'Thừa nước đục thả câu'

Những ngày gần đây, báo chí và mạng xã hội quan tâm nhiều đến vụ việc đáng tiếc xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Nhiều luồng ý kiến trái chiều đã được đăng tải và đều trong trạng thái bức xúc, bất an. Bất luận thế nào, việc nhóm học sinh dồn cô giáo của mình vào góc phòng học để xỉ vả và tấn công, xúc phạm thân thể cô là điều không thể chấp nhận. Những học sinh này cần bị xử lý thật nghiêm khắc. Thậm chí có người còn yêu cầu đưa những thiếu niên này ra khỏi môi trường học đường. Lại có người nói 'tiên trách kỷ, hậu trách nhân'. Bản thân cô giáo có những lời nói và hành xử không xứng đáng với vị thế người thầy thì đó là cái giá đắt phải trả… Lỗi ở cô, lỗi ở trò, hay lỗi ở ngành giáo dục, của cả cộng đồng, mỗi người sẽ có cách lý giải riêng và ứng xử phù hợp. Điều đáng nói là từ vụ việc này, những kẻ thường săn tìm chuyện tiêu cực lại 'thừa nước đục thả câu', mượn chuyện không hay để xuyên tạc, nói xấu lãnh tụ.

Ngày 8-12, trang Chân trời mới Media - một trang tin chống cộng cực đoan đăng tải bài viết ngắn của Nguyễn Thông - cây bút chuyên cộng tác các trang tin thù địch với Việt Nam bằng những bài viết xuyên tạc. Ngoài các nhận xét tiêu cực như: “Xuống đáy rồi… Tất cả đều đã muộn, quá muộn, vô phương cứu chữa... Thuốc thánh cũng không chữa nổi…”, Nguyễn Thông không đưa ra được bất cứ ý kiến tích cực nào nhằm chấn chỉnh, cải thiện tình hình. Ngược lại, y còn “mượn gió bẻ măng”, chửi xéo chế độ và ngỗ ngược thể hiện sự bất kính với lãnh tụ: “Giờ thì thấy hệ quả của việc chê bai và tháo bỏ câu “Tiên học lễ, hậu học văn”, thay bằng “Sống, học tập, làm theo…” trong nhà trường. Và để “câu view”, trang Chân trời mới Media đã giật “status” cho bài viết của Nguyễn Thông: “Hệ quả của việc bỏ câu “Tiên học lễ, hậu học văn thay bằng “Sống, học tập, làm theo gương... trong nhà trường”.

Cần khẳng định: Đây là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động nhằm bôi nhọ, nói xấu lãnh tụ, phủ nhận các giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với việc xây dựng các hệ giá trị văn hóa, chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam thời kỳ mới. Dù năm 2021 từng có ý kiến đề nghị thay đổi câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” trong các trường học để thay thế bằng các câu khẩu hiệu khác phù hợp xu thế thời đại nhưng đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa hề có một quy định “cứng” nào trong các nhà trường, bắt buộc phải treo khẩu hiệu nào. Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tùy từng địa phương, trường học, mỗi trường có thể lựa chọn khẩu hiệu phù hợp hoặc theo hướng thực hiện những mặt còn khuyết, thiếu mà trường đó cần phấn đấu. Cụ thể ở cấp tiểu học, nhiều trường đã sử dụng những câu khẩu hiệu với nội dung giáo dục ý thức học tập, đạo đức, lối sống, giáo dục bảo vệ môi trường như: “Thầy mẫu mực - Trò chăm ngoan - Trường khang trang - Lớp thân thiện”; “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”; “Thầy cô mẫu mực, học sinh tích cực”; “Tất cả vì học sinh thân yêu”… Bậc THCS thì có những câu khẩu hiệu: “Thi đua dạy tốt - học tốt”; “Đoàn kết, kỷ cương, giúp nhau cùng tiến bộ”… Với các trường chuyên nghiệp thì các câu khẩu hiệu phải phù hợp đặc thù đào tạo ngành nghề; đồng thời thể hiện được các nội dung về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và mục tiêu lập nghiệp của học sinh, sinh viên.

Câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” cho đến nay vẫn không có gì sai. Nhưng nếu trường học nào, bậc học nào cũng chỉ treo mỗi câu “Tiên học lễ, hậu học văn” thì quả là không phù hợp, bởi đây là sản phẩm của nền giáo dục nho giáo, phục vụ mục tiêu đào tạo người thừa hành, mà đòi hỏi cao nhất là người dưới phải phục tùng và giữ “lễ” với người trên. Trong khi muốn xây dựng một xã hội phát triển thì phải có những con người sáng tạo, chủ động và có tư duy phản biện. Còn câu khẩu hiệu “Sống, học tập, làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là tuyên truyền, cổ động về đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, không bắt buộc treo tại các trường học nhưng cũng không phải là không được treo!

Chuyện “bới bèo ra bọ” hay “thừa nước đục thả câu” mà những kẻ cơ hội chính trị, phản động như Nguyễn Thông, trang Chân trời mới Media đã và đang làm là chuyện muôn thuở của những kẻ chống phá. Không chỉ lợi dụng, khai thác những câu chuyện, hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội để hạ thấp uy tín, bôi nhọ Đảng, lãnh tụ, đả phá chế độ, bằng chiêu thức tỏ ra đồng cảm, đồng tình với những đối tượng yếu thế trong xã hội, họ cố tình tỏ ra thân thiện, tiếp cận, cổ xúy cho các phát ngôn, hành vi sai trái của những người đang bất đồng ý kiến hoặc bất đồng về quyền lợi với tổ chức, đoàn thể, rộng ra là với chính quyền, Nhà nước. Nhiều người từ việc kiện tụng cá nhân kéo dài, được những kẻ cơ hội chính trị hỗ trợ tài chính, tư vấn pháp luật theo hướng lợi dụng vụ việc để “bé xé ra to”, chẳng bao lâu trở thành “dân oan” chuyên nghiệp. Điều nguy hiểm là từ những vụ việc đơn lẻ, những cá nhân cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, họ đánh đồng, quy thành bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam, bản chất của chế độ một đảng lãnh đạo toàn diện. Rồi từ việc chê bai, quy kết các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta đã bị mục ruỗng, họ tuyên truyền, cổ xúy các giá trị văn hóa phương Tây, đề cao chủ nghĩa cá nhân, lối sống vị kỉ. Họ lập các kênh hoặc một số trang mạng xã hội để truyền bá các sản phẩm văn hóa độc hại. Đồng thời khai thác triệt để các hiện tượng tiêu cực, nhất thời để lừa bịp những người thường quan tâm về chính trị và dẫn dắt họ bằng luận điệu chống phá đất nước. Vì thế, mỗi người dân, mỗi bạn đọc cần nêu cao tinh thần cảnh giác, đừng vì “bức xúc” trước những hiện tượng tiêu cực, cá nhân thoái hóa mà vô tình cổ xúy, chia sẻ những luận điệu chống phá đất nước của các thế lực thù địch.

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/152140/thua-nuoc-duc-tha-cau