Thúc đẩy chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thông qua mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau

Hiện tuổi thọ trung bình ở nước ta tăng (trung bình 73 tuổi), nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi, do nhiều yếu tố như bệnh tật, các vấn đề về lão hóa…

Gia tăng gánh nặng bệnh tật ở người cao tuổi

Tại buổi tham vấn thúc đẩy chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thông qua mô hình Câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau, do Trung ương Hội Người cao tuổi tổ chức ngày 12/6/2023 tại Hà Nội, ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi cho biết, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số năm 2011, nhanh hơn so với dự báo trước đó là vào năm 2017 và dự kiến sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2036.

Số người cao tuổi ở Việt Nam liên tục tăng nhanh trong những năm trở lại đây, hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi (chiếm khoảng 11,86% dân số).

Khi về già, nhiều cơ quan trong cơ thể bị lão hóa dẫn đến suy giảm chức năng ở các mức độ khác nhau, làm giảm sức đề kháng với bệnh tật, khả năng hồi phục sức khỏe kém. Người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh mạn tính và nói chung phải điều trị suốt đời.

Ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi phát biểu tại buổi tham vấn.

Theo Viện Lão khoa, trung bình mỗi người cao tuổi ở nước ta có thể mắc trên 3 bệnh lý như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, thoái hóa khớp, Parkinson, sa sút trí tuệ, đột quỵ…

Tuổi cao và các bệnh mạn tính là nguyên nhân chính dẫn đến giảm hoạt động chức năng hàng ngày ở người già như: Giảm khả năng tự đi lại, vệ sinh cá nhân, ăn uống, khả năng giao tiếp, quản lý tài sản... Việc mất tính độc lập trong hoạt động hàng ngày là nguyên nhân gây tàn phế và đòi hỏi các biện pháp trợ giúp thích hợp…

Trong bối cảnh đó, rất cần có các mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng, đặc biệt tập trung vào phòng ngừa và quản lý bệnh không lây nhiễm…

Tại Việt Nam, gánh nặng các bệnh không lây nhiễm (BKLN) đang chiếm tới 74% tổng số gánh nặng bệnh tật trên toàn quốc. Mỗi năm, tỷ lệ tử vong do BKLN chiếm đến 81% tổng số ca tử vong do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là các bệnh về tim mạch (tăng huyết áp), đái tháo đường, ung thư và hô hấp mạn tính…

CLB Liên thế hệ tự giúp nhau - Cánh tay nối dài trong việc kiểm soát bệnh không lây nhiễm

CLB Liên thế hệ tự giúp nhau là một tổ chức xã hội tự nguyện tại cộng đồng, có khoảng 50-70 thành viên, từ nhiều lứa tuổi, hoàn cảnh, trong đó phần lớn là người cao tuổi, phụ nữ, người có hoàn cảnh khó khăn về xã hội hoặc kinh tế, hoạt động với tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong nâng cao thu nhập, cải thiện sức khỏe…

Theo Quyết định 1336/QĐ/TTg của Thủ tưởng Chính phủ ngày 31/8/2020, phê duyệt Đề án nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025 thì ít nhất đến năm 2025, cần duy trì các CLB đã có và thành lập mới ít nhất 3000 CLB. Chỉ tiêu đến năm 2030 Chương trình Hành động Quốc gia về Người cao tuổi giai đoạn 2021-2030, ít nhất 80% xã phường thị trấn có mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau hoặc các mô hình CLB khác trong chăm sóc và phát huy cai trò của người cao tuổi.

Buổi sinh hoạt định kỳ của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau phố Bình Hòa, phường Ninh Khánh, TP. Ninh Bình

Từ năm 2021, Dự án ‘Phát triển và mở rộng can thiệp phòng chống bệnh không lây nhiễm tại Đông Nam Á’’ đã thí điểm mô hình can thiệp có sự phối hợp giữa cộng đồng, thông qua mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau (mô hình do Hội người cao tuổi các cấp hỗ trợ và quản lý) với cơ sở y tế, trong dự phòng và quản lý bệnh không lây nhiễm, tập trung vào hai bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường cho 59 câu lạc bộ tại tỉnh Ninh Bình và thành phố Hải Phòng.

Theo đó, các CLB, hội người cao tuổi các cấp và cán bộ y tế được nâng cao năng lực, kỹ năng trong dự phòng và quản lý bệnh không lây nhiễm; năng lực về quản lý và chẩn đoán, điều trị bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường tại tuyến y tế cơ sở. Người dân được truyền thông, có kiến thức có thể tự phát hiện các dấu hiệu bệnh, các yếu tố nguy cơ, đi khám điều trị sớm. Những người đã được phát hiện có thể thúc đẩy giúp nhau trong tuân thủ điều trị bệnh…

Bà Phạm Thị Được, Chủ tịch Hội NCT phường Dư Hàng Kênh, Quận Lê Chân (TP. Hải Phòng).

Bà Phạm Thị Được, Chủ tịch Hội NCT phường Dư Hàng Kênh, Quận Lê Chân (TP. Hải Phòng), kiêm chủ nhiệm CLB Liên thế hệ tự giúp nhau Phường Dư Hàng Kênh cho biết, những người có thói quen không đi khám bệnh, chỉ khi bệnh nặng mới vào viện thì nay đã thay đổi hẳn suy nghĩ. Nhiều người thông qua sàng lọc đã được phát hiện bệnh, được tư vấn và giới thiệu đến các cơ sở y tế. Đặc biệt, thành viên CLB Liên thế hệ tự giúp nhau được tư vấn về lối sống lành mạnh về dinh dưỡng, thực hiện các bài tập vận động thể lực thường xuyên, giúp phòng ngừa bệnh… Thông qua CLB, nhiều người đã thay đổi nếp sống, lối sống trở nên lành mạnh hơn. Câu lạc bộ thực sự là cánh tay nối dài của ngành y tế trong việc phát hiện và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và Chính sách Dân số, Tổng cục Dân số - Bộ Y tế cho biết, đây là một sáng kiến nên được phát huy nhân rộng trong toàn quốc, không chỉ đối với bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường mà nên mở rộng ra nhiều các bệnh không lây nhiễm khác.

Dự án "Phát triển và mở rộng can thiệp phòng chống bệnh không lây nhiễm tại Đông Nam Á," do Liên minh Châu Âu tài trợ, nhằm mục đích tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng và quản lý bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường thông qua nghiên cứu dựa trên bằng chứng tại ba nước thuộc khu vực Đông Nam Á là Indonesia, Myanmar và Việt Nam; hướng tới giải quyết các vấn đề về bệnh không lây nhiễm thông qua cách tiếp cận dựa vào cộng đồng để cung cấp các dịch vụ như sàng lọc bệnh không lây nhiễm, giáo dục sức khỏe, tăng cường tự chăm sóc, giới thiệu người có nguy cơ cao mắc bệnh không lây nhiễm đến cở sở y tế, đồng thời tăng cường mối liên kết giữa cộng đồng và các cơ sở y tế.

Giảm Cơn Tăng Huyết Áp Với Những Cách Làm Đơn Giản! | SKĐS

Thu Phương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuc-day-cham-soc-suc-khoe-nguoi-cao-tuoi-thong-qua-mo-hinh-clb-lien-the-he-tu-giup-nhau-169230612194935373.htm