Thúc đẩy cải cách hành chính bằng nhiều giải pháp

Trong giai đoạn 2016 - 2020, cải cách hành chính (CCHC) thực sự là một điểm sáng trong 3 khâu đột phá của TP, được người dân và cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao. Đó là một trong những nhận định được chỉ ra trong báo cáo số 611, về tổng kết thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về 'Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) giai đoạn 2016 - 2020' vừa được ban hành.

Ý thức trách nhiệm được nâng cao

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình 08, qua hơn 3 năm tổ chức triển khai, đến nay, CCHC thực sự là khâu đột phá, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. Trong đó, công tác cải cách thủ tục hành chính được gắn với thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, rà soát, kiến nghị đơn giản hóa các thủ tục, quy trình giải quyết theo thẩm quyền. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đã tạo thuận lợi cho người dân, DN.

 Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa quận Long Biên. Ảnh: Thanh Hải

Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa quận Long Biên. Ảnh: Thanh Hải

Cùng với đó, ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ, giải quyết công việc với người dân, DN từng bước được nâng cao, được T.Ư, Nhân dân và cộng đồng DN ghi nhận, đánh giá cao. Thể hiện qua các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền TP năm 2018: Chỉ số CCHC cấp tỉnh (PAR INDEX) tiếp tục duy trì, giữ vững thứ hạng rất cao trong 2 năm liên tiếp (năm 2017, năm 2018), xếp thứ 2/63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư.

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp thứ 9/63 tỉnh, TP, tăng 4 bậc so với năm 2017, tăng 15 bậc so với năm 2015; nằm trong top 10 tỉnh, TP có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc năm 2018. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS) năm 2018 tăng 16 bậc so với năm 2017 (vượt chỉ tiêu đề ra theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ, Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy và về đích sớm 2 năm so với mục tiêu). Chỉ số về mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) xếp thứ 2 cả nước.

Hà Nội là địa phương đứng đầu toàn quốc về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng và cũng là địa phương duy nhất cung cấp dịch công mức 3 trong lĩnh vực tư pháp đồng bộ tới 100% xã, phường có liên thông dữ liệu với BHXH và Công an TP trên cơ sở khai thác cơ sở dữ liệu dân cư; đã triển khai chính thức, an toàn, thông suốt hệ thống điện tử một cửa dùng chung 3 cấp từ TP đến tất cả các xã, phường, thị trấn.

Tiếp tục mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử

Để tiếp tục mục tiêu tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, bình đẳng cho mọi người dân; thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển DN, đồng thời, xây dựng mô hình chính quyền đô thị tinh gọn, quản trị hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, giải quyết tốt hơn các nhu cầu của người dân, tổ chức và DN…

TP cũng xác định rõ những mục tiêu trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục đổi mới lề lối làm việc, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của hệ thống chính quyền các cấp, tiếp tục thực hiện phương châm 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả”.

Đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công; tiếp tục triển khai có hiệu, quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông theo hướng hiện đại; thực hiện rà soát, đơn giản hóa, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính nhằm cải thiện môi trường đầu tư, trọng tâm là các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân và DN.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị; thực hiện phân cấp mạnh mẽ về quản lý kinh tế - xã hội gắn với phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi.

TP cũng sẽ đầu tư hạ tầng và ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành và cung ứng dịch vụ công, xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, coi đây là giải pháp đột phá để hiện đại hóa hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, là cơ sở để tinh giản biên chế trong bộ máy hành chính các cấp...

Hà Bình

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thuc-day-cai-cach-hanh-chinh-bang-nhieu-giai-phap-357640.html