Thư viện tư nhân phải đăng ký

VH- Những hạn chế, tồn tại sau 18 năm thi hành Pháp lệnh Thư viện và cần phải phát triển ngành để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0... là những nội dung sẽ được điều chỉnh trong Luật Thư viện. Hội thảo 'Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Thư viện' nhằm lấy ý kiến các lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành, các trường đại học, cao đẳng; lãnh đạo các thư viện cấp tỉnh, huyện... khu vực miền Nam vừa được Bộ VHTTDL tổ chức tại TP.HCM.

Dự thảo Luật Thư viện có 6 chương, 52 điều quy định hoạt động thư viện, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động thư viện, quản lý nhà nước về thư viện. Dự thảo đã cụ thể hóa các chính sách về thư viện, trong đó nêu ra 6 vấn đề quan trọng: Đa dạng hóa các loại hình thư viện nhằm đẩy mạnh xã hội hóa để phát huy các nguồn lực, vốn tài liệu tạo điều kiện cho người dân có thêm cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức; phát triển loại hình thư viện số tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân được tiếp cận và sử dụng thông tin thuận lợi mọi nơi, mọi lúc; đảm bảo tính minh bạch, cơ chế xử lý toàn diện đối với thư viện và bảo vệ vốn tài liệu thư viện thông qua các điều kiện thành lập, giải thể, chấm dứt hoạt động của thư viện; đổi mới quy định về phân hạng và đánh giá tác động của thư viện...

Đối với thẩm quyền, trình tự đăng ký hoạt động của thư viện ngoài công lập, tại mục b, Khoản 1 Điều 15 của dự thảo luật này quy định: “Tổ chức, cá nhân có vốn tài liệu từ 5.000 bản sách trở lên, có phục vụ 1.000 bạn đọc thường xuyên trở lên”. Một số ý kiến băn khoăn cho rằng liệu điều này có làm khó các thư viện hoạt động xã hội hóa hay không. Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện cho rằng, việc đăng ký này là để khuyến khích chứ không phải bó buộc. Thực tế có rất nhiều thư viện hoạt động tốt và con số còn cao hơn thế nhưng không đăng ký. Luật nhiều nước đã quy định rất chặt chẽ, thư viện tư nhân bắt buộc phải đăng ký. Khi vi phạm thì bị chế tài hoặc thu hồi giấy phép. Trong dự thảo Luật Thư viện đưa vào điều này là thể hiện sự khuyến khích của Nhà nước cho phép thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng. Thể hiện trách nhiệm của các chủ thư viện đối với bạn đọc.

Về quyền hạn và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân trong hoạt động thư viện, ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Thư viện tỉnh Sóc Trăng thắc mắc về việc thu phí tại Điều 23 có “chống lại” việc miễn phí ở Điều 30 về Quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng thư viện hay không. Bà Ngà giải thích, thu phí ở đây là thu phí theo quy định của pháp luật. Bốn nội dung được Nhà nước bảo trợ sự nghiệp công: mượn sách báo, tài liệu, bảo quản xây dựng vốn tài liệu... thì người đọc sẽ được sử dụng miễn phí. Miễn phí này theo quy định của từng thư viện. Các thư viện hoàn toàn chủ động trong việc thu phí gì và miễn phí những gì. Thư viện ngoài công lập có quyền thu phí ở một số trường hợp, phải niêm yết công khai giá dịch vụ...

Ngoài ra, một số nội dung góp ý về dịch vụ thư viện số, thể chế hóa những tiêu chuẩn cụ thể, khích lệ những thư viện tư nhân, hoặc phục vụ cộng đồng thì dự thảo luật nên có điều khoản phân định các thư viện dựa theo quy định phục vụ lợi nhuận hay phi lợi nhuận, chuyên ngành...

Những ý kiến đóng góp này sẽ được tổng hợp để báo cáo Ban soạn thảo. Sau khi tổ chức góp ý khu vực miền Nam tại TP.HCM, Hội nghị tiếp tục diễn ra ở Hà Nội trong tháng 9, nhằm hoàn chỉnh Dự thảo Luật trong thời gian tới đây.n

H.TRẦN

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/thu-vien-tu-nhan-phai-dang-ky