Thừa Thiên Huế: Nâng cao hiệu quả phòng, chống xâm hại trẻ em

Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; đồng thời thực hiện hành động quốc gia phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 - 2025, ngày 25/9/2020, Chủ tịch UBND tỉnh này đã ban hành Công văn yêu cầu các sở, ngành và các địa phương triển khai thực hiện.

Thừa Thiên Huế tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh theo đõi việc thống kê tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện Bộ chỉ tiêu thống kê về tình hình trẻ em và tình hình xâm hại trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Giao Sở chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan thống nhất nội dung, cung cấp tài liệu về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em nói chung, phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng; tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em các cấp. Hướng dẫn kiện toàn và ban hành qui chế hoạt động, nội dung hoạt động của các Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp; phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra các địa phương đẩy mạnh công tác bảo vệ trẻ em cấp xã và hoạt động nhóm cộng tác viên làm công tác trẻ em tại thôn, tổ, bản.

Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em trong lĩnh vực giáo dục. Lưu ý nội dung hướng dẫn học sinh sử dụng mạng internet an toàn, hiệu quả, lồng ghép đưa nội dung này trong chương trình giáo dục tin học; tăng cường tuyên truyền kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho học sinh, chú trọng nhóm học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, học sinh trường nội trú, bán trú, nhóm học sinh có nguy cơ bị xâm hại;

Các Sở Thông tin và Truyền thông, Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch, Sở Y tế, Tư Pháp, xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phòng, chống xâm hại trẻ em theo lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công

Công an tỉnh tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng ngừa nghiệp vụ, tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố về các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Đồng thời, duy trì và nâng cao hiệu quả mô hình "Phòng điều tra thân thiện"; bảo đảm tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với các vụ xâm hại trẻ em đạt 100%, tỷ lệ giải quyết đạt trên 95%; 100% các vụ có dấu hiệu tội phạm phải được khởi tố để điều tra theo quy định của pháp luật; kiềm chế và kéo giảm từ 5% đến 7% các tội phạm xâm hại trẻ em.

UBND thành phố Huế, các thị xã và các huyện tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, các nội dung, chương trình, kế hoạch về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh xây dựng Quy chế phối hợp về công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Tòa án nhân dân tỉnh bảo đảm xét xử kịp thời, đúng người, đúng tội, áp dụng hình phạt nghiêm minh với người phạm tội xâm hại trẻ em.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tăng cường giám sát, phản biện trong việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em ngay tại địa bàn dân cư.

THẢO VI

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thua-thien-hue-nang-cao-hieu-qua-phong-chong-xam-hai-tre-em-20200926104630672.htm