Thừa phát lại: Có sinh phải có dưỡng

Sau nhiều năm xem xét, tính toán, mô hình thừa phát lại (TPL) đã được thực hiện thí điểm tại TP.HCM và đây là lý do ra đời của năm văn phòng TPL đầu tiên.

Theo Nghị định 61/2009, TPL có bốn nhiệm vụ: tống đạt các văn bản của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án. Để đảm bảo cho TPL làm được những việc mà trước giờ tòa án, các cơ quan thi hành án - vừa có cả bộ máy nhân sự, vừa có đầy quyền lực - vẫn làm nhưng không phải lúc nào cũng suôn sẻ, nghị định trên quy định khá chi tiết quyền hạn của TPL. Tương ứng là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các yêu cầu của TPL. Chẳng hạn, khi TPL xác minh điều kiện thi hành án thì những người liên quan phải cung cấp thông tin cho TPL. Trong trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy động lực lượng bảo vệ, văn phòng TPL được quyền đề nghị thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự TP.HCM xem xét, ra quyết định cưỡng chế thi hành án và phê duyệt kế hoạch cưỡng chế thi hành án… Nguyên tắc là vậy nhưng thực tế triển khai dễ, khó thế nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là sự hợp tác, hỗ trợ của các cơ quan liên quan. Chẳng hạn, với cách quản lý còn thủ công như hiện nay, ngay cả chấp hành viên đôi lúc cũng trần ai với việc xác định tình trạng pháp lý của bất động sản. Hầu như họ phải lệ thuộc hoàn toàn vào sự tích cực hỗ trợ thông tin từ phía các cơ quan quản lý. Vậy nên mới lo ngại tuy Nghị định 61 minh định “TPL có quyền như chấp hành viên” nhưng nếu các cơ quan chức năng vẫn chưa “chấp nhận” TPL thì hoạt động này cũng khó bề xuôi chèo mát mái. Nghị định 61 khẳng định “cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối trái pháp luật yêu cầu của TPL thì phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại nếu có”. Cụm từ “trái pháp luật” nghe đơn giản vậy nhưng áp vào từng trường hợp để quy trách nhiệm thì lại không đơn giản. Ví như việc chậm cung cấp thông tin, chậm ra quyết định cưỡng chế… cũng là một dạng từ chối có thời gian và có thể gây thiệt hại nhưng chưa hẳn là trái pháp luật. Chính vì thế, điều mọi người mong mỏi lúc này chính là cơ chế để các cơ quan hữu quan hỗ trợ TPL hoạt động hiệu quả theo hướng có sinh phải có dưỡng, giúp các tranh chấp của người dân được giải quyết nhanh chóng, chính xác; hạn chế số bản án nằm trên giấy. THU TÂM

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20100528121159102p0c1013/thua-phat-lai-co-sinh-phai-co-duong.htm