'Thuận thiên' là chỉ đạo sáng suốt

Nhiều ý kiến độc giả, người dân gửi đến Cổng TTĐT Chính phủ bày tỏ niềm tin với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt, sáng tạo của Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân, ĐBSCL sẽ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ cảm nhận về tình cảm mà các đại biểu, cũng như người dân theo dõi trực tuyến Hội nghị hôm nay, dành cho ĐBSCL thân thương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Sáng 13/3, Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu được phát trực tiếp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, fanpage Thông tin Chính phủ, truyền hình VTC và truyền hình của 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và truyền hình TPHCM.

Trên fanpage Thông tin Chính phủ, chương trình truyền hình trực tuyến và các bài viết xung quanh Hội nghị đã thu hút hàng trăm nghìn lượt tiếp cận, tương tác, bình luận, chia sẻ.

Các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ Nghị quyết 120 về phát biển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu - một nghị quyết chứa đầy tâm huyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với bà con ĐBSCL. Đồng thời gửi lời cảm ơn tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã luôn quan tâm đến vùng đất “chín rồng”.

Trong đó, nhiều ý kiến bày tỏ hết sức tâm đắc với 8G mà Thủ tướng đúc kết “GIAO, GIÁO, GIANG, GẮN, GIÀU, GIỎI, GIÀ, GIỚI" đã cho thấy tầm nhìn của Chính phủ, Thủ tướng, khát vọng và trăn trở, lăn lộn cho sự phát triển mọi mặt nền kinh tế.

Tài khoản facebook Thành Hoàng chia sẻ: “Qua theo dõi chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn biến đổi khí hậu cho ĐBSCL từ 2017 đến nay, tôi thấy “Thuận thiên” là chỉ đạo quá đúng, quá sáng suốt, từ đó ĐBSCL không những hạn chế được ngập mặn mà còn tăng năng suất, chất lượng lúa gạo, trái cây, hải sản… Mặt khác, việc Chính phủ đang ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cho ĐBSCL sẽ tiếp tục là cơ sở, động lực thúc đẩy vùng đất này phát triển nhanh hơn trong 10 năm tới.

“Tầm nhìn phải rất xa của Chính phủ cùng cá nhân của Thủ tướng là rất cần thiết. Nếu không, chúng ta sẽ trở tay không kịp với biến đổi khí hậu toàn cầu và nạn sông Mekong bị xây dựng quá nhiều thủy điện. Chính phủ chủ động lo xa, mới lôi kéo các nhà khoa học vào cuộc. Hằng năm phải có Hội nghị này, để khai thác mọi tiềm năng trí tuệ của các nhà khoa học và quản lý xã hội quan tâm đến ĐBSCL cho trước mắt và lâu dài. Hơn nữa chúng ta có thể tận dụng kinh nghiệm của Hà Lan đã sống dưới mức nước biển nhiều năm rồi. Hy vọng nước mình sẽ chiến thắng, như chiến thắng chống dịch COVID-19 hơn một năm qua”, tài khoản facebook Nguyễn Kim chia sẻ.

Tài khoản facebook Alpenlie Bông: “Giao hòa với thiên nhiên, con người ta lại dạt dào cảm xúc. Tận dụng tốt "vaccine" sẵn có, để tự trỗi dậy, vươn vai vượt chính mình, vượt thiên nhiên”.

Tài khoản facebook Hoa Quỳnh: “Ngoài phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật thì Đảng và Chính phủ không quên lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc gắn với bảo vệ di sản văn hóa, môi trường thiên nhiên”.

Nhiều ý kiến cũng bày tỏ đến sự quan tâm về cơ sở hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL. Tài khoản facebook Nguyễn Văn Hiếu chia sẻ: “Mong muốn Chính phủ nói chung và Bộ GTVT nói riêng tiếp tục ưu tiên đầu tư hơn nữa vào cơ sở hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL hơn nữa, để khu vực này có thêm động lực phát triển đúng với tiềm năng rất lớn của nó, cũng là góp phần vào sự phát triển mạnh của đất nước trong những năm tới”.

“Đà Nẵng đã phát triển mạnh mẽ và nổi tiếng với những cây cầu. Hy vọng những nhịp cầu sẽ bắt nhịp cho kinh tế miền tây phát triển vượt bậc trong thời gian tới”, tài khoản Trần Khải Hội chia sẻ.

“Tiềm năng vùng ĐBSCL còn rất lớn, hy vọng hạ tầng kết nối với TPHCM thông suốt để vùng này sớm cất cánh”, tài khoản facebook Peter Trần nên ý kiến.

Bày tỏ về ý kiến về phát triển du lịch và bảo vệ môi trường, tài khoản facebook Hoang Ngoc Huy: “Nước Việt Nam ta hệ thống kênh rạch nhiều, nên tận dụng kết hợp làm du lịch, trang trí cho những căn nhà dọc tuyến kênh nhiều màu sắc, kết hợp với xây dựng những bờ kè sạch đẹp kết hợp bảo vệ môi trường rồi từ đó kết hợp với du lịch”.

Ngoài ra cũng nhiều ý kiến mong Thủ tướng và các cơ quan có thể đẩy mạnh hơn nữa sự phát triển của mô hình 4 nhà; mong Chính phủ khuyến khích sử dụng vật liệu tái sinh là mộc như mây, tre, gáo dừa…

Kết luận tại Hội nghị sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong một thập niên qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, huy động nhiều nguồn lực để phát triển ĐBSCL trong bối cảnh vùng được dự báo chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Nghị quyết 120 của Chính phủ cũng trên tinh thần ấy. Không chỉ đơn thuần là phát triển kinh tế, những giải pháp trong những năm qua còn thể hiện tình cảm, trách nhiệm của đồng bào cả nước với ĐBSCL.

Thủ tướng cảm nhận được tình cảm mà các đại biểu, cũng như người dân theo dõi trực tuyến Hội nghị hôm nay, dành cho ĐBSCL thân thương.

Đồng thời qua kênh truyền hình trực tuyến do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với các đơn vị tổ chức để tường thuật trực tiếp Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ cũng gửi lời cảm ơn đến người dân miền Tây đã cần cù lao động, làm ra các sản phẩm nông sản, bảo đảm an ninh lương thực cho Việt Nam và một phần thế giới.

Hoàng Giang

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/thoi-su/thuan-thien-la-chi-dao-sang-suot/425712.vgp