Thừa Thiên-Huế làm thế nào để có thể là TP trực thuộc Trung ương?

'Tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án, nhất là các dự án trọng điểm' là một trong những vấn đề Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thừa Thiên-Huế chú trọng.

Mới đây, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thông tin, tỉnh này đã nhận được Thông báo kết luận số 3304/TB-TTKQH, thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại chuyến thăm, làm việc với tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày 17/8.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày 17/8.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm việc với tỉnh Thừa Thiên-Huế ngày 17/8.

Tại Thông Báo kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực, phấn đấu, phát huy lợi thế, đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của Cùng kinh tế trọng điểm miền Trung, cũng như cả nước.

Đồng thời, Thừa Thiên-Huế đang từng bước phát huy 4 Trung tâm văn hóa, du lịch; trung tâm y tế chuyên sâu; trung tâm khoa học – công nghệ và trung tâm giáo dục – đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước. Bên cạnh đó là các phong trào bảo vệ môi trường “Chủ nhật xanh”, “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần” được các tầng lớp Nhân dân tích cực hưởng ứng và là điểm sáng để các địa phương khác học tập...

Tuy nhiên, ngoài nhiều kết quả đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của Thừa Thiên-Huế khi chưa thực hiện được mục tiêu cơ bản đưa tỉnh này trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận số 48-KL/TW cả Bộ Chính trị.

Theo đó, quy mô nền kinh tế của tỉnh Thừa Thiên-Huế còn tương đối nhỏ, tốc độ tăng trưởng chưa cao; chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực công nghiệp- xây dựng còn khoảng chênh lớn so với mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, một số dự án trọng điểm của ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao nhưng chậm được đưa vào vận hành sản xuất; việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh còn chậm, có vị trí thấp so với địa phương khác trong vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung.

Không chỉ vậy, hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu tính đồng bộ, việc liên kết trong hình thành các tuyến du lịch vùng, liên vùng và khu vực còn chậm; việc phát triển Khu kinh tế ven biển Chân Mây-Lăng Cô chưa phát huy hiểu quả tiềm năng du lịch biển và gắn kết chặt chẽ với việc phát triển đô thị, dịch vụ du lịch tại Chân Mây- Lăng Cô.

Chưa hết, thu ngân sách của Thừa Thiên-Huế còn thấp, chưa đảm bảo tự cân đối ngân sách, cơ cấu nguồn thu chưa bền vững, tỉ trọng thu từ đất cao, trong khi thu từ khu vực kinh tế còn thấp; thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân chung của cả nước.

Một góc TP. Huế nhìn từ trên cao.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, Thừa Thiên-Huế là vùng đất có truyền thống văn hiến nhưng việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa tương xứng với tiềm năng, truyền thống; việc bảo tồn, tôn tạo di tích, di dời các hộ dân lấn chiếm di tích còn nhiều khó khăn, vướng mắc…

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế này, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cơ bản nhất trí với các giải pháp, nhiệm vụ của Đảng, Chính quyền mà tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định thời gian tới. Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Thừa Thiên-Huế chú trọng một số vấn đề như: Tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh. Tập trung tốt làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh…

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh Thừa Thiên-Huế cần chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế địa phương, trong đó cần nghiên cứu xây dựng chuỗi giá trị, chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị của nông sản thông qua chế biến sâu.

Nhiều dự án nằm trên đất "vàng" ở Huế nhiều năm vẫn chưa hoàn thiện. Ảnh: Dự án khu đất số A2 thuộc khu du lịch, thương mại Hùng Vương, phường Phú Hội (TP Huế) nhiều năm vẫn dậm chân tại chỗ.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án, nhất là các dự án trọng điểm. Song song việc có giải pháp nâng cao tính bền vững của nguồn thu nội địa, tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách…

Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng môi văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc và văn hóa Huế. Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch, cần chú trongh nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường hiệu quả các kỳ Festival Huế, quảng bá văn hóa Huế.

Tiếp tục triển khai tích cực và đồng bộ công tác bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc gia đình chính sách; cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo; phát huy vai trò của Đại học Huế trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và cả nước…

Lê Kông

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thua-thien-hue-lam-the-nao-de-co-the-la-tp-truc-thuoc-trung-uong-a448879.html