THỪA THIÊN - HUẾ: Khu tái định cư Lịch Đợi - phải đợi đến bao giờ?

Thực hiện chủ trương xây dựng, chỉnh trang đô thị, đưa TP Huế đến gần hơn thành phố trực thuộc Trung ương, ngày 29.12.2006, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế thống nhất xây dựng Khu tái định cư Lịch Đợi phục vụ chủ yếu cho người dân phường Phường Đúc và xã Xuân Thủy thuộc TP Huế. Dự án được triển khai từ đó đến nay nhưng vẫn gặp nhiều bế tắc trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng như xây dựng cơ bản (XDCB). Nhóm phóng viên ĐS&PL đã có cuộc mục sở thị dự án và ghi lại những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bế tắc trên.

Quy trình, thủ tục... ngược Ngày 29.12.2006, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Quyết định số 3012/QĐ - UBND phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu tái định cư Lịch Đợi. Quyết định này hầu như bỏ ngỏ, bất khả thi. Vì sau đó gần 2 năm, ngày 22.8.2008, UBND tỉnh lại có tiếp Quyết định số 1885/QĐ - UBND phê duyệt dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu tái định cư Lịch Đợi giai đoạn I mà không hề nhắc đến nội dung của quyết định tổng thể trước đó. Theo Quyết định 1885 thì quy mô đầu tư dự án là: 13.235 triệu đồng trên diện tích 18ha; chủ đầu tư được giao cho Ban đầu tư xây dựng giao thông thuộc Sở GT - VT Thừa Thiên - Huế. Đây là dự án nhằm chỉnh trang đô thị và phục vụ mặt bằng khai thông mặt bằng phía Nam cầu đường bộ Bạch Hổ qua Sông Hương. Trên cơ sở Quyết định 1885, ngày 31.3.2009, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 683/QĐ - UBND thu hồi 20.447,7m2 đất tại xã Xuân Thủy và phường Phường Đúc. Trong số đó có 19.330m2 đất do các hộ gia đình đang sử dụng làm đất ở và sinh hoạt. Điều lạ thay, khi cả 2 quyết định 1885 và 683 chưa được khai sinh, nhưng trước đó, ngày 18.8.2008 UBND TP Huế đã có Quyết định số 1839 phê duyệt phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Và trước đó nữa, ngày 8.7.2008, Ban Đầu tư - Xây dựng đã có Thông báo số 438 thông báo về việc thực hiện dự án này. Phải chăng cả UBND TP Huế và Ban ĐT - XD biết trước sự ra đời của Quyết định 1885 nên đã đi tắt, đón đầu(!?). Cũng may là sau khi ban hành văn bản họ đã không công khai và gửi đến tận tay người dân mà chỉ "bỏ túi" để làm căn cứ pháp lý đối phó khi nhân dân yêu cầu đến trình tự, thủ tục. Người dân xã Xuân Thủy và phường Phường Đúc chỉ biết sơ qua về dự án thông qua một cuộc họp dân vào ngày 30.9.2008. Và sau cái ngày gặp dân ấy, mọi việc về triển khai dự án như trầm lắng xuống. Anh Nguyễn Mạnh Tràng trú tại Phường Đúc cho hay: "Chúng tôi cứ tưởng dự án đã ngưng hoặc hủy bỏ nên cứ yên tâm sinh hoạt bình thường. Ai ngờ dự án lại vẫn tiếp tục". Đến hơn 1 năm sau (tháng 10.2009), người dân vô tình thấy biểu giá đền bù GPMB treo tại UBND xã và phường theo Quyết định 1597 của UBND TP Huế. Người dân đồng loạt phản ứng, viết đơn kiến nghị lên các cấp. Thấy đuối lý, ngày 9.11.2009, UBND TP Huế lại ban hành Quyết định 2720 điều chỉnh, bổ sung giá trị bồi thường. Dân bất bình Dự án 1 phần phục vụ cầu đường bộ Bạch Hổ Trên cơ sở Quyết định 5720, cuối năm 2009, Ban ĐT - XD đã ban hành nhiều văn bản gửi đến các hộ dân yêu cầu bàn giao mặt bằng, di chuyển đến nơi ở mới(?!). Hầu hết những hộ dân ở đây đều thuộc diện bị thu hồi hết đất ở và phải phá bỏ công trình nhà cửa, họ cùng có nguyện vọng được tái định cư tại chỗ (mua lại nhà hoặc bồi thường nhà ngay trong Khu tái định cư Lịch Đợi). Tuy nhiên, cho đến nay, hình thù của dự án vẫn còn nằm nguyên trên giấy. Thế là, người dân chỉ biết là họ sắp bị đuổi đi còn nơi đến thì chưa rõ ràng. Khi tiếp xúc với chúng tôi, những người dân bị ảnh hưởng tỏ ra rất bằng lòng và hưởng ứng chủ trương chỉnh trang đô thị, xây dựng khu tái định cư, thay thế những ngôi nhà đang ở thiếu quy hoạch. Nhưng điều mà họ đồng thuận phản ứng là dự án từ khi hình thành cho đến trong quá trình trên khai thiếu công khai, minh bạch. Người dân thiếu thông tin hoàn toàn về dự án. Ông Nguyễn Trung Thành trú tại 1A/1 đường Lịch Đợi (TP Huế) thẳng thắn: "Tôi là bộ đội về hưu, vợ là thương binh 4/4, tài sản lớn nhất hiện nay là ngôi nhà. Nay nhà nước có chủ trương thu hồi để chỉnh trang đô thị, gia đình tôi hoàn toàn đồng tình. Nhưng di dời đến đâu, đền bù thế nào là phải hợp lòng dân và đúng pháp luật. Còn ở đây, cán bộ họ làm việc tùy tiện, muốn đuổi dân ra khỏi nhà là đuổi, như thế là không được". Còn bà Nguyễn Thị Hà (75 tuổi) trú tại 54/38 đường Bùi Thị Xuân: "Gia đình bên cạnh có giấy CNQSDĐ được đền 700.000 đồng/m2. Còn gia đình tôi ở ổn định lâu dài, đến nay chưa có Giấy CNQSDĐ là lỗi của chính quyền và chỉ được đền bù 38.000 đồng/m2. Rõ ràng họ không hiểu luật, làm việc tùy tiện. Hầu như họ không công khai gì cả". Do người dân yêu cầu nhiều lần, ngày 7.8.2009, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (gọi tắt là BTGPMB) TP.Huế mới tổ chức họp dân lần thứ 2. Tại cuộc họp này, đại diện Hội đồng BTGPMB cũng đã công khai xin lỗi người dân về cách làm vội vàng, không đúng quy trình của mình và yêu cầu các hộ dân có thắc mắc viết đơn và hứa sẽ xem xét, điều chỉnh. Khi đơn kiến nghị của các hộ dân chưa được trả lời thì ngày 24.12.2009, các hộ dân ở đây lại nhận được Công văn số 896/CV - ĐT&XDGT của Ban ĐT - XD (đơn vị được giao làm chủ đầu tư) yêu cầu các hộ dân nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng. Áp giá đền bù chưa hợp lý! Cho đến nay, gần hết quý I năm 2010, người dân ở Phường Đúc và Xuân Thủy vẫn chưa nhận được quyết định chính thức về việc thu hồi đất của họ, ngoại trừ Quyết định 683 thu hồi tổng thể toàn khu vực triển khai dự án. Thế nhưng Ban ĐT - XD lại có văn bản yêu cầu người dân đến nhận tiền đền bù theo biểu giá của năm 2009 và đe dọa sẽ tiến hành cưỡng chế nếu không chấp hành. Cho đến tại thời điểm này, tất cả người dân bị ảnh hưởng chưa nhận được bất kỳ quyền lợi nào liên quan. Vì vậy, họ yêu cầu UBND TP Huế phải thực hiện việc đền bù cho họ giá đất tại thời điểm hiện nay (năm 2010). Điều này hoàn toàn có cơ sở. Quyết định 683 là văn bản thu hồi đất tổng thể dự án chứ không phải là quyết định thu hồi cụ thể từng hộ dân nên không thể xem đó là thời điểm tính giá đất bồi thường. Nhưng nếu chủ đầu tư và Hội đồng ĐBGPMB vẫn xem đó quyết định duy nhất để lấy cơ sở tính thời điểm áp giá đền bù thì cũng trái với Nghị định 197/NĐ - CP của Chính phủ. Tại Mục a, Khoản 2, Điều 9 của nghị định này ghi rõ: "Bồi thường chậm do cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra mà giá đất tại thời điểm bồi thường do UBND cấp tỉnh công bố cao hơn giá đất tại thời điểm có quyết định thu hồi thì bồi thường theo giá đất tại thời điểm trả tiền bồi thường". Vì vậy, đến nay, sau 1 năm kể từ khi có quyết định thu hồi, người dân vẫn chưa được nhận tiền, đất và các quyền lợi khác là lỗi thuộc về Hội đồng BTGPMB, chủ đầu tư và UBND TP Huế. Việc chậm trễ này không thể quy cho người dân được. Như vậy, Hội đồng ĐBGPMB phải điều chỉnh lại giá đền bù theo giá đất năm 2010 mới phù hợp. Dự án triển khai chậm, công tác BTGPMB cũng chậm và người dân tiếp tục chờ đợi chủ trương đúng, chờ đợi một nơi ở mới ổn định. Đã gần 4 năm kể từ khi Quyết định 3012 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế ra đời, dự án vẫn còn nằm trên giấy. Phải chăng dự án chậm vì vốn nó đã mang cái tên không thể nhanh hơn được - Lịch Đợi? Xuân Hồng - Minh Long

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=3496&lang=vn&zone=22&zoneparent=0