'Thưa mẹ con đi' tròn trịa, văn minh nhưng chưa đủ sâu sắc

Bộ phim 'Thưa mẹ con đi' khai thác đề tài tình yêu đồng giới trong xã hội hiện đại. Tác phẩm có cái nhìn văn minh, thể hiện được nhiều khía cạnh tâm lý nhưng vẫn chưa đủ sâu sắc.

Thưa mẹ con đi có được sự vừa phải, chừng mực cùng một nỗ lực đáng trân trọng của nhà sản xuất khi chọn đề cập đến đề tài nhạy cảm với khán giả Việt Nam: Tình yêu đồng giới. Nhưng chừng ấy không đủ để làm nên một bộ phim hay.

Sự tròn trịa dễ thương

Chất liệu của bộ phim thú vị với câu chuyện của Văn (Lãnh Thanh) và Ian (Gia Huy) trong một chuyến trở về Việt Nam thăm gia đình Văn, sau nhiều năm học tập và lập nghiệp trên đất Mỹ. Tình yêu của hai chàng trai ở xứ ấy là câu chuyện rất bình thường. Nhưng ở miền quê này, trong căn nhà có văn hóa truyền thống mang nặng tính gia trưởng, tình yêu ấy không có cơ may nào được chấp nhận.

Thưa mẹ con đi bao gồm những câu chuyện xảy ra xung quanh mối tình của Văn và Ian.

Bộ phim không chỉ là sự kỳ vọng trên cả mong đợi của mẹ Văn (Hồng Đào) về đứa con duy nhất đã thành danh, sẽ sớm lập gia đình và cho ra đời một đứa cháu đích tôn mà còn là nỗi lo sợ của đứa em họ khi nghĩ Văn trở về để giành lấy hết của cải ông bà để lại. Hay còn là việc Văn và Ian phải trình bày thế nào để gia đình, thậm chí là cả họ hàng xung quanh thấu hiểu và đồng cảm cho câu chuyện của họ.

Thế nên, trong lòng nhân vật nào cũng có một cuộc chiến, nếu không là vì vật chất cũng là vì tinh thần hoặc sĩ diện của chính bản thân, dòng họ.

Thưa mẹ con đi có những cảnh hôn nhau để chiều chuộng fan về mặt cảm xúc. Có một bà nội lớn tuổi khi nhớ khi quên nhưng chấp nhận tình yêu vốn dĩ là tình yêu, không nên phân biệt là dị giới hay đồng giới. Và có một người mẹ đặc biệt, phải đối diện với một thử thách về lòng bao dung trong đời và phải tự vượt qua nó mà không thể nhờ vả vào ai.

Cho dù mượn đề tài tình yêu đồng tính để nói sâu về đề tài gia đình thì Thưa mẹ con đi vẫn xoay quanh một thông điệp chính là tình yêu thương: Tình yêu của những người trẻ vào đời và tình yêu của những người thân yêu trong gia đình.

Phim văn minh nhưng thiếu một chút sâu sắc

Từ những cảnh phim đầu tiên khi Văn và Ian trở về nhà, khán giả đã cảm nhận mẹ Văn là phụ nữ tinh tế. Cái cách bà quan sát và để ý sự khác lạ trong ánh mắt, cử chỉ của Văn và Ian dành cho nhau đủ để dấy lên trong lòng bà một suy nghĩ: “Có một điều gì đó khác thường ở tình cảm này”. Nhưng giữa việc nhận ra với việc chấp nhận tình cảm khác lạ của đứa con trai duy nhất lại là hai việc hoàn toàn tách biệt.

Vậy nên, khán giả như bị dội một gáo nước lạnh khi đối diện với cảnh phim mẹ Văn bắt ép anh phải bước lên sân khấu trong một bữa tiệc gia đình, nói cho mọi người biết kế hoạch lập gia đình và công việc trong tương lai.

Chi tiết ấy như phủ định sạch trơn những kỳ vọng của khán giả vào một người mẹ lờ mờ hiểu câu chuyện của con trai nhưng chưa thể chấp nhận. Nó không giống với cách bộ phim nhấn mạnh vào sự cố chấp của người mẹ.

Ngay từ đầu phim, nhân vật người mẹ của Hồng Đào đã nhận ra tình cảm khác thường của con trai và Ian.

Phân đoạn Văn chính thức nói ra nỗi lòng với mẹ trên chiếc giường nhỏ chật chội là nỗi tiếc nuối rất lớn của người viết bởi đây là phân đoạn có thể gây dấu ấn đậm nét cho khán giả. Văn chỉ cần im lặng, ngả đầu xuống gót chân của mẹ, lấy tay cào cào nhẹ vào lòng bàn chân ấy để giọt nước mắt cứ thế chảy ra trên gương mặt của Văn.

Còn mẹ Văn cũng cứ thế mà khóc, nước mắt chảy nhưng không thành tiếng. Một cú máy từ trên cao xuống, cả hai nhân vật đều đau đớn, một ngồi một nằm, nhưng họ không hề lẻ loi vì họ có sợi dây ràng buộc về huyết thống dù hiện tại họ như đang ở hai chiến tuyến của cảm xúc.

Phân cảnh buổi đêm Văn xuống đất nằm ngủ cùng Ian sau đó hẹn giờ điện thoại để thức dậy trước trời sáng, rồi Văn quay lại nằm trên giường vì sợ người thân phát hiện là chi tiết hay. Song sự lặp lại nhiều lần của chi tiết ấy vô hình trung trở nên nhàm chán.

Trong khi đó, hoàn toàn không có một cảnh phim nào có thể cho thấy Văn ngủ quên, đến khi thức dậy trời đã sáng hẳn khiến anh hoảng hốt vì không biết có ai trong nhà nhìn thấy cảnh hai người ôm nhau ngủ suốt đêm qua hay không.

Đoạn kết phim cũng là một đoạn kết không đủ “đã”, vì lẽ ra người mẹ đã có thể đeo chuỗi hạt lên cổ lúc tạm biệt Văn và Ian ở sân bay. Cái chuỗi hạt mà Ian tặng cho mẹ Văn như món quà ra mắt của “con dâu”.

Bà không cần nói ra. Chỉ cần Văn nhìn thấy chuỗi hạt ấy trên cổ mẹ cũng đủ hiểu mẹ đã chấp nhận mọi chuyện ở mức độ nào.

Chi tiết ấy nếu thực sự xuất hiện trong phim, sẽ có một chiều sâu cảm xúc hơn cả trăm câu thoại. Và nối tiếp chi tiết ấy, trên đường về, người mẹ có thể yêu cầu em rể dừng xe cho bà xuống, chọn đứng lại bên vệ đường, khóc để xả hết tất cả ấm ức lẫn kỳ vọng trong lòng mình rồi tự tay lau nước mắt, trở lại xe và mở cửa ngồi vào ghế tài xế.

Một hành trình mới của người mẹ cần biết lái xe để có thể đoàn tụ cùng con ở một xã hội khác, nơi cần nhiều sự độc lập và cởi mở hơn…

Tác phẩm tròn trịa, văn minh nhưng vẫn thiếu hụt một số chi tiết tạo chiều sâu.

Phần lớn cảnh phim trong Thưa mẹ con đi là cảnh nội, chính vì thế cần sự chau chuốt rất lớn từ phía hình ảnh cùng với đó là diễn tiến câu chuyện đủ lắt léo để khán giả đi từ bất ngờ này đến sự ngạc nhiên khác.

Tuy nhiên, diễn biến 45 phút đầu của bộ phim hơi "lê thê", ít nhiều làm cho khán giả trở nên chán nản một chút trước khi xuất hiện những trường đoạn khá ổn vào nửa cuối phim.

Lẽ ra Hồng Đào đã có một vai diễn xuất thần

Phim ảnh đề tài đồng tính trong bối cảnh hiện đại tại Việt Nam khiến phần lớn khán giả hay tập trung vào cảm xúc của tuyến nhân vật chính. Trong khi đó, mảng nhân vật phụ, những người tác động rất mạnh vào câu chuyện ấy để tạo nên thử thách cho câu chuyện tình lại dễ bị xem nhẹ.

Nhưng trong Thưa mẹ con đi thì hoàn toàn ngược lại xu hướng ấy. Nhân vật người mẹ do Hồng Đào thủ vai có thể xem là nhân vật quyết định nên sự sống còn của bộ phim.

Những khoảnh khắc khóc cười của nhân vật người mẹ đều làm khán giả tin vào số phận của người mẹ - một người có trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống của gia đình nhưng đến cuối phải chấp nhận sự thay đổi của đứa con trong một bối cảnh xã hội cần sự cởi mở.

Hồng Đào được xem là người quyết định sự sống còn của bộ phim Thưa mẹ con đi.

Nhưng như đã nói, nếu kịch bản và chính đạo diễn đủ sâu sắc và nhạy cảm để chăm chút thêm cho sự tinh tế của tâm lý người mẹ thì Hồng Đào đã có được một vai diễn để đời trong sự nghiệp điện ảnh của mình.

Với Lãnh Thanh và Gia Huy, cả hai đều ở mức tròn vai, trong khi tuyến nhân vật phụ còn lại với Lê Thiện, Hồng Ánh, Kiều Trinh, Thanh Tú, Hữu Nghĩa… đều là những “điểm nâng đỡ” hợp lý ở mảng gia đình.

Thưa mẹ con đi chỉ dừng lại ở mức là một phim trung bình khá, trong khi hoàn toàn có thể trở thành phim tốt mà không cần phải phụ thuộc quá nhiều vào kinh phí sản xuất hay thời gian thực hiện. Và để rút ngắn khoảng cách ấy, câu chuyện vẫn nằm ở yếu tố con người.

Chuyện đằng sau vai người mẹ của Hồng Đào trong 'Thưa mẹ con đi' Hồng Đào vốn không phải diễn viên có thói quen "thoại chậm", nhưng với "Thưa mẹ con" chị đã đồng ý với yêu cầu của đạo diễn để xây dựng hình ảnh người mẹ trầm lắng, tinh tế.

Phong Việt

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/thua-me-con-di-tron-tria-van-minh-nhung-chua-du-sau-sac-post982181.html