Thua lỗ triền miên, WeWork hoài nghi về tương lai

WeWork, công ty cung cấp không gian làm việc chung lớn thứ hai thế giới, từng định giá 47 tỉ đô la Mỹ, lần đầu tiên cảnh báo rằng công ty 'hoài nghi đáng kể' về khả năng hoạt động liên tục. Kể từ lúc niêm yết cổ phiếu vào năm 2021, công ty vẫn chưa có lãi. Giá cổ phiếu của công ty giảm hơn 95% trong năm qua.

WeWork nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục khi lượng thành viên hủy thuê tăng và vẫn chưa có lãi kể từ khi niêm yết cổ phiếu. Ảnh: WeWork

Trong báo cáo thu nhập quí 2 vào cuối ngày 8-8, WeWork ghi nhận mức lỗ ròng 397 triệu đô la Mỹ, giảm so với mức lỗ 635 triệu đô la vào cùng kỳ năm ngoái. Trên cơ sở hợp nhất, không bao gồm các địa điểm ở Trung Quốc, Israel và Nam Phi, doanh thu của WeWork tăng 4% lên 844 triệu đô la trong quí 2. Kết quả kinh doanh này không đạt mục tiêu đặt ra vào 3 tháng trước đó.

David Tolley, CEO tạm quyền của WeWork kể từ khi Sandeep Mathrani từ chức CEO hồi tháng 5, đổ lỗi cho các điều kiện thị trường bất động sản và kinh tế đầy thách thức là nguyên nhân dẫn đến kết quả hoạt động yếu hơn dự kiến trong những tháng gần đây.

Ông nói: “Nguồn cung dư thừa của bất động sản thương mại, sự cạnh tranh ngày càng tăng trong không gian làm việc linh hoạt và biến động kinh tế vĩ mô khiến tỷ lệ thành viên thuê hàng tháng rời bỏ cao hơn và nhu cầu yếu hơn chúng tôi dự đoán”.

WeWork, có trụ sở ở New York, cho biết triển vọng của công ty phụ thuộc vào một loạt kế hoạch bao gồm tái cơ cấu hơn nữa và tìm kiếm thêm vốn trong 12 tháng tới.

Tuy nhiên, WeWork bày tỏ hoài nghi về các hoạt động kinh doanh trong tương lai.

“Cùng với tỷ lệ thành viên rời bỏ tăng và mức thanh khoản hiện tại, có sự nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Khả năng hoạt động liên tục của công ty phụ thuộc vào việc thực hiện thành công kế hoạch của ban lãnh đạo nhằm cải thiện tính thanh khoản trong 12 tháng tới”, thông báo của WeWork cho hay.

WeWork đã nỗ lực đại tu một mô hình kinh doanh tiêu tốn tiền mặt kể từ nỗ lực tiến hành chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thất bại vào năm 2019, dẫn đến sự ra đi của người đồng sáng lập Adam Neumann. WeWork đã hủy hoặc sửa đổi 590 hợp đồng thuê bất động sản, cắt giảm khoảng 12,7 tỉ đô la từ các cam kết thuê trong tương lai. Ông David Tolley nhấn mạnh WeWork sẽ tiếp tục nỗ lực tối ưu hóa danh mục bất động sản.

WeWork hiện có 512.000 thành viên thuê không gian làm việc tại 610 địa điểm ở 33 quốc gia. Số thành viên của WeWork giảm 3% so với năm trước và tỷ lệ lấp đầy trong các tòa nhà của công ty giảm từ 73% xuống 72%.

Cổ phiếu của WeWork, cuối cùng cũng được niêm yết vào năm 2021 bằng cách sáp nhập với một công ty mua lại vì mục đích đặc biệt (SPAC). Tuy nhiên, WeWork chứng kiến giá cổ phiếu giảm 95% trong năm qua và giảm gần 30% trong phiên giao dịch ngoài giờ hôm 8-8, xuống còn 14 cent. Trái phiếu đáo hạn năm 2025 của WeWork được giao dịch ở mức 34 cent so với mệnh giá một đô la.

Năm 2019, WeWork là công ty tư nhân nắm giữ nhiều văn phòng nhất ở Manhattan (New York) và London và quản lý hàng triệu mét vuông diện tích văn phòng ở hàng chục quốc gia. Lúc đó, công ty được định giá 47 tỉ đô la, trở thành một trong những công ty khởi nghiệp được đánh giá cao nhất ở Mỹ.

Rất ít công ty đã đạt được những đỉnh cao trong ngành của họ chỉ để rồi suy sụp một cách tồi tệ. WeWork được xây dựng dựa trên chủ nghĩa lý tưởng và sức hút của Neumann, người cùng với nhà thiết kế Miguel McKelvey sáng lập WeWork vào năm 2010. Tầm nhìn của họ là thuê các không gian văn phòng, rồi sau đó, phân nhỏ để cho các khách hàng khác thuê lại.

Giờ đây, WeWork cho biết khả năng hoạt động liên tục sẽ phụ thuộc vào một loạt các hành động, bao gồm đàm phán các hợp đồng thuê thuận lợi hơn, kiểm soát chi phí và tìm kiếm nguồn vốn mới thông qua phát hành nợ hoặc bán cổ phiếu hoặc tài sản.

Công ty vẫn chưa có lãi kể từ khi niêm yết cổ phiếu và phải vật lộn để ứng phó với những khó khăn trong lĩnh vực công nghệ, nơi mà tình trạng sa thải hàng loạt diễn ra khắp nơi trong năm qua.

Công ty cũng đã chứng kiến sự ra đi của các lãnh đạo cao cấp, bao gồm cả việc từ chức của CEO Sandeep Mathrani và Giám đốc tài chính Andre Fernandez trong năm nay. Mathrani là một nhà lãnh đạo doanh nghiệp kỳ cựu, nổi tiếng nhờ cứu thành công các công ty bất động sản gặp khó khăn.

Gần như ngay lập tức sau khi Mathrani gia nhập WeWork, các văn phòng trên toàn thế giới đã đóng cửa do đại dịch Covid-19, khiến mọi người rơi vào tình trạng phong tỏa kéo dài. Chỉ sau một đêm, ý tưởng đặt chân vào các không gian làm việc chung của WeWork trở nên kỳ quặc, thậm chí đáng sợ. Điều này khiến tỷ lệ lấp đầy của WeWork xuống mức thấp nhất là 46%. Quá trình phục hồi diễn ra chậm và phải mất hơn hai năm, các văn phòng của WeWork mới đạt tỷ lệ lấp đầy như cuối năm 2019.

Hồi tháng 3, WeWork đạt được thỏa thuận với một số chủ nợ lớn nhất và Tập đoàn SoftBank để cắt giảm khoản nợ khoảng 1,5 tỉ đô la và kéo dài ngày đáo hạn của một số khoản nợ để bảo toàn tiền mặt. Nhưng rồi vào tháng 5, sau ba năm làm việc, Mathrani đột ngột từ chức để chuyển sang làm việc tại Công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân Sycamore Partners, khiến WeWork không có người thay thế lâu dài.

Theo Financial Times, Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/thua-lo-trien-mien-wework-hoai-nghi-ve-tuong-lai/