Thúc đẩy chiến lược kết nối Á - Âu

Ủy ban châu Âu (EC) và Ðại diện cấp cao của Liên hiệp châu Âu (EU) về Chính sách đối ngoại và an ninh mới đây đã thông qua một thông cáo chung đưa ra tầm nhìn của EU về chiến lược mới, toàn diện nhằm thúc đẩy kết nối châu Âu và châu Á.

Bà P. Mô-ghê-ri-ni (người bên trái) trình bày phương hướng kết nối Á - Âu.

Theo Ðại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và an ninh, Phó Chủ tịch EC P.Mô-ghê-ri-ni, kết nối là con đường dẫn tới tương lai và càng có nhiều kết nối thì càng có nhiều cơ hội tìm ra các giải pháp chính trị chung, mang lại sự thịnh vượng kinh tế cho người dân. Việc thiết lập mạng lưới và tăng cường quan hệ đối tác để kết nối bền vững trên tất cả các lĩnh vực dựa trên sự tôn trọng các quy tắc chung sẽ giúp người dân châu Âu và cả châu Á giải quyết những thách thức và nắm bắt cơ hội.

EU nhìn nhận châu Á là nơi gồm nhiều khu vực, quốc gia với sự đa dạng về mô hình kinh tế và mức độ phát triển. Theo đó, EU sẽ kết nối với châu Á theo ba hướng: tạo dựng các mạng lưới liên kết giao thông, năng lượng, mạng kỹ thuật số và kết nối giữa người với người; thiết lập các quan hệ đối tác với các quốc gia châu Á và các tổ chức khu vực, quốc tế; thúc đẩy tài chính bền vững thông qua việc sử dụng các công cụ tài chính đa dạng.

Theo thông cáo chung này, cơ sở hạ tầng và kết nối hiệu quả sẽ tạo ra sự tăng trưởng, công ăn việc làm, cho phép con người và hàng hóa di chuyển thuận lợi. Bởi vậy, EU sẽ mở rộng mạng lưới của mình và đóng góp cho các mạng lưới mới ngoài biên giới, từ các liên kết giao thông, năng lượng tới liên hệ giữa người với người và các trang mạng kỹ thuật số. Mạng lưới giao thông xuyên châu Âu (TEN-T) của EU đang mở rộng đến các nước có chung biên giới với châu Á và sẽ kết nối với các mạng lưới ở khu vực này trong tương lai. Bên cạnh đó, EU sẽ tiếp tục thúc đẩy trao đổi giữa người dân của các khu vực trong các ngành như giáo dục, nghiên cứu, văn hóa và du lịch.

Bên cạnh các mạng lưới kết nối, EU sẽ phát triển quan hệ với các đối tác nhằm thúc đẩy kết nối song phương và toàn cầu. Nền tảng kết nối sẽ giúp các bên tạo ra sự phối hợp và giải quyết các quan điểm khác biệt. Ở cấp khu vực, dựa trên kinh nghiệm của mình, EU sẽ góp phần tăng cường kết nối và tích hợp các cấu trúc hợp tác khu vực, giống như mối quan hệ của các nước EU với ASEAN và ASEM. EU sẽ tham gia với các tổ chức quốc tế trong việc xác định các khung pháp lý và hình thức kết nối cụ thể, thí dụ như thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế.

EU sẽ xem xét kết hợp các nguồn tài chính từ các tổ chức quốc tế, các ngân hàng phát triển đa phương và khu vực tư nhân để bảo đảm nền tài chính bền vững trong khu vực và quốc tế giúp duy trì tính minh bạch và một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp. Theo EC, châu Á cần khoảng 1,3 nghìn tỷ ơ-rô mỗi năm cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Ðiều này đem lại nhiều cơ hội đầu tư cho các công ty của châu Âu với điều kiện có khung pháp lý chặt chẽ. Ngoài ra, EC cũng đề xuất ngân sách hoạt động ngoài khối của EU giai đoạn 2021-2027 là 123 tỷ ơ-rô, tăng 30% so giai đoạn trước. Nếu được thông qua, khoản ngân sách nêu trên sẽ đóng góp đáng kể vào cam kết của EU nhằm tăng cường kết nối giữa châu Âu và châu Á.

Với sự kết nối bền vững, toàn diện và dựa trên quy tắc làm nguyên tắc cốt lõi, thông cáo này sẽ giúp định hướng việc kết nối giữa các quốc gia thành viên EU và các nước này với các khu vực khác, trong đó có châu Á. Kết nối Á-Âu sẽ giúp các quốc gia, khu vực khắc phục những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại, thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc và tạo ra một tương lai bền vững hơn.

Minh Ngọc

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/38124802-thuc-day-chien-luoc-ket-noi-a-au.html