Thúc đẩy hành động bảo vệ các dòng sông ô nhiễm

Nhiều dòng sông ở nước ta đã và đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Thực trạng này yêu cầu những quyết sách mạnh mẽ hơn từ các cơ quan chức năng và sự phối hợp thực thi từ chính quyền cũng như các bên liên quan.

Nhiều dòng sông tại Hà Nội bị ô nhiễm nặng trong nhiều năm nay. (Ảnh Hà Nội Xanh)

Nhiều dòng sông tại Hà Nội bị ô nhiễm nặng trong nhiều năm nay. (Ảnh Hà Nội Xanh)

Sáng kiến của cộng đồng

Mỗi tuần, các bạn trẻ, tình nguyện viên của nhóm Hà Nội Xanh dành thời gian và công sức vớt rác dưới những lòng kênh, sông, ao, hồ... là “điểm nóng” ô nhiễm tại Thủ đô. Những hoạt động này đều được cập nhật, chia sẻ trên trang Facebook của nhóm, nhằm ghi nhận thực trạng và kêu gọi nhiều người chung tay đẩy lùi vấn nạn ô nhiễm nặng nề của các dòng sông.

Được biết, ban đầu nhóm chỉ có 2 thành viên, đến nay đã có khoảng 160 thành viên cùng tham gia dọn rác. Trang fanpage chính của nhóm đã đạt tới 1.400 lượt thích và 1.900 lượt theo dõi, cho thấy sức lan tỏa của những hành động ý nghĩa này.

Tại Hội An, với sự tuyên truyền, vận động của hệ thống chính trị từ thành phố đến xã, phường, các tầng lớp nhân dân đã nỗ lực triển khai thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó có các mô hình cộng đồng nhằm bảo sự trong sạch của các dòng sông. Năm 2022, Hội An đã công nhận 30 mô hình và 8 cá nhân điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt là mô hình “Tổ vớt rác trên sông” thuộc Chi hội Nông dân thôn Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh.

Đây mới chỉ là hai trong số những sáng kiến cộng đồng đang được triển khai tích cực tại một số địa phương trên cả nước nhằm chống lại tình trạng ô nhiễm tại các con sông của nước ta. Theo thống kê của Bộ TN&MT, Việt Nam hiện có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10km trở lên, trong đó có 13 lưu vực sông lớn và quan trọng gồm: lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn - Hà Thanh, Ba, Sê San, Srêpôk, Đồng Nai. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, các dòng sông ở Việt Nam đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.

Bên cạnh yếu tố hoạt động của con người, yếu tố tác động từ những hiện tượng thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu cũng góp phần khiến môi trường nước trên các lưu vực sông ô nhiễm trầm trọng hơn. Đơn cử, tại Đồng bằng Bắc Bộ và ven biển miền Trung, mùa khô có xu hướng đến sớm và kéo dài hoặc mưa tập trung với cường suất lớn, dẫn tới hạn hán và lũ lụt, ngập mặn và sạt lở bờ biển ngày một gia tăng. Nam Bộ đang đối diện với tình trạng ngập lụt và xâm nhập mặn. Còn Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với vấn đề xâm nhập mặn, hiện tượng xói lở bờ sông, bờ biển cũng xảy ra tại hầu hết các địa phương trong vùng...

Đáng nói, đây cũng không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam bởi mạng lưới sông ngòi, kênh rạch luôn có sự kết nối với nhau xuyên các quốc gia. Thế giới đã dành riêng ngày 14/3 - Ngày Quốc tế Hành động vì các dòng sông, nhằm thúc đẩy các cộng đồng quốc tế chung tay thực hiện các biện pháp bảo vệ “mạch sống” của các hệ sinh thái, bởi các hệ thống sông là khu vực có sự đa dạng sinh học cao nhất trên trái đất và cũng là nơi có hoạt động mạnh nhất của con người.

Chính vì thế, việc bảo vệ các con sông cũng chính là một trong các “chìa khóa” quan trọng để phục hồi hệ sinh thái, duy trì đa dạng sinh học của thế giới. Ngày Quốc tế Hành động vì các dòng sông thúc đẩy các Chính phủ ban hành quyết sách, đảm bảo thực thi và hợp tác với nhau là yếu tố quan trọng để hướng tới mục tiêu chung đảm bảo an ninh nguồn nước, phát triển bền vững.

Những quyết sách quan trọng tại Việt Nam

Về nỗ lực bảo vệ và hồi sinh các dòng sông tại Việt Nam trong những năm qua, Chính phủ đã đưa ra những quyết sách quan trọng về quy hoạch khai thác, bảo vệ nguồn nước, tăng cường quản lý nguồn nước theo lưu vực sông; tăng cường kiểm soát các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác và sử dụng nước bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và bền vững...

Đơn cử, ngày 27/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1622/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch tài nguyên nước quốc gia đầu tiên, nhận được nhiều kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong công tác cải tạo, phục hồi các dòng sông ô nhiễm, giúp hồi sinh các dòng “chết”. Trong đó, 6 nhóm giải pháp thực hiện Quy hoạch gồm giải pháp về pháp luật, chính sách; giải pháp về tài chính, đầu tư; giải pháp về khoa học - công nghệ và hợp tác quốc tế; tuyên truyền nâng cao nhận thức; đào tạo, tăng cường năng lực; tổ chức và giám sát thực hiện Quy hoạch.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông Hồng - Thái Bình và Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, lần lượt tại Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 06/2/2023 và Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 6/3/2023. Các quy hoạch nhằm mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước trên lưu vực sông, tích trữ, điều hòa, phân bổ tài nguyên nước một cách công bằng, hợp lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước nhằm đáp ứng nhu cầu nước cho dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường.

Đến nay đã có quy hoạch thứ 4/13 Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông lớn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch là căn cứ, định hướng để Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trên lưu vực sông tổ chức thực hiện quy hoạch nhanh chóng và hiệu quả.

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/thuc-day-hanh-dong-bao-ve-cac-dong-song-o-nhiem-post469696.html