Thừa Thiên Huế tăng cường bảo vệ nguồn thủy sản ở đầm phá

Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong vụ cá Nam các lực lượng chức năng đã bắt và xử lý 41 trường hợp khai thác thủy sản trái phép trên đầm phá và ven biển, qua đó xử phạt 56,4 triệu đồng, tịch thu 24 bình điện, 20 kích điện và các ngư cụ vi phạm khác.

 Thừa Thiên Huế chú trọng triển khai quản lý thủy sản ở vung đầm phá dựa vào cộng đồng - Ảnh: Chinhphu.vn

Thừa Thiên Huế chú trọng triển khai quản lý thủy sản ở vung đầm phá dựa vào cộng đồng - Ảnh: Chinhphu.vn

Các chi hội nghề cá tỉnh cũng đã kịp thời ngăn chặn, bắt giữ bàn giao cho chính quyền địa phương xử lý 45 trường hợp khai thác thủy sản trái phép.

Đây là kết quả đáng khích lệ để khuyến khích cộng đồng nghề cá tham gia giám sát các hoạt động đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Tại vùng đầm phá, nhằm giảm áp lực khai thác thủy sản, từng bước phục hồi môi trường và nguồn lợi thủy sản, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch giải tỏa và sắp xếp lại nò sáo tại các huyện Phú Vang, Phong Điền, Phú Lộc và Quảng Điền, bước đầu được người dân ủng hộ và tình nguyện đăng ký để chuyển đổi nghề nghiệp tạo điều kiện tập trung hóa và sắp xếp lại sản xuất thủy sản trên đầm phá.

Nhờ những động thái tích cực của tỉnh trong quản lý môi trường và nguồn lợi thủy sản nên trong các năm trở lại đây số lượng tôm, cá ở đầm phá Tam Giang – Cầu Hai ngày càng tăng.

Đơn cử, trong vụ cá Nam vừa qua, ở vùng Tam Giang, đầm Thủy Tú, đầm Cầu Hai, ngư dân các xã Hương Phong, Phú Diên, Vinh Hưng, Vinh Giang, Vinh Hiền, Lộc Bình... được mùa cá giống (cá dìa, cá hồng, cá mú, cua) đáp ứng cho nhu cầu nuôi trồng của địa phương. Riêng các xã Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng An ngư dân được mùa cá kình, cá dìa, cá ong và tôm đất, thu nhập trung bình 1 tháng khoảng 15-20 triệu/ hộ/1 trộ nò sáo.

Đặc biệt trong ba ngày 13-15/9 ngư dân xã Điền Hải (nơi có Khu bảo vệ thủy sản) khai thác bằng nghề nò sáo đã thu được gần 2 tấn cá dìa (sản lượng lớn nhất từ trước đến nay), thu lại cho cộng đồng gần 300 triệu đồng.

Để triển khai quản lý thủy sản dựa vào cộng đồng - đồng quản lý nghề cá, hiện tỉnh đang triển khai hệ thống giấy phép cho tổ chức ngư dân được quyền khai thác thủy sản trên đầm phá, cho đến nay toàn tỉnh đã cấp 12 quyền đánh cá cho 6 cộng đồng nghề cá, là các chi hội nghề cá cơ sở.

UBND tỉnh cũng đã quyết định thành lập 2 khu bảo vệ thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, nâng số khu bảo vệ thủy sản trên toàn tỉnh là lên 6 khu, thu hút nhiều tổ chức quan tâm hỗ trợ.

Thế Phong

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/thua-thien-hue-tang-cuong-bao-ve-nguon-thuy-san-o-dam-pha/201110/101407.vgp