc/mượn. Điều quan trọng là phải thay đổi nhận thức của từng cán bộ thư viện, cách quản trị, quản lý trong mỗi thư viện cũng như của Bộ VHTTDL, từ đó mới có thể biến thách thức thành cơ hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị Bộ VHTTDL chỉ đạo việc xây dựng hướng dẫn mẫu để các thư viện công cộng, thư viện đại học, cơ sở nghiên cứu… tiến hành số hóa tài liệu và cập nhật lên Hệ tri thức Việt số hóa.

“Nếu làm được như vậy, Hệ tri thức Việt số hóa sẽ trở thành một thư viện chung và mục tiêu phục vụ bạn đọc của ngành thư viện sẽ không dừng lại ở con số 300 triệu lượt/năm”, Phó Thủ tướng tin tưởng.

Về các ý kiến liên quan đến cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động của hệ thống thư viện, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Bộ VHTTDL tiếp thu đầy đủ, nhận diện, phân loại, đánh giá để có phương án sắp xếp, tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện.

“Các đồng chí cần lắng nghe, tham khảo ý kiến chuyên gia về vai trò của thư viện, những mô hình hoạt động mới và truyền thông tích cực để lãnh đạo, người dân, xã hội hiểu và ủng hộ. Nếu xác định đúng hướng thì đây là thời cơ tốt huy động xã hội vào phát triển thư viện, xây dựng văn hóa đọc lành mạnh trong cộng đồng”, Phó Thủ tướng nói.

Đình Nam

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/van-hoa/thu-vien-phai-la-noi-chia-se-tri-thuc-truyen-cam-hung-sang-tao/353797.vgp