Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư

Trước thực trạng hoạt động giải ngân thường 'im lìm' đầu năm, 'tấp nập' cuối năm gây khó khăn cho công tác điều hành, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ cuối năm 2018 với các giải pháp rất cụ thể. Nhờ đó, thống kê 2 tháng đầu năm đã mang về những con số tích cực. Tuy nhiên, để đạt kế hoạch thì vẫn cần nhiều nỗ lực.

Các bộ, ngành, địa phương nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công và kiên quyết loại bỏ các dự án kém hiệu quả. Ảnh: ST.

Giải ngân gấp đôi cùng kỳ 2018

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính đề cập một thực trạng không mới nhưng vẫn đang diễn ra là chậm phân bổ vốn đầu tư của các địa phương. Thống kê cho thấy, tính đến ngày 26/2, mới có 9/53 địa phương gửi báo cáo phân bổ vốn về Bộ Tài chính với số vốn ngân sách Trung ương (NSTW) được phân bổ là hơn 2.982 tỷ đồng, đạt 16,57% kế hoạch giao. Các địa phương đã phân bổ cơ bản theo đúng mức vốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao nhưng một vài nơi như Lào Cai, Bắc Giang, Đắk Lắk và Đồng Tháp chưa phân bổ kế hoạch thuộc Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo đề án Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.

Đánh giá về tổng thể, sau 2 tháng, tổng số kế hoạch vốn các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã triển khai phân bổ đạt hơn 93% kế hoạch, với số vốn hơn 332.000 tỷ đồng. Trong đó, với số vốn trong nước (chưa bao gồm vốn trái phiếu Chính phủ), khối các cơ quan Trung ương vẫn còn 1 bộ, ngành mà Bộ Tài chính chưa nhận được quyết định phân bổ vốn và 3 bộ, ngành chưa phân bổ hết kế hoạch đã được giao. Với số vốn nước ngoài, còn 1 đơn vị chưa báo cáo phân bổ kế hoạch vốn về Bộ Tài chính.

Về phía các địa phương, đối với nguồn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP), Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo phân bổ của 63/63 địa phương, trong đó có 9 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn. Nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP, đã có 55/63 địa phương đã gửi báo cáo phân bổ, trong đó 2 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được giao...

Theo quy định, các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương phải thông báo cho các đơn vị danh mục và mức vốn NSTW bố trí cho từng dự án gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trước ngày 30/1/2019.

Cũng theo Bộ Tài chính, tổng số kế hoạch chi đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2019 được Quốc hội giao là 416.800 tỷ đồng gồm: vốn trong nước là 369.300 tỷ đồng và vốn nước ngoài là 47.500 tỷ đồng, Tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN đã được Thủ tướng Chính phủ giao là 355.617,901 tỷ đồng, đạt 85,32% so với kế hoạch Quốc hội giao.

Căn cứ kế hoạch được giao, số liệu ước giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN của các bộ, ngành địa phương 2 tháng đầu năm 2019 khoảng 16.210,314 tỷ đồng, bằng 3,89% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 4,52% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn gấp đôi tiến độ cùng kỳ năm 2018. Trong đó: Vốn trong nước là 16.174,940 tỷ đồng, đạt 4,38% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 4,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; vốn ngoài nước là 35,374 tỷ đồng, đạt 0,07% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 0,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tiến độ này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018 với tỷ lệ tương ứng là 0,53% và 0,6%.

Cơ quan tổng hợp số liệu đánh giá rằng: Số giải ngân kế hoạch vốn NSNN 2 tháng qua của các bộ, ngành và địa phương mặc dù có tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn ở mức thấp, do một số nguyên nhân như: Những tháng đầu năm, kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN mới được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao; các bộ, ngành Trung ương và địa phương mới cơ bản hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án, đồng thời nhập dự toán trên hệ thống Tabmis; các chủ đầu tư đang hoàn thiện các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán theo quy định. Đồng thời, tháng 2 có thời gian nghỉ tết Nguyên đán kéo dài nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn.

Không để nguyên nhân từ phía ngành Tài chính

Để đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2019, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, Chính phủ cần đôn đốc các bộ, ngành, địa phương nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công và kiên quyết loại bỏ các dự án kém hiệu quả. Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách thủ tục quản lý đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giảm thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp.

Với tinh thần đó, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao vốn cho các dự án đủ điều kiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các dự án chưa đủ điều kiện giao vốn đề nghị thu hồi hết số vốn này để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước.

Đơn vị chủ trì cũng kiến nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương đến nay chưa phân bổ chi tiết hoặc chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2019 khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án theo đúng quy định và gửi các cơ quan chức năng làm cơ sở triển khai thực hiện và thanh toán vốn cho các dự án; chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục về phê duyệt thiết kế, dự toán, thủ tục đấu thầu; đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để có khối lượng giải ngân; tập trung hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán vốn ngay từ các tháng đầu năm; rà soát các vướng mắc trong việc thực hiện và thanh toán để kịp thời xử lý. Đồng thời có biện pháp xử lý trách nhiệm cụ thể đối với các chủ đầu tư chậm hoàn thiện thủ tục nghiệm thu, thanh toán.

Đối với các dự án chưa giải ngân hết kế hoạch năm 2018, dự kiến kéo dài sang năm 2019, đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư ra làm việc với Kho bạc Nhà nước để làm thủ tục kéo dài kế hoạch vốn năm 2018 sang năm 2019 của các dự án theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 120/2018/NĐ-CP ngày 13/9/2018 Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ.

Các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc tổng hợp, báo cáo giải ngân định kỳ hàng tháng các nguồn vốn thuộc lĩnh vực quản lý gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo đúng thời gian quy định, trong đó đánh giá cụ thể tình hình giao và giải ngân vốn đầu tư, các tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân giải ngân chậm, đồng thời có biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án.

Riêng đối với ngành Tài chính, lãnh đạo phụ trách là Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đã quán triệt Vụ Đầu tư và các đơn vị có liên quan kiên quyết không để giải ngân vốn đầu tư công chậm do nguyên nhân từ phía ngành Tài chính. Ngoài ra, trong năm 2019, Thứ trưởng đề nghị Vụ Đầu tư tập trung nâng cao chất lượng cán bộ; làm tốt hơn nữa công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật…

Với các giải pháp nêu trên, cùng với sự quyết liệt, nỗ lực của các bộ, ngành địa phương và các chủ đầu tư, công tác giải ngân kế hoạch vốn NSNN năm 2019 đã được quan tâm chỉ đạo tích cực ngay từ những tháng đầu năm, góp phần đảm bảo mục tiêu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN năm 2019.

Hồng Vân

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/thuc-day-giai-ngan-von-dau-tu-100636.html