Thừa nhận hiếm của Mỹ về chương trình F-22 Raptor

Là tiêm kích tối tân nhất tại thời điểm ra đời nhưng F-22 Raptor đang dứng trước nguy cơ bị Không quân Mỹ loại biên sớm do hàng loạt vấn đề.

Theo National Interest, tiêm kích tàng hình F-22 Raptor là một trong những loại máy bay chiến đấu lợi hại nhất từng được chế tạo. Vấn đề của nó là thời gian phát triển kéo quá dài, mãi đến khi đối thủ chính của Mỹ là Liên Xô tan rã vài năm nó mới được đưa vào vận hành.

F-22 Raptor cũng bị coi là nạn nhân của hai cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan cũng như sự thiếu hụt một đối thủ xứng tầm đối với Mỹ đã biến một phi cơ chiến đấu có trị giá 300 triệu USD thành hàng thừa trong mắt các chính trị gia.

Tiêm kích tàng hình F-22.

Tiêm kích tàng hình F-22.

Khủng hoảng kinh tế toàn cầu cuối năm 2008 cũng là một nguyên nhân. Chương trình F-22 Raptor được phát triển từ đầu những năm 1980. Nhằm đảm bảo sức mạnh trên không, Không quân Mỹ đã bắt đầu tìm kiếm một loại máy bay thay thế F-15C, lúc đó là loại phi cơ chiến đấu hàng đầu của Mỹ.

Năm 1990, hai phiên bản máy bay YF-23 của hãng Northrop và YF-22 của Lockheed Martin đã được các quan chức thẩm định sau nhiều lần thử nghiệm, và YF-22 được chọn và trở thành F-22 Raptor ngày nay.

Theo kế hoạch, Không quân Mỹ tin họ sẽ chế tạo được 750 chiếc F-22 với chi phí ước tính khoảng 26,2 tỉ USD (tức 35 triệu USD mỗi chiếc). Đến năm 1990, khi Chiến tranh Lạnh gần như đã chấm dứt, chính phủ Bush cha đã cắt giảm số phi cơ sẽ được sản xuất xuống còn 648 chiếc.

Đến năm 1998 con số này chỉ còn là 339 chiếc, và năm 2003 là 277 chiếc. Đến năm 2009, số máy bay sẽ được sản xuất lại bị cắt xuống chỉ còn 187 chiếc và sau đó hoạt động sản xuất đã bị chấm dứt. Quá trình đưa máy bay vào sử dụng cũng rất dài.

Dự án phát triển F-22 được bắt đầu vào năm 1981, nhưng mãi đến năm 1990 máy bay mới cất cánh lần đầu tiên, và đến năm 2005 phi cơ này mới được coi là có thể được đưa vào sử dụng. Trong khi đó, F-15 chỉ mất 7 năm để phát triển, từ năm 1965 đến 1972 và có thể được triển khai vào năm 1976.

Chương trình F-22 mất hơn gấp đôi thời gian phát triển so với F-15. Trong khi đó Liên Xô (mục tiêu tác chiến của F-22) tan rã vào năm 1991, khiến lực lượng không quân nước này bị chia cắt thành nhiều phần thuộc về các nước mới được thành lập.

Những quốc gia này không có điều kiện để nâng cấp các phi cơ hiện có như MiG-29 và Su-30, và rất ít phi công vận hành các máy bay này có kinh nghiệm lâu năm trong những năm 1990. Điều này khiến các nhà sản xuất không vội vàng hoàn thiện F-22.

Thời gian phát triển quá lâu cũng khiến F-22 vô tình vướng vào một cuộc cạnh tranh với F-35. Với chí phí rẻ hơn và được nhiều quan chức coi là có nhiều khả năng mà F-22 đang có, chính nó là một trong những nguyên nhân mà cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ khi đó là Robert Gates đề xuất chấm dứt phát triển F-22.

Khi đó ông Gates dự đoán rằng Mỹ sẽ có 1.700 chiếc F-35 vào năm 2025, một con số mà này được coi là không thể đạt được sau hàng loạt vấn đề kỹ thuật và những chi phí phát sinh không lồ trong phát triển.

Đến năm 2008, Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau thời Đại suy thoái, khi GDP của Mỹ giảm 8% trong năm 2009, năm mà F-22 bị ngừng sản xuất. Cuộc khủng hoản này kéo dài đến năm 2010 và Mỹ vẫn đang phải khắc phục những hậu quả của nó.

Điều này khiến Mỹ càng tập trung vào những hiểm họa trước mắt và giảm bớt đầu tư vào các loại vũ khí của tương lai. Việc F-22 ngừng sản xuất đã giúp Mỹ có ngân sách để cung cấp cho những chương trình quan trọng khác.

Tuy quá trình sản xuất kéo dài và được coi là tiêm kích đắt đỏ nhất trong lịch sử không quân nhân loại nhưng hiệu quả chiến đấu của F-22 luôn bị nghi ngờ.

Khi được truyền thông Mỹ hỏi về F-22, Trung tướng Christopher Bogdan, Giám đốc dự án sản xuất F-35 đã gợi ý "hãy hỏi những phi công đã lái cả hai loại F-22 và F-35 để có câu trả lời chính xác nhất".

Vấn đề lớn nhất của chiếc F-22 chính là chi phí vận hành. Để một chiếc F-22 bay lượn trên bầu trời mỗi giờ, chi phí bỏ ra là quá lớn. Năm 2013, số liệu từ hệ thống Chi phí Không quân và Vận hành bay (AFCAP) đã công bố chi tiết về số tiền bỏ ra mỗi 60 phút trên trời, trong đó F-22 mất gần 70.000 USD.

Con số này hầu như đắt gấp đôi so với những chiếc máy bay như F-15 hay A-10. Trong khi đó, chi phí vận hành F-35 chỉ là 32.000 USD, khá rẻ so với tính năng kĩ chiến thuật của loại máy bay ưu việt này.

Với chi phí vận hành ở mức 32.000 đến 42.000USD một giờ, khi phi đội F-35 được tăng lên trong tương lai, các phi công quen dần với việc điều khiển F-35 thì số tiền chắc chắn sẽ hạ xuống. Dù con số này không thể rẻ hơn chiến đấu cơ F-16 ở mức 25.000 USD nhưng so với F-22 đã là một bước giảm đáng kể.

Một lí do nữa là F-35 có đội ngũ nhà máy hỗ trợ toàn diện hơn so với F-22 nên chi phí sản xuất hàng loạt máy bay này chắc chắn rẻ hơn sản xuất lại F-22. Bắt đầu được vận hành năm 2005 nhưng chỉ vài năm sau, dây chuyền sản xuất F-22 đã bị yêu cầu đóng cửa do chi phí quá cao. Chỉ có 187 chiếc F-22 được sản xuất trong khi con số dự kiến ban đầu là 750 chiếc.

Ngoài ra, công nghệ trên F-22 hiện cũng được coi là lạc hậu so với tốc độ phát triển hiện nay. Một trong những vấn đề lớn với F-22 là công tác bảo trì. Gần đây, một cựu chỉ huy không quân tiết lộ rằng, ông cùng các cộng sự từng gặp rắc rối trong việc tìm kiếm linh kiện chính xác cho F-22.

Nguyên nhân là vì dây chuyền chính đã đóng cửa, các công đoạn phụ khó lòng đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe trên chiếc tiêm kích này. Vấn đề lớn thứ 2 của F-22 là hệ thống điện tử. Ngay khi Không quân Mỹ chính thức đưa F-22 vào hoạt động năm 2005, hệ thống điện tử trên Raptor đã không còn phù hợp với thời đại.

Mặc dù là tiêm kích hiện đại nhất của Mỹ nhưng đáng buồn là máy tính trên chiến đấu cơ này lại là sản phẩm của thập niên 1990. Bộ vi xử lý của F-22 chỉ có tốc độ 25 Mhz, trong khi tốc độ vi xử lý của Iphone 6 lên đến 1,4 Ghz (gấp 56 lần).

Sở dĩ tiêm kích này dùng bộ vi xử lý kém là vì từ giai đoạn thiết kế đến sản xuất quá dài, trong khi công nghệ điện tử thay đổi một cách chóng mặt.

Bên cạnh đó, phần mềm điều khiển của F-22 rất khó nâng cấp, điều này lý giải tại sao việc tích hợp tên lửa AIM-9X và AIM-120D lại rất khó khăn. Vấn đề tiếp theo của F-22 là kết cấu khung thân. Thiết kế của Raptor bắt nguồn từ thập niên 1980, trong khi chiến đấu cơ này đã hoạt động tròn một thập kỷ.

Công nghệ tàng hình trên F-22 đã cũ, động cơ, hệ thống điện tử, kết cấu khung máy bay đã có một chặng đường phát triển dài kể từ khi dự an Raptor được khởi động.

Theo Trung tướng Christopher Bogdan, đây chính là những nguyên nhân làm xuất hiện những ý kiến cho F-22 nghỉ hưu để đầu tư vào mua sắm chiến đấu cơ khác hiệu quả và đa dụng hơn.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/quoc-phong/vu-khi/thua-nhan-hiem-cua-my-ve-chuong-trinh-f-22-raptor-3438876/