Thừa Thiên Huế đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động

Sau Tết Giáp Thìn 2024, nhiều doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế có nhu cầu tuyển dụng số lượng nhân công lớn với các vị trí việc làm phù hợp, mở ra nhiều cơ hội cho lao động trên địa bàn. Địa phương vận dụng các cơ chế, chính sách, hỗ trợ người lao động học nghề, chuyển đổi việc làm phù hợp, bảo đảm ổn định đời sống.

Gần 7 năm làm việc tại Công ty Cổ Phần Chăn Nuôi C.P. Việt Nam tại Huế, năm 2023, Công ty gặp khó khăn, anh Lê Liễn, trú tại xã Điền Hòa, huyện Phong Điền nằm trong diện cắt giảm lao động. Sau một thời gian thất nghiệp, anh đang tìm kiếm việc làm mới. Anh Liễn cho biết, tôi muốn tìm công việc phù hợp với mình.

Lao động ở Thừa Thiên Huế tìm kiếm việc làm

“Tôi làm việc tại Công ty của C.P nuôi tôm thôi, nhưng họ làm ăn không có hiệu quả thì họ cắt giảm. Ở dưới đó khu vực gần nhà thì chẳng có công ty chi cả, chỉ có trên khu công nghiệp Phong Điền mới có. Nhu cầu thì với điều kiện cũng gần nhà mình một chút, với hơn nữa là làm đúng khả năng của mình. Mình là lao động tự do thì có việc gì, họ cần việc gì thì mình làm việc đó”- anh Liễn nói.

Điều tra của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho thấy, chuyển dịch lao động theo trình độ kỹ năng của địa phương còn chậm và năng suất lao động vẫn ở mức thấp. Các nhóm nghề có trình độ kỹ năng thấp như nhân viên dịch vụ, bán hàng, bảo vệ… chiếm hơn 76% tổng số lao động có việc làm. Nguyên nhân do nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, chuyên môn tay nghề chưa cao, chưa làm chủ được công nghệ so với lao động trong khu vực. Để thu hút lao động ở lại địa phương làm việc, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẵn sàng tuyển dụng lao động có tay nghề. Ông Lê Văn Luận, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế cho biết: Đơn vị đã liên kết với với hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để có hướng đào tạo phù hợp, đáp ứng nhu cầu công việc của người lao động.

Người lao động tìm việc làm tại Sàn giao dịch việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế

Ông Luận cho biết: “Chúng tôi hợp tác doanh nghiệp trên tinh thần win-win, tức là cả hai bên đều có sự đóng góp, hưởng lợi. Doanh nghiệp thì cung cấp cho chúng tôi những môi trường tốt trong đào tạo. Chúng tôi cũng có những hình thức đưa sinh viên đến doanh nghiệp để thực tập và thông qua thực tập này, sau khi ra trường thì doanh nghiệp sử dụng lao động từ nguồn đào tạo tại trường”.

Trung tâm Dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức “Tháng giao dịch việc làm” diễn ra từ ngày 1/2 đến 29/2 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến có sự tham gia của 41 đơn vị tuyển dụng, với 9.000 vị trí việc làm trong, ngoài tỉnh và đi làm việc ở nước ngoài. Tháng giao dịch việc làm tại Sàn giao dịch việc làm tỉnh ở số 12 đường Phan Chu Trinh, thành phố Huế hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm. Ông Nguyễn Duy Thông, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 11.000 người lao động bị mất việc. Trong năm nay, nhiều doanh nghiệp lớn tuyển dụng lao động làm việc tại địa phương, mở ra cơ hội việc làm phù hợp cho các lao động đang thất nghiệp hoặc chưa có việc làm ổn định.

“Một số ngành đầu năm 2024 này có sự khởi sắc, đó là ngành dệt may. Hiện nay thì ngành dệt may qua thông tin chúng tôi đã khảo sát thì nhiều đơn vị đã có đơn hàng xuyên suốt cả năm. Nhiều đơn vị có nhu cầu tuyển dụng lớn như Scavi, nhu cầu tuyển dụng trên 2.000 việc làm, HBI trên 1800 việc làm, Vinatex tuyển trên 1500 việc làm và một số lĩnh vực khác như cầu tuyển dụng nhiều vị trí lao động”- ông Thông nói.

Tuyển dụng lao động sau Tết Giáp Thìn ở Thừa Thiên Huế

Hiện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đang phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát lại số lượng lao động còn thất nghiệp, đồng thời tuyên truyền và hỗ trợ để những lao động này mạnh dạn tiếp cận với cơ hội việc làm trên địa bàn tỉnh. Ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong năm 2024, tỉnh cố gắng giải quyết khoảng 17.000 việc làm cho người lao động trên địa bàn.

“Công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được triển khai đồng bộ bởi 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình nông thôn mới, Chương trình phát trển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trọng tâm trong năm 2024 là tập trung đào tạo nghề và giải quyết công ăn việc làm. Làm sao đó, người dân có công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, đặc biệt có thu nhập cao để đảm bảo công tác xóa đói giảm nghèo cũng như phát triển quê hương”- ông Phúc nói.

Lê Hiếu/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thua-thien-hue-day-manh-giai-quyet-viec-lam-cho-nguoi-lao-dong-post1078551.vov