Thúc đẩy cơ hội kinh doanh thông qua công nghệ thông tin tại vùng sâu, vùng xa

Công nghệ thông tin được đánh giá là 'cây cầu' kết nối doanh nghiệp với thị trường, đặc biệt là các thị trường vùng sâu, vùng xa.

Trong 2 ngày 29 và 30/11, tại Hà Nội, trong khuôn khổ hợp tác APEC, Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) đã phối hợp với các thành viên APEC tổ chức Hội thảo về thúc đẩy cơ hội kinh doanh thông qua công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tại vùng sâu, vùng xa.

Mục tiêu chính của Hội thảo tập trung vào 4 nội dung chính

Mục tiêu chính của Hội thảo tập trung vào 4 nội dung chính

Mục tiêu của Hội thảo tập trung vào 4 nội dung chính, bao gồm: Thứ nhất, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các nền kinh tế thành viên APEC, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển cho phát triển công nghệ thông tin - truyền thông tại vùng sâu, vùng xa, nhằm khai thác các cơ hội kinh doanh, đóng góp vào các ưu tiên tăng trưởng bao trùm của APEC; Thứ hai, chia sẻ kinh nghiệm về cách thức khai thác công nghệ thông tin, truyền thông để giúp vùng sâu, vùng xa tối đa hóa và hiện thực hóa các cơ hội kinh doanh; Thứ ba, tìm kiếm các cơ hội và mạng lưới hợp tác giữa các nền kinh tế APEC; Thứ tư, xây dựng các khuyến nghị chính sách cho các nền kinh tế APEC nhằm thúc đẩy các nỗ lực, hướng tới tăng trưởng bao trùm nói chung, các sáng kiến về phát triển vùng sâu, vùng xa nói riêng.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng: Những năm gần đây, phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa ngày càng được các nền kinh tế APEC quan tâm, coi đây là yếu tố quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng và phát triển bền vững của các nền kinh tế APEC.

Ông Nguyễn Thế Quang - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, những năm gần đây, phát triển khu vực vùng sâu, vùng xa ngày càng được các nền kinh tế APEC quan tâm

“Trong bối cảnh APEC vùng sâu, vùng xa không chỉ được hiểu là khu vực nông thôn, các thành phố cũng có thể được coi là vùng sâu, vùng xa nếu không thể hoặc gặp khó khăn khi kết nối với các mạng lưới kinh tế và không thể tận dụng được các cơ hội kinh tế. Với cách tiếp cận bao quát này, các vấn đề của vùng sâu, vùng xa có thể được xem xét từ nhiều góc độ khác nhau, không chỉ giới hạn ở việc cung cấp hỗ trợ hoặc trợ cấp mà còn tập trung vào việc khai thác tiềm năng kinh tế, cải thiện kết nối và làm cho các vùng này trở nên tự chủ hơn”, ông Nguyễn Thế Quang thông tin.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, họ đặc biệt quan tâm đến thị trường vùng sâu, vùng xa và mong muốn đưa hàng hóa về những khu vực này. Vì bên cạnh mong muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp, còn mong muốn hàng hóa của doanh nghiệp có thể lan tỏa đến mọi vùng, miền và đến được với nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, hạn chế khi đưa hàng hóa về khu vực này chính là hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông của những khu vực này còn hạn chế, gây ra những trở ngại cho cả người dân trong tiếp cận sản phẩm và người tiêu dùng trong tiếp cận thị trường.

Kết quả của hội thảo sẽ được báo cáo Nhóm chỉ đạo nền kinh tế kỹ thuật số APEC (DESG) để có hành động tiếp theo

Thừa nhận doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong tiếp cận với thị trường vùng sâu, vùng xa, ông Arndt Husar - Chuyên gia quản lý công cao cấp (Chuyển đổi kỹ thuật số) - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) - cho rằng: Để thúc đẩy cơ hội kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp tại các khu vực vùng sâu, vùng xa thì chuyển đổi số là yêu cầu cần thiết, đây cũng được ví như “chìa khóa” giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường.

"Theo đó, để thúc đẩy chuyển đổi số bên cạnh sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp thì sự hỗ trợ của Nhà nước cũng vô cùng cần thiết, sự hỗ trợ này bên cạnh hoàn thiện về cơ chế, chính sách, Chính phủ có thể có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ tham gia chuyển đổi số thông qua những ưu đãi về tài chính, dịch vụ" - ông Arndt Husar khẳng định.

Chia sẻ tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, thúc đẩy công nghệ thông tin, truyền thông được kỳ vọng là một trong những cách thức tiếp cận hiệu quả, góp phần thu hẹp khoảng cách và chênh lệnh giữa các vùng kinh tế để đạt được mục tiêu tăng trưởng bao trùm và bền vững. Ưu tiên này cũng được APEC hiện thực hóa thông qua sáng kiến Lộ trình kinh tế kỹ thuật số và Internet APEC (AIDER) và Khuôn khổ tạo thuận lợi cho thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó hướng tới đảm bảo kết nối, bền vững và phát triển bao trùm thông qua thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số, xây dựng năng lực kỹ thuật số cho tất cả mọi người, đồng thời tạo ra môi trường để thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số. Đồng thời, mở ra không gian, cơ hội kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hội thảo về thúc đẩy cơ hội kinh doanh thông qua công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) tại vùng sâu, vùng xa là dịp để các nền kinh tế thành viên APEC thảo luận những thác thức cũng như chia sẻ kinh nghiệm về cách vùng sâu, vùng xa có thể tận dụng công nghệ thông tin, truyền thông để cải thiện kết nối, nắm bắt và hiện thực hóa cơ hội kinh doanh. Được biết, kết quả của hội thảo sẽ được báo cáo Nhóm chỉ đạo nền kinh tế kỹ thuật số APEC (DESG) để có hành động tiếp theo.

Nguyễn Hòa - Phạm Tiệp

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-day-co-hoi-kinh-doanh-thong-qua-cong-nghe-thong-tin-tai-vung-sau-vung-xa-228991.html