Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, 2 lần đánh chiếm Thái Nguyên

Ngày 15/3/1884, sau khi chiếm thành Bắc Ninh, Lữ đoàn 1 quân Pháp gồm 2.800 quân pháo binh và bộ binh, trong đó có 32 sĩ quan do Tướng Brie đơ Lislơ chỉ huy hành quân tiến đánh Thái Nguyên.

Ngày 1/9/1858, Liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc xâm lược Việt Nam. Đầu năm 1859, quân Pháp đánh chiếm Nam bộ, năm 1873, quân Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất. Năm 1882, Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai.

Ngày 25/8/1883, triều đình Huế và Cao ủy Pháp ký Hiệp ước Harmand, chính thức thừa nhận quyền bảo hộ của Pháp. Hiệp ước này không chỉ gây bất bình trong dân chúng, mà còn cả trong đội ngũ quan lại và quân đội triều đình nhà Nguyễn. Sau khi hạ thành Hà Nội và ký Hiệp ước Harmand, thực dân Pháp bắt tay vào bình định các tỉnh Bắc Kỳ.

Ngày 15/3/1884, sau khi chiếm thành Bắc Ninh, Lữ đoàn 1 quân Pháp gồm 2.800 quân pháo binh và bộ binh, trong đó có 32 sĩ quan do Tướng Brie đơ Lislơ chỉ huy hành quân tiến đánh Thái Nguyên. Ngày 17-3, Brie đơ Lislơ phái một đội quân gồm 2 đại đội lính Angiêri, một trung đội pháo do Tiểu đoàn trưởng Hesling dẫn đầu tiến trước đến Thái Nguyên. Chiều cùng ngày, sau khi đánh tan một toán lính Trung Quốc tại làng Đức Lân, đội quân của Hesling vượt sông Cầu vào phủ Phú Bình.

Sớm ngày 19-3, toàn bộ cánh quân của Brie đơ Lislơ hành quân lên tỉnh thành Thái Nguyên. 10 giờ sáng 19/3/1884, quân Pháp tiến cách thành Thái Nguyên 3km, Brie đơ Lislơra ra lệnh chuẩn bị tấn công thành theo kế hoạch.

Lúc đó, quân ta từ trong thành ra nghênh chiến, do chệnh lệch lực lượng, quân ta bị thiệt hại nặng, ngay trong ngày 19 thành Thái Nguyên thất thủ. Thành rơi vào tay giặc, nhân dân Thái Nguyên vẫn tiếp tục đấu tranh chống kẻ thù, đây là một trong những lý do chính khiến quân Pháp dù đã chiếm được thành nhưng vẫn chưa dám đóng quân tại đây. Ngày 21/3/1884, sau khi phá hủy thành Thái Nguyên, Pháp rút về Bắc Ninh.

Tháng 4-1884, một lần nữa quân Pháp quay lại Thái Nguyên. Ngày 16-4, đội quân gồm một đại đội lính người Việt và hai đại đội pháo binh Pháp do tư lệnh Râygaxơ chỉ huy từ Đa Phúc kéo lên Thái Nguyên. Khoảng 13 giờ quân Pháp kéo tới sát thành, các toán quân Cờ Đen, Cờ Vàng trong thành kéo ra chống cự. Cuộc chiến diễn ra trong vòng hơn 1 giờ. Thành Thái Nguyên lại bị Pháp chiếm, nhưng lần này Pháp cũng không ở lại lâu. Ngày 19-4, quân Pháp rút về Bắc Ninh, mãi tới ngày 10/5/1884, chúng mới chính thức đưa quân tới chiếm đóng thành Thái Nguyên.

Tuy nhiên, việc quân đội Pháp chiếm đóng thành Thái Nguyên không có nghĩa là chúng đã chiếm được toàn tỉnh Thái Nguyên. Trong nhiều năm tiếp theo, quân đội Pháp còn phải tiến hành nhiều hoạt động quân sự nhằm bình định các địa phương trong tỉnh. Trong quá trình bình định, quân đội thực dân xâm lược đã vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của nhân dân các dân tộc Thái Nguyên.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202305/thuc-dan-phap-xam-luoc-viet-nam-2-lan-danh-chiem-thai-nguyen-9084a6a/