Thừa Thiên Huế: Dân vùng lũ được hỗ trợ nhà ở phòng tránh thiên tai

Nhiều hộ dân khó khăn tại Thừa Thiên Huế đã và đang được hỗ trợ xây nhà phòng tránh thiên tai. Điều này chính là giải pháp tăng khả năng chống chịu, giúp người dân vùng ven biển, cận ven biển thích ứng với những mối nguy hiểm từ biến đổi khí hậu...

Đó là thành quả của Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (Dự án GCF); do Quỹ khí hậu xanh tài trợ không hoàn lại thông qua Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP).

Căn nhà của bà Nguyễn Thị Thí (xã Điền Môn) sau khi được hỗ trợ và xây dựng xong

Yên tâm hơn trong mùa mưa bão

Vừa qua, việc triển khai Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ (CTNO48) gặp nhiều khó khăn, Thủ tướng đã cho phép tiếp tục gia hạn triển khai chương trình CTNO48 kéo dài thêm 4 năm (2018-2021) đối với Thừa Thiên Huế. Với nguồn hỗ trợ từ CTNO48, cộng với sự hỗ trợ từ GCF (1.700 USD/hộ), vốn vay các hộ nghèo vững tâm hơn trong mùa mưa bão.

Dự án triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế gồm 2 hợp phần: hợp phần I về xây dựng nhà ở và hợp phần III về quản lý hệ thống thông tin rủi ro thiên tai. Trong đó, hợp phần I bổ sung những tính năng thiết kế chống chịu bão, lụt cho 581 ngôi nhà với tổng kinh phí hỗ trợ trên 66 triệu đồng/hộ cho các địa phương ven biển, cận ven biển tại các tỉnh Thừa Thiên Huế.

Trước những lợi ích to lớn mà dự án đem lại cho bà con nhân dân khó khăn vùng ven biển, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung thực hiện và đạt được nhiều kết quả nhất định.

Chính thức khởi động cuối năm 2017, theo đại diện Ban quản lý dự án thì tính đến đầu tháng 11 này, toàn tỉnh có 143 nhà đã khởi công, trong đó 110 nhà hoàn thành được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Tiến độ giải ngân cũng được đẩy mạnh, trong đó nguồn vốn chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung (QĐ48) đã chi trả cho 84 hộ; nguồn vốn từ GCF chi trả cho 137 hộ xong phần móng và giải ngân hoàn thành xong phần nhà cho 55 hộ. Riêng vốn vay từ Ngân hàng chính sách xã hội có 108/115 hộ có nhu cầu vay đã được cấp vốn, chiếm tỷ lệ 93,91%...

Lãnh đạo các địa phương cho hay, quá trình triển khai, lãnh đạo cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ các hộ già neo đơn không có khả năng tự giám sát quá trình xây dựng. Phân công cán bộ, đoàn thể theo dõi từng nhà, làm việc với các cơ sở vật liệu xây dựng, chủ thầu xây dựng để hộ nghèo có thể mua nợ vật liệu, nhân công chờ vốn giải ngân mới tiến hành chi trả vì thế tiến độ triển khai rất nhanh.

Tại những căn nhà được hỗ trợ từ dự án sẽ được thiết kế gác tránh lũ

Nhiều hộ dân được hỗ trợ tỏ ra rất vui mừng vì có được nơi trú ẩn an toàn, nhất là mùa mưa bão khó lường. Bà Nguyễn Thị Don (87 tuổi, xã Điền Môn, huyện Phong Điền) chia sẻ bà là hộ già neo đơn, chỉ sống trong căn nhà xập xệ, dột nát. “Ngày trước nhà tôi hễ mưa là dột. Cách đây 10 năm nhà nước hỗ trợ xây dựng cho gia đình căn nhà tình thương che mưa che nắng. Giờ lại nhận được hỗ trợ từ dự án xây dựng cho căn nhà khang trang, tránh bão, tránh lũ, tôi vui và biết ơn lắm”- bà Don nói.

Cũng như bà Don, bà Nguyễn Thị Thí (xã Điền Môn) đã già yếu, mất sức lao động và là hộ nghèo. Không đủ tiền xây nhà tránh lụt ở vùng thấp trũng, vào mùa mưa, gia đình bà Thí phải đến ở nhờ nhà người khác. Với sự hỗ trợ của dự án GCF, bà Thí được hỗ trợ xây dựng căn nhà có sàn vượt lũ theo thiết kế mẫu của Sở Xây dựng...

Ông Phan Cảnh Dũng (xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền) chia sẻ: “Bản thân vốn tật nguyền, kinh tế gia đình rất khó khăn nên mơ ước căn nhà để tránh lụt, bão là điều không thể. Nhận hỗ trợ từ dự án GCF, người thân góp sức thêm chúng tôi mới có một căn nhà khang trang, an toàn. Tôi rất mong có nhiều gia đình nữa sẽ được đón nhận niềm hạnh phúc như gia đình tôi”.

Nỗ lực vì người dân

Theo ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, việc biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến địa phương, vì vậy sự hỗ trợ của UNDP thông qua dự án GCF tại tỉnh Thừa Thiên Huế là rất thiết thực. Dự án đã góp phần hỗ trợ người dân rất lớn trong việc chống chịu với các tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam, nhất là hỗ trợ bà con nhân dân xây dựng nhà ở chống chịu bão, lụt...

Đại diện Dự án GCF bàn giao nhà cho các hộ nghèo tại Thừa Thiên Huế

Nói về những khó khăn trong việc thực hiện dự án, ông Nguyễn Phước Bửu Hùng- Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho hay tiến độ giải ngân nguồn 48 còn chậm vì vậy chưa thể chi trả đợt 2 cho hộ dân từ nguồn kinh phí hỗ trợ của UNDP.

“Theo thống kê, hiện số hộ xin rút không thực hiện dự án khá lớn là 69 hộ. Cụ thể Quảng Điền 11, Hương Trà 6, Phú Vang 17 và Phú Lộc 35. Một số hộ già cả, neo đơn không dám vay ngân hàng vì lo không đủ khả năng chi trả sau thời gian ân hạn nên thiếu kinh phí xây dựng nhà ở. Một số trường hợp hộ đã thoát nghèo nhưng không đảm bảo các tiêu chí theo Công văn số 121/BXD-QLN ngày 13/6/2018 nên không thể triển khai thực hiện; một số trường hợp gia đình chưa đồng thuận và một số trường hợp hiện chưa có quỹ đất để xây nhà...”- ông Hùng thông tin.

Ông Trương Minh Thông - Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Vang cho rằng, do thời gian thực hiện chương trình dài nên có sự biến động về hiện trạng nhà ở và đối tượng hộ nghèo so với khảo sát ban đầu dẫn đến các hộ không đủ điều kiện để đăng ký tham gia dự án GCF. Hiện các hộ già cả, neo đơn, ốm đau, bệnh tật được xếp ưu tiên thực hiện trước nhưng nhiều hộ không có khả năng để thực hiện dẫn đến việc điều chỉnh, bổ sung thay thế mất nhiều thời gian. Đây là dự án lớn, mức hỗ trợ cao, nhiều xã không trong diện nhận hỗ trợ cũng mong được tham gia dự án, đề nghị ban quản lý dự án có hướng đề xuất mở rộng đối tượng hưởng lợi.

Được biết, đầu tháng 11 vừa qua, Đoàn công tác của UNDP và Dự án GCF do bà Akiko Fujii- Phó Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình thực hiện Dự án GCF.

Bà Akiko Fujii nhận định Thừa Thiên Huế là địa phương nằm dọc theo bờ biển Việt Nam và thường bị ảnh hưởng bởi bão và lũ lụt; xây dựng những ngôi nhà an toàn chính là giải pháp tăng khả năng chống chịu, giúp người dân vùng ven biển, cận ven biển thích ứng với những mối nguy hiểm từ biến đổi khí hậu.

“Tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc và nỗ lực của cán bộ phụ trách Chương trình 48 và GCF tại các xã, huyện và chính quyền các cấp, đặc biệt là chính quyền cấp xã trong công tác tuyên truyền vận động và giám sát thực hiện xây dựng nhà ở cho người nghèo. Tuy nhiên, để dự án thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, địa phương cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ chia sẻ khó khăn với người dân nhất là những hộ già, neo đơn trong công tác xây dựng, thiết kế, thi công nhà. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế cần sớm xây dựng kế hoạch triển khai dự án năm 2019 nhằm đảm bảo tiến độ đề ra...”- bà Fujii nhấn mạnh.

Văn Dinh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/xa-hoi/thua-thien-hue-dan-vung-lu-duoc-ho-tro-nha-o-phong-tranh-thien-tai-1261695.html