Thuần Mang bộn bề khó khăn sau mưa lũ

Chúng tôi đến xã Thuần Mang (Ngân Sơn), một trong những 'rốn mưa' trong đợt mưa đầu tháng 5 vừa qua, chứng kiến nhiều nhà cửa, hoa màu và tài sản của người dân các thôn, bản bị hư hại nặng. Công tác khắc phục hậu quả chắc chắn chưa thể hoàn thành trong ngày một, ngày hai.

Vẫn còn chưa hết nỗi sợ hãi khi nghĩ đến đêm mưa hôm đó, chị Bàn Thị Sâm- thôn Nà Chúa kể lại: "Trong đêm, tôi chỉ kịp bế đứa con chạy ra khỏi nhà khi thấy mưa to, sấm chớp, nước bắt đầu tràn vào nhà. Không kịp mang theo đồ dùng gì, đến khi trời sáng quay về nhà thì đã bị trôi hết 9 bao thóc, con lợn cũng bị trôi cách nhà hơn chục mét, đồ dùng trong nhà ướt hết; hơn 3.000m2 đất ruộng cũng bị vùi lấp hoàn toàn. May còn sót lại 3 bao thóc, hai con trâu".

Năm nay 61 tuổi, bà Đặng Thị Sinh- thôn Nà Chúa chia sẻ rằng chưa chứng kiến cảnh mưa lũ tàn phá nặng như thế này bao giờ. Gia đình có 4.000m2 đất ruộng đang trồng cây thuốc lá mới được thu 3 lần, vừa đủ trả tiền phân bón đã ứng trước đó với công ty nhưng đã bị mưa lũ vùi lấp hết. Gia đình 6 nhân khẩu chỉ trông chờ nguồn thu chính từ vụ thuốc lá này, nhưng giờ thì mất hết. "Gia đình tôi chưa biết sẽ phải khắc phục thế nào, vụ lúa năm nay không cấy được vì có thể không có nước, kênh mương đã bị vùi lấp hết rồi. Gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, chúng tôi mong muốn được Nhà nước hỗ trợ phần nào để thuê máy xúc gạt đất, đá tiếp tục canh tác, sản xuất".

Có nhà cũng không dám về ở là hoàn cảnh của gia đình chị Đặng Thị Liều. Sau đợt mưa lũ, hiện chị đang ở nhờ tại trường học. Chị Liều cho biết: "Nhà ngay cạnh ta-luy cao, nhiều năm nay không sao nhưng đêm hôm đó mưa to liên tục, nghe tiếng động ầm vang, cả nhà tôi chạy ra ngoài kịp thì đất đá sạt xuống xung quanh nhà". Ngôi nhà gỗ lợp phibro xi măng của gia đình chị được làm nhiều năm, đã bắt đầu xuống cấp. Thuộc diện hộ nghèo, việc làm nhà mới chị chưa dám nghĩ đến. Năm ngoái chị mạnh dạn vay mượn được hơn 12 triệu đồng để mua chiếc máy cày, mới sử dụng được một vụ, một phần tiền còn đang nợ. Vậy nhưng lũ cuốn trôi, tìm lại được chỉ còn bánh xe và một ít linh kiện không hoàn chỉnh. Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cũng bị vùi hết, khó khăn chồng chất khó khăn.

Nhà cửa không bị ảnh hưởng nhưng gia đình ông Nông Văn Cự, thôn Khu Chợ bị mất trắng hơn 3 tạ cá, 2 tạ ốc nhồi khi chuẩn bị được xuất bán. Ông Cự bộc bạch: "Nuôi được 7 tháng, cá chép có con 6 – 7 lạng, dự kiến chục ngày nữa tháo bán để trả tiền giống, thức ăn thế mà không kịp. Mất trắng hơn 40 triệu đồng, chưa kể diện tích 3.500m2 đất sản xuất bị vùi lấp. Gia đình tôi đang thuê máy xúc khơi thông dòng chảy, san mặt bằng lại tiếp tục thả cá vài năm, vì hiện ruộng toàn đá không thể trồng lúa. Dự kiến sẽ mất khoảng 25 triệu đồng để khắc phục. Gia đình còn 1.000m2 đất ruộng, không biết có cấy lúa được vụ này không, vì kênh mương đã bị lũ phá hỏng hết".

Trận mưa lũ đêm 13/5 đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân xã Thuần Mang, nhiều thôn vùng cao bị cô lập do sạt lở, đường giao thông bị hỏng. Con đường lên thôn Khau Thốc, Nà Coóc năm 2019 được đầu tư bê tông hóa từ nguồn vốn của Chương trình 30a với tổng số tiền hơn 9 tỷ đồng, dài 7km. Thế nhưng chỉ sau một đêm bị hư hỏng nặng với gần 100 điểm sạt lở, mỗi điểm ước khoảng 1.500m3 đất đá. Đây là con đường lên thôn của 24 hộ đồng bào dân tộc Dao, Mông và 100% là hộ nghèo.

Năm 2022, xã Thuần Mang đặt ra mục tiêu hoàn thành tiêu chí giao thông trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Nhưng với sự tàn phá của trận mưa lũ vừa qua, xã phải đối mặt với một lộ trình mới đầy gian nan, khi hầu hết đường lên các thôn đều bị ảnh hưởng hoặc sạt lở. Đường giao thông bị hư hại nặng khiến việc “thoát nghèo” càng gian nan hơn.

Theo thống kê của xã, thì đợt mưa lũ này làm 03 người bị thương; 38 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó 03 nhà bị hỏng hoàn toàn, chưa kể nhà bếp, chuồng trại; riêng diện tích đất trồng hoa màu có hơn 28ha bị vùi lấp; sạt lở tại 9 tuyến đường, gây ách tắc giao thông; vùi lấp và gãy 9 kênh mương…. Việc khắc phục hậu quả đang là “bài toán” khó đối với chính quyền và Nhân dân xã Thuần Mang, khi hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn 60% dân số.

Ông Đào Việt Hưng- Bí thư Đảng ủy xã Thuần Mang cho biết: Địa phương huy động lực lượng, người dân nhanh chóng dọn dẹp nhà cửa; thống kê cụ thể mức độ thiệt hại để báo cáo cơ quan chức năng, từ đó có giải pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, với mức độ thiệt hại nặng về diện tích đất nông nghiệp bị vùi lấp, kênh mương hỏng hóc... người dân sẽ không kịp cấy lúa vụ hè thu; giao thông liên thôn sạt lở với khối lượng đất đá nhiều, nguồn lực để khắc phục là rất lớn. Địa phương mong muốn các cấp, ngành cùng chung tay giúp người dân xã Thuần Mang khắc phục hậu quả sau mưa bão để sớm ổn định cuộc sống, tiếp tục sản xuất, nhất là đảm bảo an ninh lương thực./.

Hình ảnh thiệt hại do mưa lũ tại xã Thuần Mang:

Sạt lở làm mất hiện trạng đường giao thông. (Trong ảnh: Cán bộ xã Thuần Mang đi thống kê thiệt hại).

Đường lên thôn Nà Coóc bị sạt lở.

Hà Nhung

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202205/thuan-mang-bon-be-kho-khan-sau-mua-lu-4bd18c1/