Thực chiến tệ hại khiến Pantsir-S1 đánh mất vai trò 'cận vệ' của S-400?

Từng được xem là 'cận vệ số 1' của hệ thống S-400 Triumf, tuy nhiên những gì tổ hợp tên lửa - pháo phòng không Pantsir-S1 thể hiện tại Syria rất dễ khiến nó đánh mất vị trí vào tay đối thủ cạnh tranh.

Hệ thống tên lửa - pháo phòng không tầm thấp Pantsir-S1 được các chuyên gia quân sự đánh giá có vai trò như một tổ hợp phòng thủ tầm cực gần (CIWS) dành cho chiến hạm nhưng triển khai trên mặt đất.

Sở dĩ có nhận định như trên là bởi các vũ khí của Pantsir-S1 như pháo 30 mm hay các tên lửa đánh chặn 57E6 được thiết kế tối ưu cho việc tiêu diệt vật thể lao thẳng vào nó.

Chính vì vậy, Pantsir-S1 đã được Quân đội Nga giao cho trọng trách là "cận vệ" của hệ thống phòng không tầm xa S-400 Triumf, chuyên tiêu diệt tên lửa hay máy bay bay thấp âm thầm xâm nhập trận địa.

Moskva tuyên bố rằng các tính năng của Pantsir-S1 là "Độc nhất vô nhị" và không có đối thủ, tuy nhiên thực tế tại chiến trường Syria đã cho thấy vũ khí này không được như kỳ vọng.

Trong một bài viết, Chuyên gia quân sự - Đại tá Viktor Murakhovsky đã cho biết Pantsir-S1 có màn thể hiện thất vọng tại Syria, khi radar của nó thường xuyên nhầm lẫn chim hải âu với UAV, ngoài ra còn rất hay bỏ lọt mục tiêu.

Không chỉ có vậy, tên lửa 57E6 cũng cho thấy xác suất trúng đích rất thấp khi phải chống lại máy bay không người lái tự chế, chỉ có 19% số tên lửa phóng ra đánh trúng mục tiêu.

Đối đầu với UAV tự chế còn như vậy thì dễ hiểu vì sao mới đây đã có thêm một tổ hợp Pantsir-S1 của Quân đội Syria bị UAV cảm tử Harop của Israel tiêu diệt bất chấp nó đã phóng tới 2 tên lửa 57E6 để đánh chặn.

Chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky còn cung cấp thêm thông tin cho biết trước màn thể hiện nghèo nàn của Pantsir-S1 tại Syria, Bộ Quốc phòng Nga đã phải cấp tốc "chữa cháy" bằng việc tăng cường hệ thống Tor-M2U.

Kể từ khi hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp Tor-M2U xuất hiện tại Syria, tình trạng hoang báo hay bỏ lọt mục tiêu đã được khắc phục một cách triệt để.

Không chỉ có vậy, trong khoảng thời gian từ tháng 4/2018 tới tháng 10/2018, Tor-M2U đã bắn rơi tổng cộng 80 mục tiêu với khoảng 100 tên lửa sử dụng, cùng thời gian đó Pantsir-S1 chỉ đạt tỷ lệ 19%.

Thống kê chỉ rõ, trong ngày 1/7/2018, Tor-M2U bắn rơi 4 UAV ở độ cao 3 km bằng 5 đạn tên lửa, còn Pantsir bắn rơi 3 UAV nhưng lại sử dụng tới 13 tên lửa.

Trong 1 tuần tiếp theo, Tor-M2U bắn rơi thêm 7 UAV bằng 9 tên lửa còn Pantsir-S1 chẳng hạ được chiếc nào. Trong nửa cuối tháng 7/2018, Tor-M2U tiếp tục diệt 7 UAV với 9 tên lửa, trong tháng 8/2018 là 8 UAV với 9 tên lửa.

Như vậy rõ ràng là hiệu suất tác chiến của Tor-M2U đã tỏ ra vượt trội Pantsir-S1 trên mọi chỉ số cơ bản, trước tình hình trên nhiều khả năng nó sẽ sớm thay thế Pantsir-S1 trong vai trò "cận vệ" của S-400.

Một thông tin đáng chú ý nữa đó là khi Ấn Độ tìm kiếm một tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp để triển khai bên cạnh những hệ thống S-400 sắp nhận thì ban đầu họ vẫn nghiêng về Pantsir-S1.

Nhưng rồi sau một thời gian đánh giá tính năng giữa các ứng viên thì New Delhi đã loại bỏ cả Pantsir-S1 lẫn Tunguska-M để quay sang lựa chọn Hybrid Biho của Hàn Quốc.

Sự quay lưng của Ấn Độ đối với Pantsir-S1 càng làm cho triển vọng của vũ khí này trở nên ảm đạm hơn, có lẽ nhà sản xuất phải nhanh chóng cho ra đời những phiên bản nâng cấp thì mới mong sớm lấy lại niềm tin từ khách hàng trong và ngoài nước Nga.

Theo Việt Dũng/anninhthudo.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/phong-su-anh/thuc-chien-te-hai-khien-pantsirs1-danh-mat-vai-tro-can-ve-cua-s400-302897.html