Thừa Thiên - Huế: Công bố hết dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đã được khống chế hoàn toàn, không xuất hiện thêm những ổ dịch mới trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng và lập chốt ngăn chặn sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi tại xã Phong Sơn (huyện Phong Điền). Ảnh: Hải Huế.

Sau 2 tháng dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, ngày 13/5, thông tin từ Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, dịch tả lợn Châu Phi đã được khống chế hoàn toàn, không xuất hiện thêm những ổ dịch mới.

Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã có biên bản thẩm định về việc công bố hết dịch tả lợn Châu Phi tại xã Phong Sơn và công bố hết vùng bị dịch tả lợn Châu Phi uy hiếp ở các xã Phong Xuân và Phong An của huyện Phong Điền.

Trước đó, từ ngày 16 đến 22/3, tại xã Phong Sơn xảy ra 2 ổ dịch tả lợn Châu Phi tại hộ ông Tạ Hồng Uẩn (thôn Hiền An) và trại chăn nuôi lợn rừng của Khu du lịch Nước khoáng Thanh Tân (thôn Công Thành). UBND huyện Phong Điền phối hợp với ngành chức năng đã tiêu hủy 52 con lợn, trong đó có 5 con lợn nái và 47 con lợn rừng.

Tiếp đó, ngày 10/4, huyện Phong Điền ghi nhận thêm một ổ dịch tả lợn Châu Phi khác tại cơ sở chăn nuôi lợn quy mô lớn của gia đình ông Nguyễn Khóa (thôn Thanh Tân, xã Phong Sơn). UBND huyện Phong Điền đã chỉ đạo ngành thú y huyện tiến hành tiêu hủy 19 con lợn bị nhiễm bệnh; Đồng thời, tiến hành phun hóa chất, rải vôi bột tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi của hộ gia đình này và vùng lân cận.

Theo Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế, sau khi công bố hết dịch, các hoạt động chăn nuôi, thú y, giết mổ, vận chuyển tiêu thụ, chế biến trên địa bàn các xã ảnh hưởng bởi dịch được hoạt động trở lại bình thường.

Tuy nhiên, các phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phong Điền và các đơn vị có liên quan phối hợp với UBND các xã ảnh hưởng bởi dịch bệnh cần theo dõi chặt chẽ quá trình chăn nuôi, quản lý chặt chẽ đàn lợn, thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng, giám sát, báo cáo, xử lý kịp thời các trường hợp có lợn mắc bệnh phát sinh.

Đồng thời, các địa phương bị ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi cần thực hiện các biện pháp để phục hồi sản xuất chăn nuôi sau dịch bệnh.

P.V

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thua-thien--hue-cong-bo-het-dich-ta-lon-chau-phi-post61783.html