Thua lỗ tại hàng loạt thị trường, đây là 'phao cứu sinh' của Ford

Trong số 5 kế hoạch mà Ford đưa ra để khắc phục tình trạng kinh doanh thua lỗ, phần lớn tập trung vào việc mở rộng tại thị trường Trung Quốc.

Ford vừa báo cáo số liệu doanh thu trong quý IV không đạt được những gì mà các nhà đầu tư mong đợi. Nguyên nhân của thất bại trong kinh doanh xuất phát từ chi phí tái cấu trúc cao và doanh số tại các thị trường quốc tế không mấy khả quan.

Ford cho biết hãng gặp không ít khó khăn tại những thị trường như châu Âu, Trung Quốc và Nam Mỹ. Ban giám đốc điều hành của Ford cũng đã tổ chức một buổi họp, giải thích về những điểm yếu của hãng và cùng nhau đưa ra giải pháp để cứu vãn tình hình kinh doanh thua lỗ.

Tình hình kinh doanh toàn cầu của Ford gặp nhiều khó khăn trong năm 2018, đặc biệt là tại châu Âu, Trung Quốc và Nam Mỹ. Ảnh: Getty.

Tình hình kinh doanh toàn cầu của Ford gặp nhiều khó khăn trong năm 2018, đặc biệt là tại châu Âu, Trung Quốc và Nam Mỹ. Ảnh: Getty.

"Ford bước vào năm 2019 với một tầm nhìn rất rõ ràng và chúng tôi đang tạo dựng động lực để cải thiện lợi nhuận. Các kế hoạch đã được chúng tôi khởi động", CEO Ford - Jim Hackett - cho biết trong một cuộc họp báo hôm 23/1.

Sau tuyên bố của Giám đốc điều hãng xe Mỹ, cổ phiếu của Ford ngay lập tức tăng hơn 3% trong các phiên giao dịch ngày 24/1. Trong trong buổi họp báo, ông Jim Hackett đã nêu ra 5 biện pháp giúp Ford cải thiện tình hình kinh doanh tại thị trường quốc tế trong năm 2019.

Ra mắt sản phẩm mới

Ford đang giới thiệu các dòng sản phẩm của mình trên toàn thế giới, tập trung vào việc chỉ bán các mẫu xe có lợi nhuận cao nhất. Ở Mỹ, hãng tập trung vào các dòng xe bán tải và SUV. Tại thị trường châu Âu, Ford đẩy mạnh kinh doanh dòng bán tải cỡ trung Ranger và cung cấp các gói thể thao hiệu suất cao hơn cho các mẫu hatchback như Fiesta và Focus vốn rất được ưa chuộng.

Nhưng cú hích lớn nhất là thị trường Trung Quốc, đây là thị trường ôtô lớn nhất thế giới và cũng là nơi đầy thách thức với Ford. Các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc ngày càng phát triển tạo ra sự lựa chọn đa dạng cho người dùng. Điều đó buộc các hãng xe nhập khẩu vào thế sống còn, hoặc phải liên tục làm mới dòng sản phẩm của mình, hoặc bị bỏ lại phía sau.

Hàng loạt mẫu xe mới sẽ được Ford cho ra mắt tại Trung Quốc, đồng thời chuyển sang nội địa hóa một số mẫu xe nhập khẩu. Ảnh: Ford.

"Trung Quốc là thị trường ôtô lớn nhất thế giới và chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ có quy mô gấp đôi so với Mỹ vào năm 2025. Vì vậy, đưa doanh nghiệp chúng tôi trở lại đúng hướng là điều cần thiết vào lúc này", Phó chủ tịch điều hành thị trường toàn cầu của Ford - Jim Farley cho biết.

Ông Jim cũng cho biết hãng đã thảo luận với các nhà đầu tư trong năm vừa qua và nhận thấy những thiếu sót trong hoạt động kinh doanh. Doanh thu của đại lý không cao, hàng tồn kho dư thừa và sự vắng mặt của các dòng xe mới là thiếu sót lớn của Ford tại thị trường Trung Quốc.

Năm ngoái, hãng tiết lộ sẽ trình làng một mẫu SUV mới dành cho thị trường lớn nhất này. Trong đó, chiếc SUV cỡ nhỏ Escape và Focus cũng sẽ có thêm phiên bản mới. Cả hai mẫu xe trên đều có giá bán tăng gấp đôi tại Trung Quốc vào năm 2018. ông Farly còn cho biết có thêm 10 mẫu xe khác đang trên đường cập bến Trung Quốc.

Tăng lợi nhuận của đại lý

Giữ cho các đại lý có lợi nhuận là một vấn đề lớn đối với Ford, đặc biệt là ở Trung Quốc. Hãng đã thực hiện một số bước để giải quyết vấn đề này và khoảng một phần ba các đại lý tại Trung Quốc đang có lãi. "Chúng tôi hy vọng doanh thu sẽ tiếp tục tăng trong suốt cả năm 2019", Farley nói.

Thúc đẩy sản xuất tại địa phương

Các nhà sản xuất ôtô thường xây dựng nhà máy tại những thị trường lớn họ kinh doanh, nhưng đôi khi việc nhập và xuất khẩu xe từ nước này sang nước khác không phải điều mới lạ. Cuộc chiến thương mại đang diễn ra khiến không ít doanh nghiệp điêu đứng, chủ yếu là việc chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Chỉ riêng thuế quan đã tiêu tốn của Ford 750 triệu USD trong năm 2018.

Ford cho biết họ sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách tập trung nhiều hơn vào chuỗi cung ứng và lắp ráp ở gần thị trường mà họ dự định bán.

Mẫu Ford Escort được trung bày tại một đại lý Ford ở Thượng Hải. Ảnh: Getty.

"Chúng tôi sẽ tìm nguồn cung ứng từ Trung Quốc, điều này giúp cắt giảm chi phí nguyên vật liệu, từ đó dẫn đến giảm chỉ cơ cấu cho các hoạt động sản xuất", Phó chủ tịch điều hành thị trường toàn cầu của Ford - Jim Farley khẳng định.

Cũng trong buổi họp hôm thứ 4, Ford xác định họ cần nội địa hóa một số mẫu xe nhập khẩu chính vào Trung Quốc, cụ thể là Ford Explorer và một số mẫu Lincoln có xu hướng tăng giá cao và mang lại lợi nhuận cho thương hiệu. "Hãy nhìn vào Lincoln và Explorer hiện tại, việc nhập khẩu gây ra tổn thất không nhỏ trong kinh doanh", ông Farley nói.

Cắt giảm thua lỗ

"Vấn đề của Ford là nhiều hoạt động kinh doanh toàn cầu pha trộn giữa tốt và xấu", nhà phân tích Philippe Houchois của tổ chức tài chính Jeffries cho biết. Cụ thể, tính trong năm 2018, Ford lỗ 398 triệu USD tại thị trường châu Âu, 1,1 tỷ USD ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Khu vực Nam Mỹ dù đã cắt lỗ nhưng vẫn kết thúc năm với mức thâm hụt 678 triệu USD. Chỉ có thị trường châu Phi và Trung Đông gần chạm ngưỡng hòa vốn khi lỗ 7 triệu USD. Tổng lỗ bên ngoài Bắc Mỹ của Ford trong năm qua rơi vào khoảng 2 tỷ USD.

Không giống như đối thủ đồng hương General Motor, Ford xác định các doanh nghiệp của mình châu Âu của mình không còn đáng để giữ lại. Do đó, Ford lên kế hoạch đóng cửa các nhà máy và cắt giảm việc làm ở đây.

Ford và Volkswgen sẽ trở thành một liên minh sản xuất xe vào năm 2022 và bắt đầu hợp tác sản xuất xe điện, xe tự lái trong tương lai. Ảnh: Carscoops.

Hãng xe Mỹ cũng sẽ hợp tác với Volkswagen để sản xuất xe. Bước tiến này cũng sẽ giúp hai hãng phát triển xe điện và xe tự lái trong tương lai.

Theo nhiều nhà phân tích, việc hợp tác với Volkswagen sẽ cho phép Ford giữ chỗ đứng ở thị trường châu Âu, nơi mà xe van và bán tải đang rất thành công và phát triển thị phần trong 5 năm qua.

Tái cấu trúc nhiều hơn

Ông Hackett một lần nữa hứa với các nhà đầu tư rằng họ sẽ sớm nhận được thông tin chi tiết về kế hoạch 11 tỷ USD cụ thể của Ford. Tuy nhiên phía hãng vẫn chưa công bố cụ thể về bản kế hoạch này.

“Trong vài tháng tới, các bạn có thể mong đợi chúng tôi chia sẻ các sáng kiến cụ thể hơn liên quan đến việc thiết kế lại hệ thống doanh nghiệp toàn cầu của Ford. Không gì quan trọng hơn việc đạt được sự thấu hiểu với các bạn. Tôi muốn xác nhận rằng kế hoạch đã được triển khai và chúng tôi đang hành động”, CEO Ford - Jim Hackett nói với các chuyên gia phân tích trong một cuộc hội nghị.

Ông Hackett cũng cho biết sẽ trình bày với các nhà đầu tư chi tiết hơn về kế hoạch đại tu hoạt động kinh doanh tại Nam Mỹ, nơi Ford và nhiều nhà hãng xe có bề dày lịch sử có hiệu suất doanh số lên xuống thất thường trong thời gian qua.

Tuấn Khanh
Ảnh: Carscoops

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thua-lo-tai-hang-loat-thi-truong-day-la-phao-cuu-sinh-cua-ford-post911439.html