Thực chất phía sau những con số tăng trưởng là gì?

Thời gian vừa qua, các chỉ số thống kê cho thấy đều tăng như GDP tăng trưởng 6,98% trong 9 tháng, xuất khẩu tăng 7,4% trong 10 tháng, FDI tăng khoảng 26% (tính đến ngày 20/10)... và được đánh giá là mức độ tăng trưởng nhất thế giới. Tuy nhiên, những thống kê này chưa phản ánh đúng chất lượng của nền kinh tế mà phải nhìn thực chất đằng sau các con số đó là gì?

Nhiều rủi ro và bấp bênh

Đây là câu hỏi ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đặt ra tại Hội thảo “Động lực cho kinh tế Việt Nam: Góc nhìn và triển vọng” do Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 30/10 tại Hà Nội.

Theo ông Cung, tăng trưởng của nền kinh tế thời gian vừa qua đáng ghi nhận song thực chất của việc tăng trưởng đó đặt ra nhiều vấn đề phải quan tâm, nhất là trong việc tìm giải pháp duy trì động lực cải cách cho nền kinh tế. Như xuất khẩu tăng 7,6% nhưng nhìn vào cơ cấu thì cho thấy kim ngạch xuất khẩu rất bấp bênh và rủi ro rất lớn, bởi chủ yếu vào thị trường Hoa Kỳ.

Thực chất phía sau những con số tăng trưởng là gì?

Đây là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt gần 50 tỷ USD trong 10 tháng, tăng 26,6% so với cùng kỳ. Trong khi hai thị trường lớn khác là châu Âu giảm gần 2% (đạt hơn 34 tỷ USD), Trung Quốc giảm 2,9%, (đạt hơn 32 tỷ USD). “Hoa kỳ sẽ không để cho chúng ta tiếp tục như vậy đâu”, ông Cung cảnh báo.

Về đầu tư Nhà nước và FDI, theo ông Cung không còn là động lực tăng trưởng do giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, dù thống kê tăng 5,3% trong 10 tháng, đạt hơn 60% kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2018 lại thấp hơn vì giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm 2018 tăng 12,1%, đạt hơn 70% kế hoạch đặt ra.

Bên cạnh đó, đầu tư nước ngoài, có thể tăng 26% nhưng đó chỉ là tăng về dự án còn số vốn đăng ký mới lại giảm tới hơn 14%. Vốn đăng ký bổ sung cũng giảm hơn 16% song song với quy mô các dự án đầu tư nước ngoài trong 10 tháng cũng giảm. Và điều đáng nói là trong số 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong 10 tháng, không có các nước Hoa Kỳ và EU mà có Hàn Quốc (đứng đầu về danh sách đầu tư tại Việt Nam), Trung Quốc (đứng thứ 2 danh sách),... Trong khi các nước đó mới là những quốc gia có thể chuyển giao công nghệ hiệu quả. “Điều này khiến chúng ta phải nghi ngờ về chất lượng dự án FDI và cách thức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nếu không có FDI đến từ các nước như Hoa Kỳ, EU thì làm gì có chuyển giao công nghệ tốt?”, ông Cung đánh giá.

Tương tự, tiêu dùng nội địa cũng tăng nhưng ông Cung cho rằng sự tăng trưởng này chỉ trong thời gian ngắn hạn vì nhờ sự “cộng sinh” chính từ tăng trưởng nói chung chứ không phải tăng theo nhu cầu thực chất.

Phải cải cách kinh tế vĩ mô một cách mạnh mẽ

Để sự tăng trưởng kinh tế là thực chất và có thể lạc quan, ông Cung nhận định phải cải cách kinh tế vĩ mô một cách mạnh mẽ. “Những thứ cần bỏ phải bỏ, những thứ cần làm phải làm. Tất nhiên, cái gì bỏ, cái gì làm đều phải dựa trên những cơ sở khoa học, có bằng chứng rõ ràng. Chứ Việt Nam có một thực tế là cái gì cũng dùng dằng, không mang tính nhất quán. Chúng ta có luật thì cải cách, luật thì không; có luật giảm chi phí, nhưng luật lại tăng chi phí… Vì vậy phải xây dựng luật trên cơ sở khoa học nếu không, sẽ không bảo hộ được nền kinh tế trong nước và trở thành trói buộc cộng đồng doanh nghiệp”, ông Cung nói.

Phải cải cách thủ tục hành chính

Nhận định là “nút thắt”, là một trong những rào cản phát triển kinh tế, ông Cung cho rằng về thủ tục hành chính, phải bãi bỏ những quy định bất hợp lý, đơn giản hóa các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường… Và việc này không thể để các Bộ ngành tự làm mà phải lập một tổ công tác liên ngành làm độc lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng hoặc ít nhất là Phó Thủ tướng để giải quyết. Bởi thực tế hiện nay, theo ông Cung để các Bộ tự làm thì đó là môi trường đầy rẫy sự xin - cho, cho nên sẽ tạo ra một sản phẩm thỏa hiệp trong việc cải cách.

Để bức tranh kinh tế Việt Nam thêm những mảng sáng trong thời gian tới, ông Cung cũng kiến nghị, cần đẩy nhanh giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công bằng cách, các Bộ trưởng chuyên ngành trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thực hiện và giải ngân đối với các dự án trọng điểm quốc gia thuộc ngành mình; Tận dụng, thu hút cơ hội chuyển dịch dòng vốn và doanh nghiệp nước ngoài trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đặc biệt phải tạo được sự an tâm cho các nhà đầu tư.

“Theo tôi quan sát, nhiều nhà đầu tư không an tâm với những thay đổi chính sách hiện nay. Chúng ta cần lắng nghe, tiếp thu nghiêm túc ý kiến góp ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia để sửa đổi lại một số điều khoản liên quan đến giảm giờ làm, tăng giờ làm thêm, về cách tính lương đối với giờ làm thêm…, để không gây thêm khó khăn và làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp…”, ông Cung kiến nghị.

Tú Anh

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/thuc-chat-phia-sau-nhung-con-so-tang-truong-la-gi-554004.html