Thừa Thiên Huế: Nâng cao nghiệp vụ thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng

Với việc Pháp lệnh ưu đãi người có công (NCC) với cách mạng (Pháp lệnh 04) được sửa đổi, bổ sung, mở rộng điều kiện xác nhận đối tượng và nhiều chế độ mới, công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, viên chức trực tiếp thực hiện Pháp lệnh là rất quan trọng. Vi vậy, trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã rất chú trọng đến công tác này, qua đó thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với NCC và thân nhân của họ.

Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ chính sách ưu đãi NCC với cách mạng do Sở LĐ – TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức

Sáng 22/10, Sở LĐ – TB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội nghị Tập huấn nghiệp vụ chính sách ưu đãi NCC với cách mạng. Đối tượng tham gia tập huấn là các cán bộ, viên chức trực tiếp thực hiện Pháp lệnh 04 tại các xã, phường, thị trấn và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Ông Hồ Dần – Phó Giám đốc Sở LĐ – TB&XH Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay toàn tỉnh có khối lượng hồ sơ NCC với cách mạng khá lớn, với trên 110.000 hồ sơ các loại. Trong 5 năm qua, với sự quan tâm của các cấp Ủy, chính quyền các cấp và của toàn xã hội, công tác tổ chức thực hiện Pháp lệnh 04 trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCC; mặt khác, đưa chính sách ưu đãi, chăm sóc NCC đến với người dân, tạo sự đồng thuận lớn trong xã hội.

Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế có 9 huyện, thị xã, thành phố và 152 xã, phường, thị trấn. Để thực hiện công tác ưu đãi NCC với cách mạng, từ cấp Sở đến cấp Phòng, xã đã quan tâm bố trí cán bộ chuyên trách thụ lý, theo dõi, tổng hợp, giải quyết hồ sơ đối với NCC.

Tuy nhiên, Pháp lệnh 04 được sửa đổi, bổ sung, mở rộng them nhiều điều kiện xác nhận đối tượng và nhiều chế độ mới đối với NCC với cách mạng và thân nhân. Vì vậy, khối lượng công việc từ hướng dẫn, thụ lý, giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận NCC và hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ liên quan là rất lớn. Theo số liệu thống kê, hàng năm, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có trên 7.000 hồ sơ; có thời gian cao điểm (năm 2014), đã tiếp nhận đến 15.039 hồ sơ các loại.

Bên cạnh đó, công tác chăm sóc đời sống NCC, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” cũng được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện. Do đó, những cán bộ, viên chức trực tiếp thực hiện Pháp lệnh 04 phải cật lực mới hoàn thành công việc được giao.

Qua đánh giá của Sở LĐ – TB&XH Thừa Thiên Huế, nhìn chung, các chế độ, chính sách đã được triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định của Nhà nước: chi trả chế độ kịp thời, đúng và đủ; việc xác nhận, công nhận mới theo đúng quy trình, đảm bảo sự chặt chẽ, công khai, dân chủ. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được phối hợp triển khai, thu hút toàn dân tham gia và phát triển sâu rộng.

Thừa Thiên Huế đã triển khai thực hiện tốt công tác ưu đãi NCC với cách mạng

Tuy nhiên, do khối lượng công việc, nội dung về chế độ chính sách ưu đãi NCC rất lớn, nhiều văn bản mới ban hành, sửa đổi, bổ sung, trong quá trình triển khai, các cán bộ vừa phải nghiên cứu, vừa thực hiện để kịp thời gian, đảm bảo chế độ chính sách cho đối tượng thụ hưởng. Trong khi đó, công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ có nơi, có lúc chưa được tổ chức định kỳ. Do đó, đội ngũ cán bộ, viên chức thực hiện công tác ưu đãi NCC chưa nắm bắt sâu rộng các nội dung văn bản, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách và xử lý hồ sơ.

“Vì vậy, công tác bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, các nội dung về chế độ chính sách quy định tại Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn thi hành cho đội ngũ cán bộ, viên chức thực hiện là hết sức quan trọng.

Từ đó công tác tổ chức triển khai thưc Pháp lệnh đạt hiệu quả hơn, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCC”, ông Dần khẳng định.

THẢO VI

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/nang-cao-nghiep-vu-thuc-hien-chinh-sach-uu-dai-ncc-voi-cach-mang-d83740.html