Thừa Thiên Huế phấn đấu tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm

Trước những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ động, quyết liệt, sáng tạo, tập trung phòng, chống dịch bệnh và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Trong 6 tháng cuối năm Thừa Thiên Huế phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đó là nhấn mạnh của ông Lê Trương Lưu – UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII khai mạc ngày 14/7 tại TP.Huế.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Lê Trương Lưu – nhấn mạnh: Bước vào năm 2020, Thừa Thiên Huế thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện đặc biệt khó khăn, chưa từng có trong tiền lệ; dịch Covid-19 bùng phát và nhanh chóng trở thành đại dịch, tác động tiêu cực đến mọi hoạt động kinh tế xã hội của toàn cầu và Việt Nam.

Trước những khó khăn, thách thức đó, tỉnh đã chủ động, quyết liệt, sáng tạo, tập trung phòng, chống dịch bệnh và triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Ông Lê Trương Lưu – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế

Ông Lê Trương Lưu – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế

“ Với trách nhiệm của mình, trong cương vị công tác và với thực tiễn cuộc sống, tôi đề nghị các vị đại biểu nghiên cứu, phân tích thấu đáo, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, khách quan tình hình kinh tế xã hội của tỉnh hiện nay, trên cơ sở đó đưa ra phương hướng, giải pháp hữu hiệu, sát với yêu cầu của tỉnh nhằm sớm phục hồi, phát triển kinh tế xã hội ổn định sau đại dịch Covid-19, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất”- ông Lưu nhấn mạnh.

Phát biểu tại kỳ họp, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - cho biết: Năm 2020 là năm cuối cùng triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt quyết định thành công thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan rộng đã tác động, ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng; trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, nhất là tác động trực tiếp đến du lịch, thương mại vận tải, xuất nhập khẩu,…

Ông Thọ cho rằng, với sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu và quyết tâm cao của các cấp, các ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân, Tỉnh vừa tập trung triển khai nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 vừa tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội trên tất cả các ngành, lĩnh vực cụ thể.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ phát biểu tại kỳ họp

Báo cáo về tình hình thực hiện KT- XH 6 tháng đầu năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ - cho biết: Tổng sản phẩm trong tỉnh – GRDP, ước đạt 14.595 tỷ đồng, chiếm 43,56% kế hoạch, tăng 0,38% so với cùng kỳ; đạt ở mức trung bình so với các tỉnh/thành trong vùng duyên hải miền Trung.

Đóng góp của các ngành, lĩnh vực như sau: Lĩnh vực dịch vụ chịu tác động nặng nề nhất, tăng trưởng âm 2,26%, nhất là ngành du lịch; lượng khách quốc tế giảm 48,4%, khách nội địa giảm 43% so với cùng kỳ; doanh thu từ du lịch giảm 41,2%; hầu hết các doanh nghiệp du lịch, vận tải... ngừng hoạt động từ tháng 2 đến tháng 4.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đạt thấp 3,05% so với cùng kỳ; từ đầu năm đến nay chưa có dự án mới đi vào hoạt động. Một số sản phẩm chủ lực đều giảm do thiếu nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, ảnh hưởng đến một số đơn hàng xuất khẩu vào thị trường chính EU, Mỹ; sản lượng bia giảm 1,8% so với cùng kỳ; sản lượng điện sản xuất giảm 23,22% do lượng mưa thấp.

Về sản xuất nông nghiệp, mặc dù chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, thời tiết diễn biến bất thường; song sản xuất nông, lâm, thủy sản vẫn tăng trưởng 0,84% so với cùng kỳ. Đây là nỗ lực lớn của ngành nông nghiệp trong công tác chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp; chăn nuôi gia súc được phục hồi, sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tăng, kinh tế lâm nghiệp có bước phát triển.

Tuy vậy, vẫn có những điểm sáng như thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 4.015 tỷ đồng, bằng 53% dự toán và tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 2020, có 500 doanh nghiệp và cơ sở trực thuộc thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 5.000 tỷ đồng, tăng 1,6 lần về vốn so với cùng kỳ…

“Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng năm 2020 có thể đạt cao nhất 3,8%, do đó 6 tháng cuối năm GRDP phải đạt 6,8%, đây là một thách thức lớn trong khi tỉnh chưa thể đón khách nước ngoài trở lại. Cùng với đó, các yếu tố tăng trưởng từ phía doanh nghiệp chưa có thay đổi lớn; tình hình thời tiết diễn biến phức tạp có thể ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện… Do đó, cần phải có những đánh giá đầy đủ, phân tích rõ hơn những yếu tố góp phần tăng trưởng kinh tế…” ông Phan Ngọc Thọ phân tích.

Hầu Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thua-thien-hue-phan-dau-tang-truong-kinh-te-trong-6-thang-cuoi-nam-140373.html