Thúc đẩy hợp tác công - tư trong xử lý chất thải rắn

Sự tham gia của tư nhân trong hoạt động xử lý chất thải rắn đã tăng đáng kể thời gian qua, nhưng theo các chuyên gia, chính sách thu hút vẫn cần cải thiện hơn nữa.

Số doanh nghiệp tư nhân tăng mạnh trong 10 năm qua

Trao đổi tại Hội thảo “Vai trò của tư nhân trong cung ứng dịch vụ thu gom và xử lý chất thải rắn ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức cuối tuần qua, ông Nguyễn Thành Lam (Vụ Quản lý chất thải, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2011, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh trên cả nước khoảng 44.400 tấn/ngày. Đến năm 2019, con số này đã tăng lên 64.658 tấn/ngày, tăng 46% so với năm 2010.

Trong đó, khu vực thành thị là 35.624 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom CTRSH ở mức cao, tới 90 - 100%. Tuy nhiên, khoảng 71% CTRSH được xử lý bằng chôn lấp. Một số vùng nông thôn, miền núi chưa có dịch vụ thu gom chất thải rắn sinh hoạt.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước có 1.322 cơ sở xử lý CTRSH. Các cơ sở xử lý CTRSH đã đầu tư 381 lò đốt, 37 dây chuyền sản xuất phân bón, 904 bãi chôn lấp CTRSH, trong đó nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.

Hoạt động thu gom và xử lý CTRSH đòi hỏi nguồn lực rất lớn, do đó, theo TS. Hồ Công Hòa, Phó trưởng ban Nghiên cứu các vấn đề xã hội của CIEM, thu hút nhà đầu tư tư nhân trong xử lý CTRSH chính là thực hiện “nhiệm vụ kép” - thúc đẩy kinh tế tư nhân và thực hiện Chiến lược Quản lý chất thải, Chiến lược tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn...

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực tham gia cung ứng dịch vụ công này theo hình thức xã hội hóa. Nhờ đó, số lượng công ty tư nhân trong lĩnh vực này đã tăng từ 166 (năm 2010) lên 852 doanh nghiệp hiện nay, trong khi doanh nghiệp nhà nước giảm từ 61 (năm 2010) xuống còn 49 doanh nghiệp.

Trong các giải pháp thu hút nguồn lực ngoài nhà nước, đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) là một trong những giải pháp ưu tiên hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Hòa, Luật PPP mới điều chỉnh các dự án có quy mô hơn 200 tỷ đồng, chỉ phù hợp với các đô thị lớn. Tại các đô thị nhỏ và vùng nông thôn, các dự án có quy mô nhỏ và phân tán, nên chưa được điều chỉnh bởi Luật PPP. Bên cạnh đó, việc phối hợp thực hiện các dự án xử lý CTRSH liên vùng còn nhiều bất cập, khó khăn, thiếu đồng thuận.

Cần triển khai mạnh cơ chế PPP với các chính sách linh hoạt

Để thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong hoạt động xử lý CTRSH, ông Nguyễn Thành Lam khuyến nghị, cần tạo lập cơ chế, chính sách phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ môi trường; rà soát, hoàn thiện các loại thuế, phí, giá dịch vụ môi trường.

Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách, đi kèm với hướng dẫn chi tiết đối với các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với lĩnh vực thu gom, xử lý CTRSH. Cần xử lý khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục về ngân sách, giá, đầu tư, đấu thầu cản trở thu hút khu vực tư nhân đầu tư cho thu gom, xử lý CTRSH. Rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách cho bảo vệ môi trường, các quy định về đấu thầu dịch vụ công ích về môi trường.

Đồng thời, triển khai mạnh mẽ các hình thức PPP, đẩy mạnh sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong bảo vệ môi trường. Xây dựng và ban hành hướng dẫn quy trình lựa chọn chủ đầu tư dự án xử lý CTRSH theo hướng tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư có áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

Chia sẻ vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Diễm Hằng, Trưởng phòng Nghiên cứu đô thị (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cho rằng, việc xây dựng chính sách khuyến khích xã hội hóa phải phù hợp với nhiều nhu cầu về mô hình xã hội hóa, với quy mô khác nhau, các chính sách tài chính linh hoạt, dễ áp dụng, đặc biệt đối với các mô hình quy mô nhỏ.

Ngoài ra, cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ về khoa học - công nghệ và ứng dụng công nghệ mới đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Đồng thời, đổi mới cơ chế, chính sách về giá dịch vụ vệ sinh môi trường, đảm đảm cơ chế người gây ô nhiễm phải trả tiền, nhưng chế độ thông tin cũng phải được công khai, dễ tiếp cận đối với mọi đối tượng.

Thanh Huyền

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thuc-day-hop-tac-cong---tu-trong-xu-ly-chat-thai-ran-d177717.html