Thúc đẩy hoạt động cải tiến doanh nghiệp: Từ nhận thức chuyển sang hành động

Thúc đẩy hoạt động cải tiến doanh nghiệp (DN) nhằm tăng năng suất lao động, vấn đề đã và đang được các DN quan tâm và bắt đầu chuyển từ nhận thức sang hành động. Đó là đánh giá của ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (VNPI) - khi trao đổi với phóng viên Báo Công Thương.

Xin ông cho biết đánh giá về hoạt động cải tiến năng suất, chất lượng và nhận thức của DN?

Từ năm 1995 Việt Nam phát động thập niên chất lượng lần thứ nhất. Kể từ đó, các cơ quan bắt đầu nghiên cứu những giải pháp để hỗ trợ cho DN nhưng chúng ta mới chỉ tập trung vào chất lượng. Nhờ đó, chúng ta đã thành công trong việc giới thiệu và đưa đến cho DN Việt Nam những tiêu chuẩn quốc tế và hệ thống quản lý chất lượng, môi trường, an toàn… Giai đoạn đầu DN khá hào hứng với việc xây dựng các tiêu chuẩn và nó đã giúp nâng cao công tác quản lý của DN và chất lượng sản phẩm được nâng lên.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam

Tuy nhiên, do nhiều DN triển khai xây dựng hệ thống ISO chỉ với mục đích có chứng nhận để công bố ra bên ngoài chứ không xuất phát từ nhu cầu nội tại của DN đã làm cho một thời gian dài DN và xã hội bài xích, không tin tưởng vào các hệ thống quản lý chất lượng.

Mặc dù Việt Nam gia nhập Tổ chức năng suất châu Á vào năm 1996 nhưng chỉ một số DN tham gia vào dự án biết và hiểu được vai trò của năng suất, chất lượng với sự phát triển bền vững của DN.

Vậy theo ông, thành công lớn nhất của Chương trình 712 sau 8 năm triển khai là gì ?

Kết quả rõ nhất là DN đã đánh giá cao hiệu quả của các mô hình giúp cải tiến tối ưu hóa các hoạt động của DN như mô hình Lean 6 Sigma hay những mô hình cải tiến tổng thể (TPM), thiết lập chiến lược như: Rạng Đông, Nhựa Tiền Phong, Thaco, Cao su Đà Nẵng, Traphaco, May Nam Hà… thông qua các mô hình này chúng ta đã nhìn thấy rằng, cải tiến năng suất đã đạt được kết quả khá ấn tượng. Như Rạng Đông có những chuyền tăng lên 200% -300% chỉ thông qua cải tiến tối ưu lại chuyền sản xuất chứ chưa cần phải đầu tư đổi mới công nghệ…

Chương trình 712 cũng đã đào tạo được đội ngũ cán bộ chuyên gia tư vấn ban đầu có khả năng giúp DN có những giải pháp cải tiến năng suất, mặc dù, mới ở giai đoạn đầu nhưng đây là một bước tiến tốt và là tín hiệu quả quan cho phong trào năng suất ở Việt Nam, nó là nền tảng trong công tác triển khai cho DN mở rộng các mô hình. Đồng thời, tạo được hiệu ứng truyền thông mạnh mẽ đến toàn cộng đồng xã hội và DN. Đến nay, số DN hiểu về vấn đề năng suất khá nhiều, nhất là các DN lớn. Những DN này sau một thời gian phát triển khi trở thành những DN hàng đầu trong nước thì lãnh đạo họ hiểu rằng nếu không tối ưu hóa thì sẽ không duy trì được vị thế cạnh tranh do vậy họ vẫn mong muốn tiếp tục cải tiến. Tựu chung lại, DN hiện đã và đang từng bước chuyển từ nhận thức sang hành động.

Vậy để Chương trình 712 đạt được mục tiêu đã đề ra, theo ông chúng ta cần phải có những bước đi như thế nào?

Mỗi loại hình DN thì sẽ có một nhóm giải pháp khác nhau, DN cần nhận biết được mình phải làm gì để nâng cao năng suất, điều đó đòi hỏi đội ngũ tư vấn phải mạnh về chuyên môn. Nhưng hiện nay số lượng chuyên gia tư vấn năng suất của chúng ta ít và chất lượng không cao mới chỉ đáp ứng được các loại hình DN có trình độ sản xuất thấp và lao động nhiều, nếu ở những loại hình DN trình độ sản xuất cao như lĩnh vực dầu khí chẳng hạn thì chưa đáp ứng được.

Đối với công tác xây dựng tiêu chuẩn, chúng ta cũng cần xem xét lại cách thức, thay vì cơ quan quản lý nhà nước xây dựng các tiêu chuẩn chúng ta hãy để các DN, hiệp hội DN tự ban hành cho phù hợp với nhu cầu thị trường và cơ quan nhà nước chỉ ban hành các tiêu chuẩn liên quan đến an toàn, môi trường…

Chúng ta cũng cần có một phát động ở cấp quốc gia do lãnh đạo Chính phủ đứng ra. Như Singapore, ngay từ những năm 1981 họ thành lập Ủy Ban Năng suất quốc gia do Phó thủ tướng đứng đầu để thúc đẩy phong trào năng suất quốc gia. Nhà nước nên làm ra những mô hình tốt. Các mô hình được lựa chọn phải đi vào những ngành, khu vực trọng điểm và rà soát lại, vì mỗi ngành có đặc thù khác nhau, phải có những phân tích để thực hiện các giải pháp cụ thể.

Xin cảm ơn ông!

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thuc-day-hoat-dong-cai-tien-doanh-nghiep-tu-nhan-thuc-chuyen-sang-hanh-dong-115922.html