Thúc đẩy công nghệ số, hướng đến nông nghiệp xanh ở Thủ đô

Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất rau, quả trong nhà màng, nhà kính ở TP. Hà Nội đã mang lại hiệu quả thiết thực. Điều này không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng, mà còn làm thay đổi tư duy trong canh tác nông nghiệp, hình thành khu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng xanh, bền vững.

Tại Hà Nội, hiện có hơn 13.000 ha sản xuất rau các loại, trong đó có hơn 5.000ha được chứng nhận sản xuất an toàn. Đặc biệt, Hà Nội đã hình thành được 101 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô từ 20ha trở lên.

Sản xuất an toàn để bảo vệ môi trường

Tại HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ (Hà Nội), đất sản xuất ngày càng thu hẹp để phục vụ các dự án xây dựng đô thị. Trước tình hình đó, Hà Nội đã khuyến khích HTX đưa cơ giới hóa, kỹ thuật mới, hình thành những vùng chuyên canh tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường.

Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất rau, quả đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất rau, quả đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Ông Đào Xuân Minh, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn chia sẻ: “Được sự hỗ trợ của thành phố và huyện Chương Mỹ, HTX đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, sơ chế rau an toàn bao gồm: nhà sơ chế, hệ thống điện, kênh mương, đường giao thông… Đây là điều kiện thuận lợi để HTX Chúc Sơn phát triển sản xuất rau an toàn với quy mô lớn”.

Cũng theo ông Minh, những năm qua HTX đã giúp bà con đưa những tiến bộ mới vào canh tác rau an toàn như IPM, SRI, FFS. Đồng thời, tăng cường xây dựng các chuỗi sản xuất kinh doanh áp dụng PGS,... góp phần giúp địa phương giảm lượng sử dụng thuốc BVTV, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất.

Tại vùng sản xuất rau sạch và an toàn của HTX Chúc Sơn, thay vì sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV, các thành viên tận dụng phế phẩm nông nghiệp ủ thành phân tạo giá trị dinh dưỡng hữu cơ, bảo vệ môi trường đất, hạn chế thải độc hại ra môi trường…

Nhằm phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững, nâng cao giá trị trong nông nghiệp, ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Chúc Sơn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các công trình phục vụ cho hoạt động kinh doanh dịch vụ và tập trung lên kế hoạch sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm rau an toàn.

“Thời gian tới, để tiếp tục lan tỏa hiệu quả các mô hình sản xuất an toàn, HTX tích cực vận động hộ dân trong khu, vùng sản xuất nông nghiệp quy hoạch hoạt động nông nghiệp công nghệ cao, tích tụ đất đai, đầu tư hạ tầng chung, tạo vùng sản xuất tập trung quy mô lớn để áp dụng cơ giới hóa. Bên cạnh đó, chúng tôi chủ động rà soát các quy hoạch về nông nghiệp để đề xuất điều chỉnh, bổ sung phù hợp với thực tế, thu hút nhà đầu tư mở rộng quy mô sản xuất”, ông Minh chia sẻ.

Nâng cao năng suất từ công nghệ IoT

Sản xuất rau, củ là một ngành mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, có thể gấp 3-4 lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích. Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp, Hà Nội có thể trồng quanh năm nhiều chủng loại rau. Ngành trồng rau, củ thu hút một lượng lớn lao động và tạo thêm thu nhập cho người dân qua việc phát triển ngành chế biến và dịch vụ.

Công nghệ IoT đã mở ra sự phát triển mới theo hướng bền vững.

Dự án ứng dụng nông nghiệp thông minh trong sản xuất rau chất lượng cao triển khai trên nền tảng internet kết nối vạn vật (gọi tắt là IoT), được HTX nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát, xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì thử nghiệm và có những tín hiệu vui đáng mừng.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Giám đốc HTX chia sẻ, IoT (Internet of Things) được hiểu là mạng lưới thiết bị kết nối Internet đang trở nên phổ biến. IoT là mạng kết nối các đồ vật và thiết bị thông qua cảm biến, phần mềm và các công nghệ khác, cho phép các đồ vật và thiết bị thu thập và trao đổi dữ liệu với nhau. Mô hình ứng dụng IoT vào trồng cây trong nhà lưới của HTX An Tâm Farm giúp giám sát và điều chỉnh chất dinh dưỡng, độ pH, độ ẩm từ xa qua internet.

Mô hình này được triển khai trên diện tích 2.500m2. Việc ứng dụng nhiều hệ thống công nghệ thông minh như: hệ thống thủy canh, tưới nhỏ giọt công nghệ Israel, quạt đối lưu không khí, phun sương trong nhà, tưới mái, các cảm biến nhiệt độ và độ ẩm...

Tất cả được đấu nối với bộ điều khiển trung tâm có tác dụng nhận những thông số từ bộ cảm biến được lập trình sẵn để tự động điều chỉnh nước tưới, bón phân, thông gió, phun sương theo yêu cầu của từng loại cây trồng đảm bảo môi trường, chất dinh dưỡng lý tưởng cho cây phát triển.

Hiện nay, công nghệ IoT được sử dụng phổ biến trong ngành Công nghiệp nhưng lại khá mới trong ngành Nông nghiệp, bởi vốn đầu tư ban đầu từ xây dựng mô hình đến chi phí thiết bị tiêu tốn không ít về nguồn vốn.

“Trên nền diện tích 2.500m2, HTX đã phải chi phí gần 3 tỷ để xây dựng nhà lưới và thiết bị dao động từ 120 đến 150 triệu đồng. Do đó, đầu tư vào mô hình này cũng hết khá nhiều nhưng đổi lại rất thuận tiện trong quá trình sản xuất và giảm nhân công lao động rõ rệt, đặc biệt là sản lượng đạt tối đa”, ông Hồng cho hay.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì - Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh đánh giá, ứng dụng công nghệ IoT vào sản xuất là hướng đi phù hợp với chủ trương về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, công nghệ cao đảm bảo phát triển sản xuất nâng mức thu nhập cho người dân. Đồng thời, mở ra một hướng sản xuất mới, hướng người dân phát triển sản xuất theo hướng bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Hoàng Hằng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/thuc-day-cong-nghe-so-huong-den-nong-nghiep-xanh-o-thu-do-1091612.html