Thua kiện, Trung Nguyên lên tiếng cho rằng bà Lê Hoàng Diệp Thảo 'liên tục phá hoại' tập đoàn

Ông Vũ 'tố' bà Thảo đã chuyển nhượng bất hợp pháp tài sản công ty tại Singapore để bà sở hữu với giá chỉ 1 'đô'.

Vợ chồng "vua" cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ - Lê Hoàng Diệp Thảo trong cuộc chiến tranh giành quyền điều hành.

Thông tin trên được đề cập trong thông cáo báo chí của Tập đoàn Trung Nguyên phát đi sau khi TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên phúc thẩm xét xử vụ kiện "Tranh chấp giữa thành viên công ty với công ty" giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (Trung Nguyên) cùng ông Đặng Lê Nguyên Vũ hôm 20/9 vừa qua.

HĐXX tuyên không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Theo đó, HĐXX hủy bỏ quyết định bãi nhiệm chức danh phó tổng giám đốc thường trực của bà Thảo. Ông Vũ không được ngăn cấm bà Thảo tham gia điều hành, quản lý công ty.

Trong thông báo phát đi, thừa ủy quyền của Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm Tổng Giám đốc Tập Đoàn Trung Nguyên là ông Vũ, bà Võ Thị Hà Giang, Giám đốc truyền thông đã “tố” bà Thảo nhiều nội dung, trong đó cho rằng bà Thảo liên tục phá hoại Tập đoàn Trung Nguyên trên mọi phương diện để buộc ông Đặng Lê Nguyên Vũ phải nhượng bộ quyền quản lý, điều hành.

Trong vòng 20 năm qua, chưa một ai (ngay cả các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành) phá hoại Tập đoàn Trung Nguyên dữ dội và khốc liệt như bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Từ năm 2015 đến nay, bà Thảo đã liên tiếp thực hiện hàng loạt các hành động có hệ thống, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên, thông báo nêu.

Phía Trung Nguyên nêu, ngày 16/10/2015, tại Trụ sở Tập đoàn Trung Nguyên số 82-84 Bùi Thị Xuân, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM, bà Thảo cùng cộng sự đã chiếm đoạt 12 con dấu và 23 Giấy đăng ký kinh doanh của tất cả các Công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, làm cho toàn bộ hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên bị ngưng trệ do không có con dấu để giao dịch. Vụ việc đã được Tòa án Tp.HCM tuyên xử buộc bà Thảo phải hoàn trả con dấu và Giấy phép kinh doanh cho Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên theo Bản án sơ thẩm số 310/2018/KDTM-ST ngày 21-03-2018 về việc tranh chấp giữa công ty với thành viên công ty.

Bà Thảo đã giả mạo chữ ký của ông Vũ để chuyển nhượng bất hợp pháp toàn bộ tài sản (7,5 triệu cổ phần) của Công ty Trung Nguyen Singapore PTE.LTD sang cho cá nhân mình làm chủ sở hữu với giá 1 SGD (Một đô la Singapore). Vụ án đang được Tòa án tối cao Singapore thụ lý giải quyết trên cơ sở kết luận giám định chữ ký giả mạo ngày 07/4/2016 của Cơ quan giám định Singapore.

Ngày 13/5/2016, bà Thảo đã chiếm giữ trái phép nhà máy cà phê của Tập đoàn Trung Nguyên tại Bắc Giang, để tự ý sản xuất, kinh doanh mà không tuân thủ quyết định của Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT, Hội đồng quản trị và Đại Hội đồng cổ đông.

Tháng 12/2016 và tháng 8/2017: bà Thảo đã yêu cầu TAND TP.HCM ra các quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc ông Vũ với tư cách Chủ tịch Hội đồng quản trị và đại diện theo pháp luật của các Công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên, khi vay mượn, chi tiêu cho các hoạt động kinh doanh… phải được sự đồng ý trước bằng văn bản của bà Thảo. Mục đích của yêu cầu này là để triệt hạ toàn bộ hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên, khiến Tập đoàn không thể hoạt động và vận hành vì không thể tiến hành bất kỳ giao dịch gì nếu không có sự đồng ý của bà Thảo.

Bà Thảo đã tự ý cùng gia đình của mình thành lập Công ty riêng mang tên có yếu tố và logo mang một phần nhận diện của Tập đoàn Trung Nguyên (Công ty TNHH MTV TNI) để tự sản xuất kinh doanh và cạnh tranh trực tiếp sản phẩm với chính Công ty Trung Nguyên, mặc dù bà Thảo vẫn đang là cổ đông lớn trong công ty. Điều này đã xâm phạm nghiêm trọng Luật sở hữu trí tuệ, Luật cạnh tranh và Luật doanh nghiệp.

Bà Thảo đã cung cấp thông tin sai sự thật, bịa đặt ra bên ngoài về vai trò người sáng lập Trung Nguyên và Chức danh Phó Chủ tịch HĐQT. Trung Nguyên thành lập cơ sở kinh doanh vào ngày 15/8/1996, do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là chủ cơ sở kinh doanh.

Đến năm 1999, chuyển thành Xí nghiệp Cà phê Trung Nguyên tại địa chỉ 268 Nguyễn Tất Thành, P. Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột. Tháng 12/2002, Xí nghiệp cà phê Trung Nguyên chuyển đổi thành Công ty TNHH Cà Phê Trung Nguyên với hai thành viên là (Đặng Lê Nguyên Vũ) và cha là – ông Đặng Mơ.

Đến ngày 27/4/2007, từ Công ty TNHH Cà Phê Trung Nguyên chuyển đổi thành công ty Cổ phần Cà Phê Trung Nguyên và theo Luật doanh nghiệp bắt buộc Công ty Cổ phần phải có ít nhất 3 cổ đông, vì vậy ông Vũ và cha của mình đồng ý cho bà Thảo tham gia vào cơ cấu công ty với tỷ lệ cổ phần là 10% vốn điều lệ.

Như vậy, bà Thảo chỉ chính thức có tên trong công ty Trung Nguyên từ năm 2007 và tính đến nay chỉ 11 năm. Do đó, việc bà Thảo rêu rao đã quản lý và điều hành Trung Nguyên hơn 20 năm là bịa đặt sai sự thật. Mặt khác, từ khi Trung Nguyên thành lập (năm 1996) đến nay, cơ cấu quản lý, điều hành không có chức danh Phó Chủ tịch HĐQT. Chỉ có ông Đặng Lê Nguyên Vũ - là người đã gầy dựng Trung Nguyên, quản lý, phát triển nó từ những ngày đầu thành lập (năm 1996) đến nay.

Bà Thảo đã thực hiện hành vi vu khống khi cho rằng Tập đoàn Trung Nguyên không chia cổ tức cho cổ đông bà Lê Hoàng Diệp Thảo - mặc dù trước đó Tập đoàn Trung Nguyên đã nhiều lần có văn bản chính thức yêu cầu cổ đông bà Lê Hoàng Diệp Thảo cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để thực hiện việc chi trả.

Bà Thảo đã tạo ra hơn 10 vụ kiện đối với các Công ty trực thuộc Tập đoàn Trung Nguyên và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Và yêu cầu Tòa án áp dụng 9 biện pháp khẩn cấp tạm thời để gây áp lực về pháp lý và tâm lý cho Tập đoàn Trung Nguyên và hơn 5.000 lao động đang làm việc tại đây.

Thông báo của tập đoàn Trung Nguyên cho biết, suốt trong thời gian qua, cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ và tập đoàn luôn giữ sự im lặng, luôn ở thế tự vệ chính đáng trước mọi thông tin bịa đặt, vu khống cùng các hành vi sai phạm của bà Lê Hoàng Diệp Thảo trên các phương tiện truyền thông. Bà Thảo luôn mạo danh vì tình yêu, nhân danh vì trách nhiệm đối với chồng, với con; luôn mạo danh trách nhiệm vì cứu Trung Nguyên để che đậy cho âm mưu và hàng loạt các thủ đoạn nhằm chiếm đoạt Trung Nguyên.

Phía Trung Nguyên cho biết, ông Vũ vì nghĩ đến 20 năm tình nghĩa vợ chồng, tình thương, trách nhiệm đối với 4 người con chung và một phần công lao đóng góp của bà Thảo trong thời gian qua; đồng thời hy vọng bà Thảo sẽ hồi tâm chuyển ý, cải sửa những lỗi lầm, sai phạm đã gây ra trong thời gian qua. Nhưng càng im lặng, càng nhẫn nhịn thì bà Thảo càng tiếp tục lấn lướt, càng gia tăng tấn công pháp lý liên tục và dồn dập, gây sức ép với ông Vũ cùng Tập đoàn Trung Nguyên; càng có những hành vi vu khống, thông tin bịa đặt, cung cấp thông tin sai sự thật… nhằm dồn ép ông Vũ và Tập đoàn Trung Nguyên đến bước đường cùng, không còn tình nghĩa vợ chồng để đạt được mục đích chiếm đoạt Trung Nguyên bằng mọi cách. Vì vậy, Tập đoàn Trung Nguyên buộc phải lên tiếng và cung cấp đầy đủ thông tin rộng rãi đến các cơ quan truyền thông nhằm bảo vệ danh dự và uy tín của thương hiệu Trung Nguyên, của cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Theo nội dung vụ kiện, tháng 4/2015, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên.

Tháng 10/2015, ông Vũ lại có văn bản triệu tập cuộc họp hội đồng quản trị (HĐQT) để thảo luận, biểu quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc của bà Thảo và thay đổi người đại diện theo pháp luật tại tập đoàn này. Bà Thảo có văn bản không đồng ý việc triệu tập cuộc họp nhưng sau đó ông Vũ vẫn tổ chức mà vắng mặt người có liên quan.

Ngày 2/11/2015 ông Vũ chủ trì cuộc họp chỉ có 2 thành viên là ông và mẹ ông để lập biên bản, ra nghị quyết miễn nhiệm bà Thảo khỏi các chức vụ nêu trên. Cuộc họp cũng quyết định bầu ông Vũ vào vị trí Chủ tịch kiêm CEO của Trung Nguyên, thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Thảo sang ông Vũ.

Do đó, tháng 11/2015, bà Thảo khởi kiện chống lại quyết định trên lên TAND tỉnh Bình Dương vì cho rằng các quyết định miễn nhiệm bà và bổ nhiệm ông Vũ không đúng quy định pháp luật, gây bất lợi, ảnh hưởng đến việc điều hành của bà trong công ty.

Tháng 8/2016, TAND tỉnh Bình Dương xét xử sơ thẩm vụ kiện này, tuyên không chấp nhận yêu cầu của bà Thảo vì cho rằng các văn bản mà bà Thảo yêu cầu tòa hủy đã được phía ông Vũ thu hồi trước khi tòa sơ thẩm xét xử vụ án.

Vụ án sau đó được TAND Cấp cao tại TP.HCM thụ lý, tuyên hủy bản án của TAND tỉnh Bình Dương. Ngày 22/9/2017, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm vụ kiện và tuyên hủy quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo do ông Vũ (với tư cách Chủ tịch HĐQT) ký tháng 4/2015. Theo đó, chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực của bà Thảo trong Tập đoàn Trung Nguyên được khôi phục. Tòa cũng yêu cầu ông Đặng Lê Nguyên Vũ không được ngăn cấm bà Thảo tham gia điều hành, quản lý tại tập đoàn này.

Tuy nhiên, sau khi có bản án sơ thẩm, bà Thảo vẫn chưa thể về lại Trung Nguyên. Ngày 10/10/2017, ông Vũ và Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên đã gửi đơn kháng cáo và tiếp tục ra quyết định bãi nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc thường trực của bà Thảo.

HUYỀN TRÂM

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/thua-kien-trung-nguyen-len-tieng-cho-rang-ba-le-hoang-diep-thao-lien-tuc-pha-hoai-tap-doan-3470551.html