Thúc đẩy dự án điện của Lào và lợi thế cảng biển của Việt Nam

Một tuyến giao thông nối Việt Nam và Lào sẽ sớm hình thành sau khi đại diện lãnh đạo cấp cao 2 nước chứng kiến lễ ký kết xây dựng tuyến đường sắt Vũng Áng (Hà Tĩnh) - Viêng Chăn. Cùng với đó, tiến độ mua bán điện từ Lào về Việt Nam cũng sẽ được đẩy nhanh khi Bộ Công thương Việt Nam và Bộ Năng lượng và Mỏ của nước bạn chính thức ký kết Hiệp định.

Lễ ký Hiệp định giữa Chính phủ 2 nước Việt Nam và Lào về hợp tác, phát triển các công trình năng lượng điện và mỏ nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức tới Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Lễ ký Hiệp định giữa Chính phủ 2 nước Việt Nam và Lào về hợp tác, phát triển các công trình năng lượng điện và mỏ nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức tới Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Giúp Lào thành trung tâm trung chuyển hàng hóa

Tuyến đường sắt nối Việt Nam - Lào được xem như một phần trong quá trình nâng kim ngạch thương mại hai chiều hai nước và là tiền đề giúp Lào trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực. Theo đó, khi hoàn thành, tuyến đường sắt Vũng Áng - Viêng Chăn sẽ là nhánh phía Đông của tuyến đường sắt Singapore - Côn Minh. Việc mở tuyến đường sắt nối Thủ đô Viêng Chăn và cảng Vũng Áng của Việt Nam là sự kết hợp, tận dụng vị trí trung tâm của Lào trong ASEAN và lợi thế biển của Việt Nam.

Trong thỏa thuận được ký kết nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - cũng xác định điểm kết nối tuyến đường sắt của hai quốc gia; đồng thời làm rõ trách nhiệm của mỗi bên khi thực hiện việc đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác và bảo trì tuyến đường nay thuộc địa phận của mỗi nước.

Trước đó, từ đầu năm 2016, Bộ GTVT đã thống nhất triển khai dự án nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt Viêng Chăn tới cảng Vũng Áng. Việc nghiên cứu này được cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, và được thực hiện bởi Liên danh tư vấn Dohwa - KRTC - Sambo.

Theo KOICA, đơn vị nghiên cứu đã khảo sát, thu thập dữ liệu, đề xuất phương án xây dựng. Dự kiến, dự án sẽ đi qua 2 tỉnh của Việt Nam là Quảng Bình và Hà Tĩnh cùng 3 tỉnh của Lào. Theo Tư vấn, đường sắt Vũng Áng - Viêng Chăn có tổng chiều dài 554,7km, trong đó chiều dài qua lãnh thổ Việt Nam là 102km (từ đèo Mụ Giạ đến cảng Vũng Áng). Tổng mức đầu tư toàn tuyến khoảng 5,062 tỷ USD (tương đương khoảng 113.500 tỷ đồng). Dự án có 63 cây cầu; 15 hầm với tổng chiều dài của hầm là 37,6km; 8 nhà ga. Tại phạm vi biên giới Việt - Lào sẽ kết nối bằng đường hầm có chiều dài 2,3km.

Để đảm bảo tính hiệu quả, theo đơn vị Tư vấn, đoạn từ Thakhek đến cảng Vũng Áng với chiều dài 241,9km được đề nghị đầu tư xây dựng trước, trong đó Lào xây dựng 139,1km, Việt Nam xây dựng 102,7km. Tổng mức đầu tư đoạn này là khoảng 2,84 tỷ USD, cụ thể phía Việt Nam đầu tư 1,587 tỷ USD, phía Lào là 1,25 tỷ USD.

Việt Nam nhập khẩu điện 3.000 MW

Cũng trong chuyến thăm Lào lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định về hợp tác phát triển các công trình năng lượng điện và mỏ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào. Hiệp định nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư phát triển các dự án điện tại Lào để bán về Việt Nam, tăng cường trao đổi, mua bán, kết nối hệ thống điện giữa hai nước cũng như khuyến khích, hỗ trợ hợp tác song phương trong lĩnh vực thăm dò, khai thác mỏ khoáng sản.

Trên cơ sở Hiệp định, 2 bên sẽ phối hợp rà soát, cập nhật tiềm năng và khả năng cung cấp điện từ Lào sang Việt Nam, thống nhất nguyên tắc xây dựng cơ chế giá bán điện cho Việt Nam và khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp 2 nước triển khai hợp tác trên cơ sở đảm bảo tính hiệu quả, phù hợp quy định pháp luật.

Trước đó, trả lời PLVN, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai các nhiệm vụ của Tổ công tác nghiên cứu đầu tư, mua bán điện và phương án liên kết nhập khẩu điện từ Lào.

Được biết, việc mua bán điện từ Lào đã được xúc tiến cách đây vài năm, nhưng từ năm 2018, công tác xúc tiến nhập khẩu thêm điện từ Lào qua các đường dây 220kV Xekaman 1 và 3 mới được đẩy mạnh. Theo đó, việc cung cấp điện từ nước bạn về Việt Nam được thực hiện thông qua 2 đường dây 220kV chạy qua cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum) và cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam).

Dự kiến, năm 2020, tổng công suất điện có thể nhập tối đa tại các đường dây này là khoảng 1.200MW. Tới giai đoạn trung hạn (năm 2025), tổng công suất nhập khẩu điện sẽ được xem xét tăng cường từ Nhiệt điện Xê Kong, cụm thủy điện Nam Sam… để đưa tổng công suất nhập điện từ Lào đến thời điểm đó là 3.000MW.

Sẽ xây cao tốc Hà Nội – Viêng Chăn

“Cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn cũng đang được Bộ GTVT chủ trì thực hiện báo cáo nghiên cứu khả thi. Theo đó, dự án này được lên phương án thiết kế 4 - 6 làn xe. Tổng chiều dài tuyến từ Thủ đô Viêng Chăn đến Thủ đô Hà Nội khoảng 725km. Trong đó, đoạn trên địa phận Lào khoảng 355km nghiên cứu xây dựng mới, đoạn trên địa phận Việt Nam khoảng 370km. Vận tốc thiết kế 100km/h - 120km/h, tại các đoạn có địa hình đặc biệt khó khăn thiết kế với vận tốc 80km/h. Một nghiên cứu trước đó đưa ra tổng mức đầu tư tuyến này dự kiến khoảng 2,5 tỷ USD”.

M.Hữu - N.Thu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/kinh-te/thuc-day-du-an-dien-cua-lao-va-loi-the-cang-bien-cua-viet-nam-440373.html